Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Những Chiến Sĩ Can Trường



Kỷ niệm năm thứ 22 ngày phong Hiển Thánh 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo Việt nam (19/6/1988 - 19/6/2010)

Họ là bậc anh hùng trung liệt với Đức Tin vĩ đại, niềm tin siêu việt vào Đức Kitô, sĩ khí trung kiên với Đạo Chúa, khí phách anh hùng tuyên xưng Đức Tin, chẳng nao núng trước cực hình hay gươm đao.

Họ gồm tám (8) vị Giám mục, năm mươi (50) Linh mục, mười lăm (15) Thầy giảng và Chủng sinh, bốn mươi bốn (44) Giáo dân chịu Tử Vì Đạo dưới các hình án: 76 vị trảm đầu, 21 vị bị thắt cổ chết, 9 vị chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 5 vị bị chặt từng khúc rồi băm nát. Họ đã được phong hiển thánh `Tử Vì Đạo`vào ngày 19-6-1988. Họ còn là trên một trăm ngàn (100.000) giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân bị Văn thân thảm sát vào năm 1885.

Họ chịu tử vì đạo dưới nhiều nhục hình và khổ hình như: chùy, trượng hình, đồ hình, lưu hình, tử hình.
- Chùy : Đánh bằng roi. Gồm 5 bậc, từ 10 đến 50 roi.
- Trượng hình: Đánh bằng hèo, gậy (trượng đả), gồm 5 bậc: 50 đến 100 gậy.
- Đồ hình: Giam cầm và bắt làm khổ dịch, gồm 3 bậc:
Đồ làm dịch đinh: đinh phu khuân vác.
Đồ làm lính chuồng voi ngựa : làm vệ sinh chuồng voi, ngựa.
Đồ làm phu đồn điền : phá rừng, vỡ đất, ruộng.

Với các hạn: 1 năm kèm 60 gậy, 2 năm kèm 90 gậy, 3 năm kèm 100 gậy.
- Lưu hình: Phạt đày đi xa nhà, gồm 3 bậc:
+ Lưu cận châu (gần làng) kèm 100 gậy
+ Lưu viễn châu (xa xứ) kèm 100 gậy. |
+ Lưu ngoại châu (ngoài vùng) kèm 100 gậy.
- Tử hình: tội chết, gồm 3 bậc:
+ Xử giảo: thắt cổ chết.
+ Xử trảm: chém đầu. Trảm khiêu: chém bêu đầu 3 ngày.
+ Lăng trì (Tùng xẻo): xẻo đủ 100 miếng thịt của tội nhân, theo thứ tự từ trán, má, miệng, cổ, ngực, bụng, tay, chân..., cứ mỗi tiếng trống đao phủ cắt một miếng thịt.

Những tội hình trên được qui định trong bộ Hoàng Triều Luật thường gọi là luật Gia Long, ban hành năm 1815. Bộ luật nầy lấy theo luật cũ đời Hồng Đức nhà Lê năm 1433, rồi châm chước với luật nhà Mãn Thanh (Trung Hoa).

Ngoài các khổ hình nói trên, còn có các hình phạt khác như :
- Giam đói đến chết rũ tù.
- Gông: hình cụ hình thang bằng tre hay gỗ, dài khoảng 2 mét, đeo vào cổ tội nhân.
- Cùm: hình cụ bằng 2 tấm gỗ ghép lại, có khoét 2 lỗ để kẹp chân tội nhân.
- Xiềng: xích lớn có vòng sắt ở 2 đầu để khóa chân tay tội nhân.
- Kềm (kìm): đồ dùng bằng sắt có 2 càng để kẹp chặt.
+ Có 2 cách: Kềm nguội: dùng kềm kẹp thịt tội nhân. Rất đau.
+ Kềm nóng: đốt lò nung kềm đỏ nóng, kẹp thịt tội nhân cháy.
- Tẩm dầu đốt: dùng vải cuốn vào đầu 10 ngón tay, tẩm dầu, đốt.
- Quì bàn chông: bắt tội nhân quì lên tấm ván có đóng nhiều đinh ngược.
-
Đổ dầu vào rốn có tim bấc, đốt lên như ngọn đèn dầu.
- Voi chà: voi dùng vòi quật tội nhân xuống rồi giẫm đạp lên xác tội nhân.
-
Ngựa xé: cột mỗi tay mỗi chân vào mỗi sợi dây, cho 4 con ngựa kéo chạy 4 hướng, xé xác tội nhân ra nhiều mảnh.

Các tội hình trên được áp dụng chung cho các tội nhân, kể cả tội theo đạo Công giáo.

Phân sáp (Phân tháp): Riêng tội nhân công giáo còn chịu thêm hình phạt phân sáp được vua Tự Đức ban hành sắc dụ năm 1860, chủ ý phân tán người công giáo ra khỏi quê hương bản quán rồi sáp nhập họ vào các làng lương.

Việt Nam Giáo sử đã ghi lại các khoản chính như sau:
Khoản 1: Tất cả những người mang tên Công giáo, đàn ông, đàn bà, già trẻ, khó nghèo hay giàu sang đều phải tản mác sang các làng bên lương.
Khoản 2: Tất cả các làng bên lương đều có trách nhiệm canh giữ những người công giáo, cứ 5 người lương giữ 1 người công giáo.
Khoản 3: Tất cả các làng công giáo đều phải phá hủy, ruộng đất, vườn tược, nhà cửa sẽ chia cho các làng lân cận, những làng nầy phải chịu thuế về ruộng đất mình lãnh.
Khoản 4: Phải chia rẽ người đàn ông công giáo và người đàn bà công giáo. Các người đàn ông sẽ được gửi đi trong một tỉnh và các người đàn bà trong tỉnh khác, để chúng không còn có thể sum họp. Con cái sẽ phân tán cho các gia đình lương nuôi.
Khoản 5: Trước lúc tản mác phải khắc 2 chữ “Tả Đạo” vào má của người đàn ông đàn bà, con trẻ công giáo và cũng khắc tên tổng và huyện chúng phải đày tới, ngõ hầu chúng không trốn tránh được.

Cái tình cảnh giáo hữu Việt nam từ trước đã thê thảm thì bây giờ lại càng thêm tang tóc.

Dụ vừa ban ra, mọi người có đạo đều rụng rời chân tay. Đâu đấy vang lên những lời than vãn vô cùng bi đát: ” Chớ gì vua giết chúng tôi ngay đi cho xong! Chúng tôi thà chết mà chẳng thà sống khốn nạn, sống nhục nhã dường ấy!”. Vua quan cả nước đồng tâm làm khốn người Công giáo trăm đường nghìn cách không thể tả ra cho hết được.

Đang khi mọi nơi, các nhà cửa của kẻ có đạo phải thiêu đốt cháy ngùn ngụt, thì ở huyện lỵ, phủ lỵ, tỉnh lỵ hay các nơi lưu đồ, các quan truyền làm hàng trăm nhà tù nhà giam.....người Công giáo từng nghìn, từng vạn lũ lượt kéo nhau lên rừng lên núi hay chui rúc xuống thuyền, hay bị điệu vào tù đóng gông, cùm, xiềng xích hay bị đày lên rừng xanh sống cuộc đời khổ ải. (ngưng trích Việt nam Giáo sử).

(Trong thời bắt đạo, một số giáo dân Việt nam đã trốn thoát sang Lào và Thái lan. Số lánh nạn tại Thái lan đã góp phần xây dựng nên Giáo phận Chantabury hiện nay ở Thái lan).

Chiếu chỉ phân tháp của vua Tự Đức nhằm mục đích làm tan rã các gia đình công giáo, chồng một nơi vợ một ngã, con cái chia lìa khỏi cha mẹ.

Bị phân đến các làng lương để quản thúc quản chế, người Công giáo phải bị giam lỏng, ăn đói, ngủ ngoài vườn, trên đất, trong chuồng trâu bò. Có nơi lại lùa giáo dân vào giam trong các chuồng rộng lớn, trống trải, không mái che, không tường chắn gió, trời nắng thì nằm trên đất khô, mưa thì nằm trên vũng bùn, sống như súc vật. Giáo dân phân sáp nào tỏ ra ương ngạnh thì vua cho phép thắt cổ chết ngay. Tất cả tài sản, từ ruộng đất, vườn tược, trâu bò, heo gà đều bị tịch thu, nhà cửa cái tốt thì tháo dỡ, các xoàng thì đốt cháy. Chính sách phân tháp của vua Tự Đức, một chính sách nham hiểm, ác độc nhằm tiêu diệt tận gốc tiệt nòi các gia đình theo đạo Công giáo.

Ác tâm của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức không chỉ gieo rắc khủng khiếp tàn bạo cho người Công giáo Việt nam, con dân của vua, mà còn mang lại hậu quả “ác giả ác báo” cho chính triều đình Nhà Nguyễn qua vụ “Tứ nguyệt Tam Vương” (bốn tháng ba vua) do hai Phụ chính Đại thần Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết khuynh loát triều đình như sau:

Vua Tự Đức không con, lập di chiếu chọn Ưng Chân con Thụy Thái Vương nối ngôi và cho gọi ba vị Phụ chính Đại thần Trần Tiển Thành, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn văn Tường vào để ký thác tự quân. Ngày 16-7-1883 vua Tự Đức băng hà. Ngày 19-7-1883 làm lễ tấn phong Ưng Chân lên ngôi, hiệu là Dục Đức. Ba ngày sau đó, hai ông Tường và Thưyết phế vua Dục Đức, bắt giam vào ngục, bỏ đói đến chết. Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết tôn em ruột vua Tự Đức là Hồng Dật lên làm vua, hiệu là Hiệp Hòa vào ngày 30-7-1883. Vua Hiệp Hòa thấy hai ông Tường và Thuyết lộng hành, lấn át triều đình nên bí mật tìm cách loại bỏ hai ông. Việc bị lộ, hai ông Tường và Thuyết sai người giết vua Hiệp Hòa vào đêm 29-11-1883. Giết xong Hiệp Hòa, hai ông Tường và Thuyết tôn người con nuôi thứ ba của vua Tự Đức là Kiến Phườc lên làm vua ngày 3-11-1883. Kiến Phước làm vua được 8 tháng thì mất, nghi là bị đầu độc. Hai ông đưa Ưng Lịch 14 tuổi lên làm vua vào ngày 1-8-1884, hiệu là Hàm Nghi. Nhà vua còn nhỏ, chỉ ngồi làm vì. Quan Phụ chính Đại thần Trần tiển Thành bị bức tử, quan ngự sử Phan đình Phùng bị bắt trói, hạ ngục, các quan trong triều đều khiếp sợ không dám hó hé nửa lời. Mọi việc triều chính đều do hai ông Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết định đoạt.

Đêm 4 tháng 7 năm 1885, lợi dụng lúc lính Pháp tổ chức dạ tiệc, ông Tôn thất Thuyết cho lệnh tấn công đốt cháy Tòa Khâm, đánh vào đồn Mang cá, nhiều quan binh Pháp chết. Đến gần sáng, quân Pháp mới củng cố được để phản công. Quân ta kháng cự mạnh mẽ nhưng vì khí giới kém nên rút lui và tan rã dần. Ông Nguyễn văn Tường ra đầu thú Pháp. Ông Tôn thất Thuyết giục vua Hàm Nghi xuất sơn. Đưa vua ra Tân Sở thuộc huyện Cam lộ tỉnh Quảng trị. Tại đây, ông Tôn thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu thư gọi là “Hịch Cần Vương” hô hào cả nước chống giặc Pháp và bài trừ giáo dân Công giáo.

Hịch được ban ra, lập tức Văn thân nổi lên lùng sục, chém giết, cướp của, đốt nhà của người có đạo Công giáo khắp cả nước. Nặng nhất là tại tỉnh Quảng trị, nơi Tôn thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi đến tạm trú tại Tân sở thuộc huyện Cam lộ trước khi tới căn cứ địa Ấu sơn thuộc tỉnh Hà tĩnh. Văn thân tàn sát người theo đạo Công giáo bắt đầu ngày 6-9-1885 và chấm dứt vào tháng 10-1885, khi chính quyền lần lượt vãn hồi an ninh, tái lập trật tự.

Số 8585 tín hữu Công giáo tỉnh Quảng trị bị Văn thân tàn sát được kê như sau: Giáo hạt Đất Đỏ miền Cửa Tùng huyện Vĩnh linh 1666 người; Giáo hạt Bái Trời huyện Gio linh 2013 người; Giáo hạt Dinh Cát huyện Triệu phong 4642 người; Giáo hạt Thanh Hương 264 người. Trên toàn quốc có trên 100.000 tín hữu bị tàn sát.

Qua các thời kỳ bắt đạo, khởi từ ngày 16-7-1645, 3 vị “Tử Vì Đạo” tiên khởi là Thầy An-rê quê ở Phú yên, Thầy Inhaxô quê ở Liêm công, Quảng trị và Thầy Vinh-sơn. Cả 3 Thầy Giảng bị xử Tử Vì Đạo dưới thời chúa Nguyễn phúc Lan (1635-1648). Sau đó là những chuỗi ngày thống khổ mà các tín hữu Công giáo chịu oan nghiệt liên tiếp dưới các triều đại Cảnh Thịnh (Tây sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Văn thân. Người Công giáo Việt nam dù có chứng minh được lòng trung quân ái quốc của mình qua việc làm hay bằng lời nói, vua quan vẫn hành hạ và hành hình người có đạo. Các ông Lê đăng Thị, Tống viết Bường là đội trưởng và một số binh sĩ trong đội quân của triều đình đã tuyên bố "Chúng tôi sẵn sàng đi đánh Tây, nhưng không bỏ đạo”, vua quan vẫn ra lệnh xử tử hình. Đến như linh mục Nguyễn ngọc Tuyên từng được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tham Biện Thương chánh Hải phòng, cũng bị Văn thân giết tại Dương lộc, Quảng trị.

Các tín hữu Công giáo là những người dân hiền lành, họ cũng trọng Nho, hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, trân quý gia phong gia đạo, tuân theo tam tòng tứ đức, trung quân ái quốc, họ cùng với toàn dân cả nước từng chống xâm lăng Trung hoa, Mông cổ, Chiêm thành, Xiêm la (Thái lan), họ tuân giữ luật nước phép vua, lệ làng, v.v... Cũng có người đi lính đánh giặc giữ nước bảo vệ ngai vàng của vua. Cũng có người ra làm quan giúp nước. Nói chung, tín hữu Công giáo Việt nam thời ấy là những công dân tốt, hữu ích cho đất nước, cho xã hội, thế mà họ lại bị vua quan tịch thu hết tài sản, bắt bớ, tù đày, chém giết. Kẻ còn sống sót thì bị phân sáp để triệt tiêu diệt chủng nòi giống Công giáo.

Hành hạ, tàn sát đến mức tàn nhẫn khủng khiếp như vậy, vua quan ta chỉ mong người tín hữu công giáo nói hai chữ “Bỏ Đạo” hay một hành vi đơn giản “Bước qua Thánh Giá” là sẽ khỏi bị chém giết, được an thân, bảo toàn tính mạng, trả lại tài sản. Nhưng các tín hữu vẫn trung kiên với Đức Tin, cam chịu khổ hình, can trường làm Chứng Nhân Đức Ki-Tô. Họ xứng đáng là bậc “Anh Hùng Trung Liệt Tử Vì Đạo”.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. (Lời Đức Kitô, theo Phúc âm thánh Mathêu).

Trong suốt 250 năm bị khổ nạn, có trên 100.000 giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân bị “Tử Vì Đạo” (VNGS). Giáo hội Công Giáo Hoàn Vũ đã dành ngày 24 tháng 11 hằng năm để kính nhớ các vị “Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam” nói chung. Cách riêng, vào ngày 19-6-1988, tại giáo đô Vatican, Giáo Hội đã phong Hiển Thánh cho 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo gồm 8 Giám mục, 50 Linh mục, 15 Tu sĩ và 44 Giáo dân đã chịu các hình án: 76 vị bị trảm đầu (chém đầu), 21 vị bị thắt cổ chết, 9 vị bị tra tấn tàn bạo và chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 5 vị bị phân thây, chặt từng khúc.

Các ngài khi sống đã bị bắt bớ, tù đày, tra tấn, chém giết, đã chết hàng trăm năm qua mà nay việc phong thánh các ngài còn bị làm khó dễ....

Ngày 2 tháng 3 năm 1988, Hội đồng Giám mục Việt nam đã họp phiên bất thường, nhất trí lập trường 3 không: “Không hoản ngày lễ phong thánh; Không chia cắt danh sách 117 vị Tử Vì Đạo; Không xin đi Rôma dự lễ phong thánh”.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, trên 30 ngàn tín hữu công giáo, trong đó có 10 ngàn người Việt hải ngoại đã tề tựu tại công trường Thánh Phê-rô để tham dự thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2 chủ tế đại lễ phong “Hiển Thánh cho 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo Việt Nam”. Kể từ đây, Giáo hội Công giáo Hoàn Vũ dành ngày 24 tháng 11 hằng năm để kính nhớ tất cả các vị “Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam”.

Trong số các vua khét tiếng bắt đạo, thì triều Tây sơn có vua Cảnh Thịnh (1782-1802), còn triều Nhà Nguyễn 9 chúa 13 vua thì có chúa Nguyễn phúc Lan (1635-1648), vua Minh Mạng (1820-1840), vua Thiệu Trị (1840-1847), vua Tự Đức (1847-1883). Nhưng lại có 3 vua Nhà Nguyễn theo đạo Công giáo: Vua Khải Định được cụ Nguyễn hữu Bài giúp chịu phép Thánh Tẩy trước khi băng hà vào năm 1925, Vua Thành Thái được cụ Ngô đình Diệm giúp gia nhập Đạo Chúa trước khi chết vào năm 1954, Vua Bảo Đại đã chịu phép Thánh Tẩy gia nhập đạo Công giáo vào ngày 17-4-1988, hai tháng trước ngày tuyên phong Hiển Thánh 117 vị Tử Vì Đạo. Ngày 24 tháng 6 năm 1995, cựu hoàng Bảo Đại và phu nhân đã đến Vatican tham dự thánh lễ do Đức Giáo hoàng Gioan Phao lộ 2 chủ tế trong một nhà nguyện nhỏ. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tiếp 2 vị tại phòng khách. Cựu Hoàng 82 tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nắm tay Đức Thánh Cha hồi lâu, tỏ vẻ xúc động....

Montréal, Juin 2010

Không có nhận xét nào: