Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Ông bảo mẹ tôi là Việt cộng

Ông bảo mẹ tôi là Việt cộng



Bố Tôi
Hướng Dương 2010/04/21

Ngày bố tôi sắp về hưu, lúc ấy ông gần sáu mươi lăm tuổi, tôi thấy ông có thái độ lạ lùng, không là con người ông vẫn là lúc trước. Ông đã thay đổi không những về tính nết mà cả về cách cư xử và hành động. Nói cách khác, ông đã trở thành một con người khác lạ trong gia đình. Ông càng ngày càng ít nói và cuối cùng gần như không còn nói một câu nào suốt ngày, chỉ trả lời vắn tắt “có” hay “ không” khi chúng tôi hỏi, và nhiều khi im lặng không trả lời khi câu hỏi bắt ông phải nói ra một câu dài. Đối với mẹ tôi, ông càng không nói, chỉ lầm lầm lì lì.

Ông vốn là một người nóng tính, hay cau có gắt gỏng, hơi một tí là la hét um sùm. Bây giờ ông chỉ suốt ngày yên lặng, không để ý tới ai, như thể ông chỉ còn sống cho mình ông. Có lẽ vì ông không còn giao tiếp với mẹ tôi nhiều nữa nên ít còn cọ sát, ít đụng chạm. Những vụ to tiếng thường xuyên đối với mẹ tôi đã mất hẳn, vì ông không còn nói gì với bà nữa, ông chỉ còn là một sự hiện diện trong nhà, có cũng như không.

Ông cũng đã cả đời tỏ ra là một người khó tính, luôn luôn đòi hỏi sự tuyệt mỹ, đòi hỏi cái tối đa, cái nhất, không hẳn là chỉ đối với mẹ tôi và chúng tôi mà ngay cả đối với chính ông nữa. Ông ít khi bằng lòng liền với những công việc chúng tôi làm, ông thường hay phê bình chỉ trích, đôi khi bắt chúng tôi sửa hay làm lại. Chúng tôi thấy ở nơi ông một con người khó hợp với, khó sống cùng vì thế!

Nhưng ông lại là một con ngưòi nhiều tình cảm, ông sống cả đời vì chúng tôi, ông thương chúng tôi hơn cả chính ông, ông làm cái gì cũng vì người khác, kể cả những người không ruột thịt máu mủ. Ông lo lắng từng tí cho chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi đã trường thành và đã có gia đình riêng. Ngày ông có các cháu nội, ông dành bao nhiêu thì giờ rảnh chơi với chúng, đùa nghịch với chúng như một đứa bé con, ông cũng giỡn, cũng cười, cũng chơi như chúng, coi chúng như những đứa bạn nhỏ của mình. Ấy thế mà bỗng nhiên ông đã thay đổi hoàn toàn, ông không còn thân thiết với ai trong nhà nữa. Dường như ông chỉ còn sống cho bản thân ông, ông chỉ còn nghĩ đến ông, không còn ai xung quanh ông là quan trọng nữa. Ngay cả các cháu nội, ông cũng không còn bồng bế, nô đùa với chúng, ông đã quên chúng, ông không xa lánh nhưng không còn gần gũi như xưa.

Nhưng cái khác lạ rõ ràng nhất là sự đối xử của ông đối với mẹ tôi. Ngày xưa ông thương yêu mẹ tôi biết là chừng nào. Ông sống vì bà, ông cố gắng, hy sinh vì bà. Ông đã từng chăm sóc cho bà như chăm sóc cho một người tình, lúc nào cũng muốn có bà bên cạnh. Nhưng mối tình nóng hổi ấy đã phai nhạt với năm tháng, một phần bởi vì mẹ tôi không hiểu rằng có ông là một cái gì quí mà trời cho, bà luôn luôn coi việc có ông như là một sự đương nhiên, bà không gây dựng hay tìm cách nuôi dưỡng cho mối tình tiếp tục nẩy nở hay ít ra là không suy tàn. Vì thế mà dần dần giữa hai người không còn sự thắm thiết của thuở xưa nữa, không còn sự cảm thông, sự hiểu biết nhau, không còn mối tương quan thắm thiết giữa hai người bạn đời, trái lại chỉ còn sự cay đắng, sự chống đối, sự bất đồng, và có thể nói gần như là sự hận thù. Vì vậy mà mẹ tôi coi sự thể ông đã thôi không giao tiếp với bà nữa như là một điều may mắn, bà khỏi bận tâm, khỏi suy nghĩ, và nhất là khỏi phải đối phó với những khó khăn mà, bà nói do ông gây ra.

Sau ngày ông về hưu, ông lại còn lạ lụng hơn nữa. Ông cứ suốt ngày ngồi trong phòng đọc sách, viết văn, hay suy tư. Ông hay ngồi hàng giờ với một ly rượu và bao thuốc nghĩ ngợi, tôi không hiểu ông nghĩ gì, cái gì làm cho ông bận tâm khi mà ông đã về hưởng tuổi già, khi đáng lý ra ông phải được hưởng sự thanh thản của tâm hồn? Tôi không dám hỏi ông, mặc dầu những lần tôi về thăm nhà cùng đứa con ba tuổi, tôi không thấy ông vui, ông chỉ ra ôm đứa cháu, hôn nó một cái rồi lại đi vào trong phòng riêng của ông. Tôi có cảm tưởng ông sống trong một thế giới cô lập của riêng ông, ông không còn màng tới những gì xẩy ra bên ngoài căn phòng đó, ông đã bị lôi cuốn vào một thế giới của ảo tưởng, của tiềm năng, ông sống với những mơ ước mà ông đã không thực hiện được trong cuộc đời mình.

Thế rồi một hôm, khi không ai để ý đến ông, ông đã ra đi, ông đã biến mất để cho đến khi đứa cháu nội vào gọi ông ra ăn cơm chiều thì cả nhà mới hay ông không còn ở đó nữa, ông đã đi rồi. Tôi vào trong phòng ông lục lọi xem ông có mang thứ gì theo hay không, thì thấy ông chỉ đi người không, ông đã mặc bộ đồ khi ông còn đi làm. Trên bàn có tờ giấy nhỏ xíu, trên đó ông viết: "Tôi đi rồi tôi sẽ về, không có gì phải lo lắng cả. Đừng đi tìm tôi vô ích."

Và đúng như lời ông dặn dò, chúng tôi không đi tìm ông. Mẹ tôi chẳng tỏ vẻ lo lắng gì cả. Bà nói:

-Để cho bố chúng mày đi chơi cho sướng cái thân. Ở với tao ông thấy khổ, tao cho ông ấy đi ở với gái trẻ, đi chán ông ấy sẽ về!

Cái sai lầm ở mẹ tôi là ở chỗ ấy. Bà nói cứ để cho bố tôi đi, nhưng rồi ở nhà ai lo công việc trong nhà? Mặc dù bố tôi có vẻ bất thường nhưng ông vẫn là người quyết định mọi việc, ông vẫn lo giải quyết những vấn đề khó khăn như vấn đề tiền bạc, vấn đề sửa sang nhà cửa, và nhất là khi phải đối phó với người ngoài. Nay ông đi rồi thì mẹ tôi đâu có biết phải làm những công việc ấy? Tôi sẽ phải đứng ra thế ông, nhưng nay tôi đã có gia đình riêng, tôi lo thân tôi chưa xong, nhiều khi còn phải hỏi ý kiến bố tôi thì làm sao bây giờ?

Vả lại có ông ở nhà thì mẹ tôi còn lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ đi búa về làm cơn cho ông ăn. Nay ông đi vắng mẹ tôi, vốn dĩ lười, cứ để nhà bừa bộn, không lau chùi nên nhà bếp nhà tắm bẩn như hủi. Trong phòng ngủ quần áo mặc rổi mẹ tôi chất đống, chẳng buốn treo lên mà cũng chẳng đem đi giặt. Phòng khách phòng ăn ôi đủ thứ la liệt, sách báo, kẹo bánh, đồ dùng xài xong vẫn vứt đó, chén trà, cốc nước uống xong không buồn dọn, có khi để đó vài ba ngày, một tuần. Đồ đi mua về vứt ngay cửa ra vào có khi cả mấy tuần không đem cất. Mỗi khi về nhà thăm mẹ tôi, hai vợ chồng tôi phải dọn dẹp cho bớt ghê mắt, riêng tôi chỉ sợ bố tôi về bất tử thì lại có chuyện.

Mẹ tôi hay cãi lại ông làm ông nổi giận đập phá đùng đùng. Bà có tật hay dựng đứng câu chuyện lên rồi đổ lên đầu bố tôi, làm cho bố tôi phát điên lên thì mới thôi. Hơn nữa, mẹ tôi là dân Hà Đông, bà có cách nói xéo, làm người nghe rất khó chịu. Bố tôi ghét cái tính xấu đó của bà nhưng chẳng làm được gì. Bố tôi nói càng về già mẹ tôi càng có nhiều hành động làm cho bố tôi bực bội. Tối đến bà thức có khi đến hai giờ sáng chỉ để ngồi xem báo hay xem truyền hình. Bố tôi dục đi ngủ bà cứ lờ đi. Sáng ra bà không dậy nổi, bố tôi chuẩn bị bữa ăn sáng xong, bà cũng chưa chịu dậy, đến khi bố tôi ăn xong bà mới ra ngồi ăn. Cơm tối cũng vậy, mẹ tôi đi làm tan sở không về liền, bố tôi chờ không được dành dọn cơm lên ngồi ăn, ăn nửa chừng thì bà về. Bố tôi ăn xong đi nơi khác, mẹ tôi ngồi ăn, cả tiếng đồng hồ sau vẫn chưa xong, bà cứ ngồi một mình chậm rãi ăn, lúc nào muốn thôi thì thôi.

Nay bố tôi đi rồi thì mẹ tôi chẳng còn đối tượng để mà chống đối nữa, bà dành toàn thì giờ đọc báo hay coi truyền hình. Bà có thể ngồi đọc báo hoặc coi truyền hình hai ba tiếng đồng hồ, quên ăn quên ngủ. Tin tức gì bà cũng thuộc nằm lòng. Bà cứ kể đi kể lại những gì bà học được, nhiều khi người nghe phải nhắc là bà đã nói hai ba lần rồi thì bà mới thôi kể. Bà cũng có thể ôm điện thoại nói chuyện với bạn bè hết giờ này sang giờ khác. Còn nói đến việc đi mua bán thì có khi mẹ tôi đi không còn biết giờ về. Bà đi đến đâu cũng xem hết thứ này đến thứ kia nhưng không mua, bà chỉ thích xem để mà xem, để mà biết. Cái gì bán ở đâu bà đều biết, nói đến cái gì bà cũng hay.

Có một điều là mẹ tôi hay nói nhưng không bao giờ làm. Bà muốn cái gì thì cứ nói lên cho bố tôi nghe, rồi nếu ông không làm thì bà than, bà trách. Bà nói bảo làm không làm để bây giờ như thế này, như thế kia. Mà khi bà không bằng lòng một chuyện gì thì bà cứ nói tới nói lui, có khi cả hai ba năm sau bà vẫn còn lôi chuyện cũ ra mà nói. Bố tôi đến khổ vì bà, nhưng ông cho đó là vì bà già, bà thay đổi tính nết, bà khó chịu cũng như tất cả những người đàn bà khác khi về già. Khi bố tôi góp ý với bà thì bà nói với bố tôi:

-Không vừa ý thì đi tìm gái mười tám cho nó hầu hạ, để cho tôi yên thân.

Tôi không hiểu trong đầu bà nghĩ gì mà lại nói thế, nhưng tôi biết bà cũng không sung sướng gì. Câu nói đó thể hiện một sự bất mản cùng cực. Có một điều tôi thấy lạ là thay vì đạp đổ, tại sao bà không chịu có một thái độ xây dựng? Tâm lý người đàn bà vào cái tuổi trên năm mươi hẳn là rất phức tạp, tôi không hiểu được những biến chuyển sinh tâm lý xẩy ra nơi họ. Tôi nghe nói là chính những người đàn bà đó cũng không hay biết rằng họ đã thay đổi, họ đã khác xưa, và vì thế họ khăng cho rằng họ vẫn thế, lỗi là do những người khác chứ không phải tại họ.

Tôi nghĩ bố tôi đã chán cái cảnh cơm không ngọt canh không bùi, ông đã không chịu nổi cái uơng ngạnh của mẹ tôi, ông muốn sống những ngày còn lại trong yên bình, và vì thế ông đã rút lui vào cái thế giới của riêng ông, vào giữa bốn bức tường của căn phòng làm việc mà xưa kia ông không thích vào. Nhưng như thế cũng không mang lại cho ông niềm sung sướng, vì ai sướng khi chỉ sống trong môi trường chết, môi trường im lìm, không tiếng nói, tiếng cười? Ai có thể ngày đêm chìm đắm trong sự u mê, sự day dứt của nội tâm? Tôi biết ông đang bị giằng co giữa bổn phận và hạnh phúc cá nhân. Ông đã không chịu ly dị vì còn con cái, còn các cháu của ông mà ông thương yêu vô ngần. Mẹ tôi đã bao lần nói thẳng vào mặt ông:

-Sao ông không ly dị tôi cái quách đi cho rồi? Để mà còn đi tìm gái tơ mà hưởng đời chứ? Ông còn tiếc cái gì nữa?

Tôi không biết bà có thực sự muốn thế không, nhưng tôi thấy bố tôi chỉ cắn răng lại để khỏi nói câu gì, vì tôi biết nếu đổ thêm dầu vào lửa tất nó sẽ bùng lên và không còn cứu chữa được nữa.

Ngày bố tôi ra đi, chúng tôi tưởng ông đi đâu chơi một hai ngày. Nhưng cả tháng trôi qua chúng tôi không thấy về, tôi cũng hơi lo lắng. Tôi gọi điện thoại đến các bác, các chú, bạn bè của ông thì không ai biết ông đi đâu, ông không hề thổ lộ kế hoạch của ông cho ai hết. Họ cũng ngạc nhiên về hành động này và không ngờ bố tôi lại có thể làm cái chuyện bất thường như thế. Nhưng tôi thì không ngạc nhiên chút nào. Ngày ông còn trẻ ông đã làm nhiều chuyện ngông cuồng. Đang đi làm yên bình ở sở này, ông vì bất bình một chuyện gì, ông xin nghỉ và sang làm một sở khác. Trong cuộc đời ông, ông đã thay đổi việc làm như chong chóng, ông đã không làm một công việc gì quá năm năm. Ông tuyên bố làm lâu một nơi chán, ông thấy cần thiết phải thay đổi. May mà ông là người có chí, ông luôn luôn trau dồi kiến thức, và ông có khả năng trí tuệ phi thường, không có một công việc gì mà ông không làm cho bằng được. Cuộc đời ông đã có những lúc khổ cùng cực, ông đã phải làm những công việc nặng nhọc hay thật tầm thường để tạm sống. Ông có tinh thần đấu tranh phi thường, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng cố vươn lên để thoát khỏi sự cơ cực. Ông rất tự hào về những thành quả ông gặt hái được trong cuộc đời. Tất nhiên tôi rất hãnh diện về con người phấn đấu của ông, tôi rất muốn giống ông và ông đã là gương sáng dẫn đường cho tôi đi. Chính vì tôi nhìn vào ông, noi gương ông, mà cũng đã thành công nhanh chóng và tiến lên trong sự nghiệp của mình.

Và như thế bố tôi đi đâu, không ai biết, cho đến một hôm chúng tôi nhận được một tấm thiệp ông gởi về đề tên Bé Mai, đứa con gái đầu lòng của em tôi, sanh ra khi ông không có nhà. Tấm thiệp mang những giòng chữ nắn nót của ông như sau:

Cháu Mai thương yêu của Ông Nội, Ông rất tiếc khi cháu ra đời ông không có mặt để bồng cháu ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Vì hoàn cảnh đặc biệt ông không thể về ngay thăm cháu, nhưng khi nào ông về thì ông hứa sẽ không quên có quà cho Bé Mai của ông. Ông hôn cháu và yêu cháu vô cùng.

Nhìn con dấu bưu điện chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng ông đã gởi nó từ một tiểu bang xa xôi cách chúng tôi cả mấy ngàn dặm. Thì ra ông đã quyết định ra đi thật xa, đi như thể đi trốn cái nơi đã làm cho ông buồn khổ, đi để mà quên lãng, đi để không còn gì gắn bó với một dĩ vãng đau thương.

Thành phố ông đang ở cũng là một thành phố lớn, nơi đó cũng có nhiều ngưới Việt sinh sống. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến nơi đấy nhưng tôi nghe nói nơi đó sinh hoạt của cộng đồng cũng cao, cũng có nhiều người làm ăn buôn bán nhộn nhịp, và nhiều khu cũng sầm uất không khác gì nơi tôi đang ở.

Trong khi chúng tôi rất xúc động khi nhận thiệp ông gởi về thì mẹ tôi vẫn dửng dưng như không. Bà cũng chẳng buồn cầm đến lá thơ mà cũng chẳng hỏi xem bố tôi đã viết những gì trong ấy. Tôi lấy làm lạ sao mà mẹ tôi lại có thể dứt tình với bố tôi như vậy. Tôi muốn tìm hiểu xem bố tôi đi xa như thế để sống với ai, không phải vì tôi tò mò hay muốn tìm cách kết tội ông, mà là vì tôi thương ông. Tôi thương bố tôi vì tôi biết chẳng đặng đừng bố tôi mới phải ra đi như thế, tôi biết rằng xa các con cháu ông nhớ lắm và cũng khổ sở không ít. Và tôi định tâm một ngày nào gần đây tôi sẽ xin nghỉ một tuần lễ để đi tìm ông.

Tôi chưa kịp đi thì bố tôi về. Ông về vào lúc đêm tối khi mẹ tôi đã đi ngủ, ông lẳng lặng mở cửa vào nhà, rồi vào phòng ông nghỉ. Sáng hôm sau khi mà mẹ tôi còn ngủ thì ông đã thức dậy pha trà uống và ngồi đọc báo ở ngoài phòng khách. Nghe tiếng động mẹ tôi tỉnh dậy và thấy ông, bà rất ngạc nhiên. Ông đi như vậy là gần ba tháng trời, ra đi ông không nói cho ai hay mà về cũng chẳng báo trước. Mẹ tôi nói:

-Tôi tưởng ông đi luôn rồi chứ! Sao lại còn về? Tôi tưởng ông đi cho sướng cái thân thì còn về nhà làm gì cho khổ thêm cả tôi nữa?

Bố tôi cứ im lặng chẳng nói câu gì. Mẹ tôi nói thêm:

-Nó bòn hết của rồi nó đuổi ông đi chứ gì. Bây giờ lại về lấy thêm tiền mang đi nuôi nó chứ gì?

Cáu quá bố tôi nói lại:

-Bà xem tôi có lấy đồng xu nào mang đi không nào? Bà đừng có ăn nói hồ đồ. Đừng có làm cho tôi điên tiết lên. Khôn hồn thì để cho tôi yên!

Mẹ tôi vừa đi xuống bếp vừa nói:

-Ông không có tiền thì nó ăn bả gì mà nó nuôi ông?

Thế là bố tôi đập bàn một cái rầm, rồi nói:

-Đã bảo câm cha nó cái miệng lại mà không chịu câm.

Bố tôi đi vào phòng của ông đóng xầm cửa lại. Thế là ông lại trở về với cái thế giới của ông, trong cái thế giới đó không có người vợ oái oăm, khó chịu mà ông nay ghét thậm tệ.

Chiếu thứ bẩy nghe tin bố tôi về, hai anh em tôi mừng rỡ, định tổ chức đi ăn cơm chiều cho cả gia đình. Em tôi bế bé Mai về ra mắt ông nội, ông mừng hết sức, ông ẵm bé, ông hôn, ông không chịu rời đứa cháu cưng của ông. Ông về ông đã mua cho cháu ông một tấm lắc đeo tay bằng vàng tây, ông lấy ra đeo cho cháu rồi bắt chụp cho ông cả chục tấm ảnh ông bồng bé Mai của ông. Thấy ông vui sướng, chúng tôi mừng quá chừng, mẹ tôi tức tối nói:

-Sao ông không đẻ một bé Mai của ông mà ôm mà thương yêu? Lấy một con vợ mười tám tuổi thì nó đẻ cho chứ có khó gì?

Thế là bố tôi giận, không đi ăn cơm chiều nữa, ông nói ông “không đi ăn với con mẹ khó chịu đó”. Ông bảo mẹ tôi là việt cộng, chuyên môn phá hoại, cứ đến lúc cả gia đình vui vẻ thì bà phải làm một cái gì để phá, để chọc giận bố tôi, làm cả nhà hết vui vẻ. Mẹ tôi chẳng cần có bố tôi đi, bà nói tỉnh bơ:

-Bố mày dỗi, để cho ông ấy ở nhà. Mình đi mình cứ đi!

Chúng tôi đành đi mua đồ ăn về nhà, bố tôi không còn hứng, ông ăn hai ba miếng rồi bồng bé Mai vào trong phòng ngồi ôm cháu. Mẹ tôi ngồi ăn vui vẻ, tỉnh bơ như không có chuyện gì, trong khi chúng tôi thì rầu thối ruột.

Những ngày ông ở nhà, chiều nào ông cũng đến thăm các cháu nội, nhất là cháu bé gái bé bỏng của ông. Nhưng vì ở nhà không được vui, hai tuần sau ông lại ra đi, ông đi mà không nói trước với ai, tự dưng ông biến mất, không để lại một vết tích gì.

Thế rồi mỗi tháng ông biên thơ về cho các cháu, ông hỏi thăm, nói chuyện này nọ, và thơ nào ông cũng nói ông nhớ chúng nó, nhất là bé Mai của ông. Ông muốn chúng tôi gởi hình các cháu cho ông và ông cho một hộp thơ để chúng tôi gởi tới đó.

Sáu tháng trôi qua, không thấy ông về thăm nhà, chúng tôi sốt ruột, tôi bèn xin nghỉ một tuần đi tìm ông. Tôi nghĩ tôi biết thành phố nơi ông ở, tôi chỉ cần đi hỏi thăm thì sẽ tìm được ra ông, nhưng tôi đã lầm. Năm ngày trời tôi đi khắp các khu phố có người Việt làm ăn buôn bán hỏi thăm, không ai biết và không ai nhận ra người trong tấm hình của bố tôi mà tôi đưa cho xem. Ban ngày tôi đi mỏi cả chân, chiều tối về khách sạn, tôi điện thoại cho những người quen biết ông hiện đang ở vùng này để xem bố tôi có liên lạc với ai không, thì cũng không ai biết tin gì vì ông không hề tiếp xúc với họ. Thật là một chuyện lạ lùng, như thể ông muốn giấu hết tất cả mọi người về sự hiện diện của ông ở nơi đây.

Đến tối hôm thứ sáu, khi tôi đã thất vọng tưởng phải bay về tay không, thì bố tôi gọi điện thoại đến khách sạn hỏi tôi. Ông nói ông được biết tôi đi tìm ông nên ông muốn gặp tôi nói chuyện. Ông hẹn sáng thứ bẩy hai bố con đi ăn sáng gặp nhau, vì chiều tôi đã lên máy bay trở về. Ông cho nơi hẹn và giờ hẹn rồi thôi không nói gì hơn nữa.

Đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi không hiểu tại sao ông biết tôi đến đây đi tìm ông mà ông gọi? Tại sao ông lại chọn nơi này mà đến ở? Ông sống với ai nơi đây? Thật là những điều bí hiểm.

Sáng hôm sau tôi đến nơi hẹn sớm cả nửa tiếng đồng hồ vì tôi muốn xem ông tới bằng cách nào và với ai. Đúng giờ hẹn tôi thấy một chiếc xe hơi loại sang đậu lại cách nơi đây vài trăm thước và tôi thấy ông bước xuống. Ông mặc một bộ đồ mà tôi chưa thấy bao giờ, trông rất lịch sự, ông bước rất khoan thai, vẻ mặt tươi tỉnh, không ủ rũ như khi ở nhà. Cái gì làm ông thay đổi như vậy, tôi tự hỏi. Tôi thấy ông đẩy cánh cửa tiệm ăn, nhìn một vòng, thấy tôi, ông cười và tiến tới. Ông nói:

-Làm gì mà con phải đi tìm bố vậy? Thư thả rồi bố về chứ gì?

-Con muốn sang đây thăm bố và xem bố sống làm sao. Ở nhà chúng con hơi lo…

-Sao phải lo? Bố sống ở đâu chẳng được? Thôi con đã đến đây thì để bố kể hết chuyện cho con nghe. Con lớn rồi chẳng có gì mà phải giấu con nữa.

Người hầu bàn đến, chúng tôi gọi phở và cà phê đen. Bố tôi hỏi chuyện ở nhà ra sao, tôi nói mọi chuyện vẫn bình thường, các cháu nhớ ông lắm, chúng cứ hỏi ông đâu. Nghe nói vậy vẻ mặt bố tôi hơi thay đổi, phảng phất một nỗi buồn, tôi biết ông cũng nhớ các cháu ông lắm.

Phở mang ra, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi hỏi:

-Bố ở đây với ai? Ăn uống làm sao?

Ông ngừng ăn, tay vẫn còn cấm hai chiếc đũa, nhìn tôi như muốn xem tôi có ẩn ý gì không. Ông ăn thêm vài ba gắp rồi đẩy bát phở sang một bên, cho đường vào cà phê uống. Ông nói:

-Bố ở với một người bạn quen từ lâu lắm rồi, con không biết bà ấy. Bố quen từ trước khi lấy mẹ con.

-Bố tìm bà ấy hả bố?

-Không, tình cờ bố gặp lại. Đã gần bốn mươi năm trôi qua. Bố không nhận ra bà ta nhưng bà nhận ra bố. Thật là một chuyện lạ lùng!

-Bố gặp hồi nào?

-Cách đây năm năm, ở Paris, tại nhà một người bạn chung của hai người.

-Sau đó bố vẫn tiếp tục liên lạc?

-Thỉnh thoảng, bố nói chuyện điện thoại thôi. Lúc sau này bố buồn thì tâm sự nhiều hơn. Bà ấy góa chồng đã hơn mười năm nay rồi, có một đứa con gái nay cũng bằng tuổi con. Bà làm ăn buốn bán nên khá gỉa, nhà cửa rộng mà không có ai ở, chỉ có hai mẹ con nên mời bố sang chơi.

-Thế rồi bố ở luôn ?

-Không bố đâu có tính ở luôn? Ở nhà lúc nào tinh thần cũng căng thẳng, làm sao bố chịu mãi cho được. Bố bị suy nhược thần kinh vì thế. Ở đây thoải mái, bố thấy dễ thở, bố bớt u sầu, không còn buồn bực. Bố ở tạm một thời gian cho khỏe lại…

-Con thấy bố có khá hơn ở nhà, bố bình thường hơn trước, con mừng lắm. Nhưng ở như thế mãi sao tiện?

-Người ta mời bố, chứ bố có xin đâu? Nhà cửa rộng thênh thang để không, không ai chăm nom, bố làm quản gia, người ta còn mừng. Nói thế chứ bà ta thương bố, thấy bố buồn khổ, muốn giúp. Bố không thấy có gì phiền hà…

-Cơm nước thì sao hả bố?

-Ở chung nhà thì ăn chung chứ có gì đâu? Bố ăn đâu có bao nhiêu?

-Bố có góp tiền hàng tháng không?

-Bà ấy đâu chịu lấy? Bà nói, bố đến ở là vui cửa vui nhà, bố không phải lo lắng gì cả. Tiền mà làm gì hả con?

-Thế còn tiền máy bay đi về?

-Con Thủy nó mua cho bố. Quần áo bố mặc cũng vậy, nó thương bố lắm! Mỗi lần bố về nhà, cả hai mẹ con cứ thấp thỏm, chỉ sợ bố không qua nữa!

-Vì vậy mà lâu quá bố không về nhà?

-Có lẽ vậy. Không có vé máy bay thì làm sao về? Mà về đến nhà là lại có chuyện, bố không muốn về nữa! Mẹ con đâu còn thương bố nữa?

-Bà ấy thương bố nhiều lắm phải không?

-Không biết, nhưng ở đây không bao giờ có một vấn đề gì để buốn phiền!

-Bố thích ở đây hơn?

-Không hẳn là thế! Hoàn cảnh bó buộc. Bố đâu còn cách lưạ chọn nào khác? Xa con và các cháu, bố nhớ lắm chứ!

-Con biết! Thôi con nghĩ thế này cũng được. Bố cần có cuộc sống riêng của bố, con không dám nói gì.

-Con về cứ coi như không tìm ra bố. Chớ có nói gì với ai. Cái này là bí mật giữa hai bố con mình.

-Thưa bố vâng!

Chưa bao giờ bố tôi lại tâm sự với tôi như thế! Tôi nghĩ ông cảm thấy thoải mái hơn sau khi cho tôi biết những gì ẩn náu trong lòng ông từ nhiều năm nay. Sau khi ông đã chia sẻ nỗi lòng của ông với tôi, ông không còn phải chịu cái gánh nặng ấy một mình. Tôi thấy hình như ông thở ra khoan khoái, và ông ra về vui vẻ. Ông ôm vai tôi, chúng tôi ra cửa, ông leo lên chiếc xe vẫn chờ từ nãy giờ nơi đó, tôi về khách sạn để chuẩn bị ra phi trường.

Những lần sau ông về, ông ở nhà hai vợ chồng tôi, ông vui chơi với các cháu nội, nhưng về được một tuần, ông lại sốt ruột đòi ra đi. Tôi hiểu ông nên không dám nói gì. Chỉ có các cháu nhỏ, chúng cứ nhao nhao “
Ông nội đừng đi! Ông nội đừng đi!” làm ông chảy nước mắt mỗi khi ra đi.

Tôi cũng một năm hai lần lấy cớ đi họp, sang thăm ông vài ba ngày. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở nơi công cộng, ông không bao giờ cho tôi biết nơi ông ở, càng không cho tôi biết ngươì đàn bà bí mật mà ông ở nhờ.

Cứ như thế được mười năm trời. Rồi một hôm ông về, ông ốm nặng đòi tôi đưa vào nhà thương. Mới vào hôm trước hôm sau thì ông qua đời. Những lần tôi vào với ông vào những giờ chót ông sắp ra đi, tôi thấy hai người đàn bà, một người lớn tuổi như mẹ tôi, ăn mặc sang trọng, ngồi nơi chiếc cửa sổ cách phòng bố tôi nằm chừng mươi thước. Trông họ nghiêm trang và có vẻ buồn rầu lắm. Tôi biết ngay đó là Thủy và mẹ chị, người đã nuôi dưỡng chăm sóc bố tôi hơn mười năm qua.

Những ngày xác bố tôi quàn ở chùa, tôi thấy suốt ngày bóng dáng hai người đàn bà ấy lảng vảng ở sân chùa, người mẹ cầm chiếc khăn tay lau mắt. Tôi lấy làm xót xa cho bà, vì bố tôi chết, mẹ tôi không buồn, không khóc mà bà thì đau đớn sụt sùi. Và bà lại không được khóc công khai! Thật là một sự bất công, nhưng làm sao được? Định mệnh đã an bài như thế! Ngày xưa bố tôi đã bỏ người con gái ấy để lấy mẹ tôi. Thế mà một đời, người ấy vẫn thương vẫn muốn làm sao cho bố tôi bớt khổ. Công lao ấy tôi ghi trong lòng mãi mãi.

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Duyên Tình Nam Bắc


Khi ngồi viết những giòng chữ này thì vợ cháu đang ngủ say sưa trên giường. Nhìn đôi chân dài thườn thượt của bà thò ra khỏi chăn, tự nhiên cháu bật cười.

Thì ra vợ cháu cũng thuộc loại…chân dài ra phết, cao xấp xỉ 1,70 mét chứ chẳng phải chơi. Năm ngoái gặp lại đám bạn cũ cùng binh chủng, trong lúc chụp ảnh chung bỗng có thằng la lớn: “Chúng mày ơi ! Đứng bên cạnh bà này chắc ông phải kiễng chân lên mời xứng!“, làm vợ cháu ngượng chín người.

Nghe nói bên Việt Nam bây giờ người ta tung hô tán tụng “những cô gái chân dài“ dữ lắm, làm phim, lên ảnh, quảng cáo rùm beng, làm các cô cứ tưởng mình là cái rốn của vũ trụ không bằng.

Có điều lạ là hầu như các mợ toàn là gốc miền Bắc, nói năng giọng Bắc, nhìn đời với con mắt người Bắc và cư xử thì cứ “tự nhiên như người Hà Nội“.(Bật mí cho các cụ nhé: bây giờ thì đa số các mợ Hà Nội chính gốc đã thi nhau làm “con chim đa đa“ bay qua xứ khác lấy chồng xa hay đi kiếm cơm hết ráo, còn lại toàn là gốc Hà-Nam-Ninh hay Thanh-Nghệ-Tĩnh lên Hà Nội lập nghiệp).

Hay là ông Trời sinh ra người càng ở vùng phương Bắc thì da càng trắng, mũi càng cao và chân càng dài, cứ nhìn mấy ông Tây bà Đầm là biết ngay.

Thế nhưng ”bà già chân dài” vợ cháu lại là dân Nam kỳ tuốt luôn tận phương Nam, là thứ Nam kỳ chính hiệu con nai vàng, quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn. Hoá ra “mũi cao, chân dài“ đâu phải độc quyền của các mợ Bắc Kỳ 75, các mợ nhờ “tàn dư đế quốc“ nên chỉ mới xuất hiện sau này thôi, chứ ngay trong „thời kỳ chiến tranh“ cách đây mấy mươi năm thì “mũi cao, chân dài“ như Nam kỳ vợ cháu đã nhởn nhơ đầy đường. Đúng là một cọng giá “thời kỳ chiến tranh“ vẫn hơn một gánh rau muống “thời kỳ hoà bình đổi mới “!

Bố mẹ cháu sinh cháu ra tại miền Bắc, học hành và lớn lên cùng với gia đình trong miền Nam , để rồi trưởng thành tận ngoài miền Trung. Từ những tính chất của ba miền đã hợp lại tạo nên cháu thành một thứ “hẩu lốn“, như canh chua nấu với...rau muống, giá sống ăn với...bún riêu, nhậu bia với ché mà lại chấm với ...xì dầu. Thế nhưng cái bản chất Bắc Kỳ vẫn là cái cốt lõi trong con người cháu từ lúc sơ sinh, vẫn Bắc Kỳ rau muống mắm tôm, Bắc Kỳ truyền thống, Bắc Kỳ muôn thuở... Nhưng ông Trời oái oăm lại sai ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cháu làm thằng tù khổ sai chung thân cho một bà vợ Nam kỳ quốc. Lạ thật ! Duyên hay nợ đây Trời!

Hồi còn bé, thú thật cháu chẳng ưa gì Nam kỳ. Còn ghét, còn hận nữa là khác. Chuyện cũng dễ hiểu thôi Lần đầu cắp sách đến trường tiểu học Bàn Cờ ở quận 3, Sài Gòn, chỉ có cháu với một thằng nhô nữa là Bắc Kỳ. Thằng này có hàm răng đưa hơi xa ra phía trước, mà văn chương Bắc Kỳ gọi là “vẩu“, còn Nam Kỳ gọi đơn giản và rất tượng hình là cái “bàn nạo dừa“. Bố nó (không vẩu tí nào) rất thân với bố cháu (cũng chẳng có bàn nạo dừa) vì cả hai gia đình cùng đi chung chuyến tàu “há mồm“ vào Nam năm 54.

Hai thằng Bắc kỳ con nhất định ngồi cạnh nhau tạo thế liên hoàn “dựa nhau mà sống“ trong cái lớp học 27 trự Nam kỳ con. Bọn chúng hè nhau trêu chọc, ăn hiếp hai đứa chúng cháu. Mỗi lần ra chơi hai thằng Bắc Kỳ con luôn tìm chỗ ít người mà đứng để khỏi nghe bọn Nam kỳ đọc thơ chọc quê chửi bới. Thằng Vọng, đứa đầu xỏ và to con nhất đám (bây giờ đang ở Gia Nã Đại) leo lên cây vú sữa giữa sân, đọc thơ rang rảng:

Bắc Kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm lựu đạn...chết cha Bắc Kỳ

Một thằng khác sẵn giọng phụ họa:

Có cái thằng nhỏ nó "đao" làm sao
Lỗ đ. nó dính cái cọng "rao“,
Người ta ai mà kỳ như "dzậy“?

Thế là cả bọn đồng loạt chỉ ngay vào bọn cháu rồi rống lên: ”Thôi rồi ! Bắc Kỳ, Bắc Kỳ !”

Cháu tủi thân lắm! Ôi thôi! Buồn da diết, buồn vô biên, buồn phát nghiền !

Về nhà hỏi mẹ tại sao gia đình mình lại vào đây làm quái gì để chúng nó trêu con suốt ngày. Mẹ cháu rướm nước mắt, xoa đầu cháu giải thích đơn giản:

- Tại vì người ta đánh nhau quá nên gia đình mình phải “ri cư “ vào đây con ạ ! Thôi chịu khó đi con, mẹ biết làm sao bây giờ !

Nào đâu đã hết, chúng nó còn hè nhau tụ tập trước cửa nhà cháu. Mẹ cháu cầm chổi lông gà ra đuổi. Chẳng đứa nào sợ, trái lại còn tru tréo to hơn. Chợt thấy hàm răng của mẹ cháu nhuộm đen ngòm và bóng loáng, thế là chúng nó cứ thế mà gào:

"Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm cục c., hàm răng đen thùi ”

Trong gia đình, chỉ có bố cháu là chẳng thằng Nam Kỳ con nào dám giỡn mặt. Có lẽ nhờ khuôn mặt có oai hay nhờ đôi mắt nghiêm khắc của ông, mà chúng sợ một vành không dám trêu chọc một lời ?

Ngày tháng qua mau, cứ thế mà đám Bắc Kỳ ”ri cư”, trong đó có gia đình cháu, vẫn sống phây phây trên mảnh đất Nam bộ lạ hoắc nhưng trù phú này. Những cảnh chọc quê dần dần biến mất, bạn bè nhiều hơn, trong đó dĩ nhiên không ít đứa Nam Kỳ. Đứa Sài Gòn chính tông, đứa Sa Đéc, đứa Vĩnh Long, đứa Mỹ Tho, Cần Giuộc...Nhưng đứa nào cũng chửi cháu là ”thằng Bắc Kỳ lắm mồm”. Không ”lắm mồm” chứ để chúng mày ăn hiếp ông hả?

Nghĩ cho cùng, không ”lắm mồm” thì đâu còn là Bắc Kỳ nữa! Thứ ”lắm mồm” được việc, ”lắm mồm” nghe vẫn bùi tai, ”lắm mồm” dễ mến, thiếu thì nhớ, vắng thì mong, ”tay chơi” nhưng vẫn ”chân tu”, gái Nam kỳ cứ thế mà...”lắc lư con tàu đi”. Càng lớn lên cháu càng khoái miền Nam , khoái Sài Gòn, nơi dễ có nhiều bạn, mà bạn lại không tồi. Nơi đó có dừa xiêm dzú sữa, có chè đậu xanh bột báng nước dừa, có bánh bèo trét mỡ trắng phau phau, có nước mắm đường ngọt lịm, có cá bống trứng kho tiêu, có trái cóc ngâm đường cắm que cà rem chấm muối ớt, có quán cơm bà Cả Đọi, có cả những con đường hẻm ngoằng nghoèo dẫn đến nhà ...chị Tình.

Miền Nam và Sài Gòn thật trong veo khoáng đạt, không tự tôn như cái Bắc Kỳ đã có sẵn từ bẩm sinh trong bụng cháu, không rườm rà ”màu mè ba lá hẹ”, chân thành thật thà, thẳng ruột ngựa, không làm vẫn có ăn, chơi xả láng sáng về sớm, để rồi vẫn cứ yêu người, yêu đời.

Có lẽ cũng cùng một cảm nhận như thế nên đám Bắc Kỳ ”ri cư” chúng cháu mới vào Nam chỉ có cái quần xà loỏng trên ”tàu há mồm” đã lợi dụng thời cơ hè nhau tung ra dành dân chiếm đất khắp cõi Nam bộ, mà lại ăn nên làm ra trên mọi lãnh vực, trong đủ tầng lớp xã hội, nhất là vùng Sài Gòn Gia Định và các vùng phụ cận, chỗ nào làm ăn ngon lành thuận lợi là mấy mợ Bắc kỳ rau muống sang tay hàng loạt, ngoại trừ phía bên trong chợ Bến Thành và vùng Chợ Lớn, vì chẳng thèm ”kèn cựa” với các chú Ba. Đã bảo rồi mà...: ” Bà đã nàm thì nàm thật chứ không thèm nàm nấy ne, nàm nấy nệ !”

Từ sau năm 75 thì Bắc Kỳ lại càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy ”dzô tuyến chuyền hình” hay cái ”ra dzô” ra thì thấy liền, các ”xướng ngôn dziêng” hầu như ”chăm phần chăm” đều là Bắc Kỳ, không cậu thì mợ. Còn các mợ tiếp dziêng ”E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe ”em người Hà Lội” hết ráo ! Chẳng biết tại ”dziêng dzáng” hay ”phe đảng” ?

Bố cháu trái lại, cái chất Bắc Kỳ đã ăn vào máu, thấm vào cốt lõi xương tủy của ông từ bao đời, nhất quyết bắt anh em cháu phải thi vào trường Chu Văn An (CVA), con em gái phải thi bằng được vào trường Trưng Vương, toàn là những trường nổi tiếng từ miền Bắc, kéo theo các thày cô ”ri cư” vào Nam. Phần vì bố cháu là cựu học sinh trường Bưởi, phần vì ông cũng có chút thiên kiến và ít tin tưởng vào các trường miền Nam như Petrus Ký hay Gia Long. ”Mình dân Bắc thì phải học trường của người Bắc, chúng mày đừng có bàn với bạc lôi thôi !”, bố cháu phán cứ như đinh đóng cột.

Mà lạ thật ! Vào học Chu Văn An mới thấy toàn đám học sinh Bắc Kỳ, le que vài trự Nam Kỳ lạc lõng vô duyên, đếm chưa đủ mười đầu ngón tay đã hết đứa Trung Kỳ. Cho đến các thày đa số cũng lại Bắc Kỳ nốt, từ thày hiệu trưởng Dương Minh Kính đến thày thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Còn bên Petrus Ký thì ngược lại, hầu hết Nam Kỳ. Hóa ra vung nào thì vẫn cứ đi tìm nồi nấy, hay hoặc giả có chính sách của chính quyền thời đó hay không? Chẳng thành vấn đề, chỉ biết bọn Nam Kỳ Petrus Ký châm biếm đổi tên Chu Văn An thành ...Chết Vì Ăn ! Cháu tức máu trả đũa, rằng chúng mày ghen ông vì chúng mày chiêm ngưỡng các em Bắc Kỳ Trưng Vương mà thèm nhỏ dãi, nhưng sờ vào thì chúng mày sẽ thành con dế mèn để các em Bắc Kỳ thọc cọng nhang sau gáy thổi quay vòng vòng ! Tức quá, mấy trự Petrus Ký chỉ biết ”ngậm ngùi” đồng ca bản ”Khúc Nhạc Đồng Quê” rằng thì là:

”Quê hương tui Bắc Kỳ nhào dzô quá trời
Bên bờ sông bên bờ ao...trồng rau muống !”

Hay cũng là: ”Quê hương tui cái mùng mà kêu cái màn !....”

Thôi thì cũng đúng thôi ! Mấy trự Nam Kỳ hay Trung Kỳ chỉ cần nghe một mợ Bắc Kỳ uốn éo ra chiêu vài đường lưỡi thì đã nhũn như chi chi, mắt trợn ngược, mồm há hốc, quên luôn cả tên họ mình. Chỉ có trai Bắc Kỳ mới trị nổi các mợ Bắc Kỳ thôi ! Này nhé, các cụ cứ chịu khó nhìn chung quanh đi, cứ một trăm trự Nam Kỳ chưa chắc có được một trự vớ được một mợ Bắc Kỳ.

Tìm mỏi con mắt mới có một trự ”diễm phúc” bế được một mợ mang về nhà thì bảo đảm suốt cuộc đời còn lại chỉ biết bốn chữ ”gọi dạ bảo vâng”, răm rắp tuân lệnh bà, chẳng bao giờ còn nhìn thấy mặt trời, mặc dù suốt ngày ngửa mặt than Trời ! Đấy mới chỉ là các mợ Bắc Kỳ 54 thôi nhé ! Gặp cỡ các mợ 75 hay các mợ quê quán Hà Đông hay Bắc Ninh ”...cầm roi dạy chồng” thì ôi thôi ! cái te tua nó kéo luôn theo cả tông ti họ hàng, suốt đời hưởng ”cái thú đau thương”, nghe chửi cứ tưởng nghe...hát. Hỡi các chú Nam Kỳ hậu sanh: Chớ chơi dại!

Đừng nghe ông Phạm Duy hát bài ”Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ” mà ham, lừa đấy ! Gặp Nam Kỳ thì cái ”nho nhỏ” kia sẽ phình to hơn cái vại, mà cái vại có nanh ! Ngược lại, một cậu Bắc Kỳ rau muống quơ được một cọng giá Nam Kỳ ”đem về dinh” –vụ này nhiều lắm- thì cứ như ”rồng thêm cánh”, như ”diều gặp bão”, như lái ô tô không cần Navigation.. . cả đời có người ”nâng khăn sửa túi” không công. Hóa ra hôn nhân cũng có quy luật đấy chứ:

Chồng Bắc Kỳ + vợ Bắc Kỳ = Vợ chồng đề huề, nếu biết cách
Chồng Bắc Kỳ + vợ Nam Kỳ = Chồng phây phả, phè cánh nhạn.
Chồng Nam Kỳ + vợ Bắc Kỳ = Chồng te tua, lưng còng.

Nhưng đã là ”luật” thì bao giờ cũng có ”luật trừ”, nghĩa là cháu không dám vơ đũa cả nắm đâu, với lại cháu chỉ lợi dụng cái ”tự do ngôn luận” trên xứ người, xin bàn bậy vài chữ ngu ngơ để các cụ trong lúc ”trà dư tửu hậu” đem ra trước là mua vui, sau là cho bớt chút căng thẳng trong cái cuộc đời ... đen như mõm chó này. Xin lỗi các cụ, nẫy giờ nói loanh quanh mãi, bây giờ cháu xin trở lại chuyện của cháu.

Bố cháu nghiêm khắc lắm và dĩ nhiên giáo dục con cái theo truyền thống Bắc Kỳ. Đã có gốc có ngạnh, có cả sự nghiệp bề thế trong Nam nhưng vẫn...thờ cơm Bắc Kỳ, vẫn lễ phép Bắc Kỳ, vẫn giữ giọng nói Bắc kỳ và thậm chí còn ra lệnh, dâu rể cũng phải...Bắc kỳ ! Mỗi lần cháu dẫn bạn gái về nhà, bố cháu liếc mắt một cái là biết ngay cô nàng Bắc hay Nam.

Có một ông bố tinh đời như thế đôi khi lại...phiền. Với một mợ Bắc Kỳ, bố cháu thân mật tươi cười ”Cháu vào nhà chơi ! bố mẹ cháu khỏe mạnh không ?”, cứ làm như quen biết từ lâu vậy. Gặp cô ả Nam Kỳ thì lạnh nhạt khinh khỉnh ”Không dám, chào cô !” Cô bạn gái Nam kỳ mặt nghệt ra thưởng thức văn chương Bắc Kỳ, còn cháu nghe qua mà thốn từ dạ dầy đến ruột non.

Nghe Bắc Kỳ chê, nghe Bắc Kỳ chửi, mà cứ tưởng mình đang nghe thơ phú hay nghe nhạc êm dịu mới chết chứ ! Nếu quen cô nào Trời sinh có mấy cái vòng hơi...sexy một tí, Bắc cũng như Nam, cháu phải dấu biệt vì sợ lựu đạn nổ tung trong nhà. Điệu này coi bộ hơi khó sống. Thôi thì Bắc Trung Nam cũng một nhà, hạnh phúc lứa đôi đâu phải do thằng hàng xóm, mà là do chính mình. Thế rồi cháu đã từng hạ quyết tâm với bố: Lấy vợ Bắc kỳ, cho phải đạo làm con. Em nào Bắc Kỳ, rước về nhà cho bố xem mặt mà bắt hình dong (cứ như đi mua gà chọi). Em nào Nam Kỳ, điểm hẹn sẽ là mấy ống cống dưới gầm cầu xa lộ Đại Hàn.

Thiên bất dung gian! cháu lại phải lòng một ả Nam Kỳ, Nam Kỳ không lai giống, cái thứ Nam kỳ Gia Long kên kên xí xọn. Hồi đó cháu đi lính Không Quân của miền Nam, thấy đám phi công trời đánh đa số cũng đều là Bắc Kỳ, chẳng hiểu tại sao? Dân Nam Kỳ cũng có, Trung Kỳ lại càng ít hơn, nhưng đứa nào cũng có ...”cái mồm Bắc Kỳ”.

Cháu còn nhớ khi thi gia nhập Không Quân, phải đủ ký lô, đủ kích thước, lục phủ ngũ tạng bị khám tuốt luốt, phải trần trùng trục như con nhộng rồi nhẩy lên nhẩy xuống cho mấy ông bác sĩ ...”vạch lá tìm sâu”, chứ đâu có thi tuyển đứa nào ”lắm mồm”! Thế mà thằng nào thằng nấy đều có cái ”chứng chỉ lắm mồm” cao hạng dấu kỹ trong túi áo bay.

Một hôm đang trực phòng hành quân thì ông xếp (ông này Nam Kỳ quốc) hỏi có thằng nào rảnh ra phi đạo chở con cháu gái vợ của xếp theo tàu từ Sài Gòn ra Nha Trang đem về nhà bà vợ đang có bầu sắp đẻ. Tưởng đi biệt phái hành quân chứ cái màn này cháu khoái lắm: ”Chuyện nhỏ mà xếp, có tui ngay”. Ông xếp của cháu cũng chẳng vừa, nhìn thấu tim gan thằng đàn em: ”Lẹ lẹ lên coi, tàu sắp đáp rồi đó, sách tao mày học hết còn dư có cái bìa, nhưng mà từ từ thôi nghe cha nội, lạng quạng con mẻ chửi tao thấy bà!”. Lúc đó cháu đâu có ngờ rằng, cái chuyện nhỏ như mắt muỗi này lại thành chuyện lớn, lớn khủng khiếp, ảnh hưởng đến hết cả cuộc đời cháu !

Cô cháu gái ông xếp không có cái dạng ”ngực tấn công, mông phòng thủ” như trong ”xi la ma”, thế mà ngay từ phút ban đầu cháu đã bị dáng ngay tim một cái búa tạ chình ình chứ chẳng phải tiếng sét tầm thường.

- ”Cô đi máy bay có mệt lắm không ?”
– ”Dạ !”.
- ”Ra thăm cô dượng hả ?”
– ”Dạ !”.
-”Cô lên xe đi, tôi đèo cô về”
– ”Dạ !”...

Chèng đéch ơi ! Sao mà cụt ngủn cộc lốc thế bà nội ? Cái gì cũng ”dạ” hết ráo thì cháu biết đâu mà rờ ! Đúng gái Nam Kỳ ! Chợt nghĩ, không biết bà dzợ xếp tới giờ này có còn ”ngây thơ”, ”dạ dạ” với xếp như dzậy nữa hay không ? Xếp cháu đang ở San José, nếu xếp có đọc những giòng chữ này thì xếp cũng bỏ qua dùm vì thằng em đã thuộc lòng trọn bộ sách của xếp từ khuya rùi !

Từ đó cháu với nàng rủ rỉ rù rì cùng nhau đánh vần mấy chữ ”hình như là tình yêu”. Cuộc tình của cháu với nàng êm ả như quả lắc đồng hồ treo trên tường phòng khách nhà cháu, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố cháu thì quả lắc đồng hồ bỗng ngất ngư như bị đứt dây thiều. Thương quá, cháu đánh liều, ”mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua”, chuyến này nhất quyết không chui ông cống gầm cầu xa lộ, mà dắt nàng về nhà trình diện bố. Bố vẫn khinh khỉnh: ”Không dám ! chào cô”. Nàng vui tính: ”Ba anh coi ngầu quá hén!”, cháu tỉnh bơ: ”Không ngầu sao làm bố anh được !”.

Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam Kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân Nam Kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè, hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc Kỳ. Ông chỉ vì thương con, lo cháu lấy nhằm cô vợ Nam Kỳ cả ngày chỉ biết...phè cánh nhạn, ăn no lại nằm, thì con cưng của ông sẽ thành thân trâu ngựa suốt đời. Còn mẹ cháu, vốn dĩ nhà quê răng đen mã tấu bảo rằng, nghe Nam Kỳ nói chuyện cứ tưởng nghe tiếng nước ngoài, chỉ hiểu một nửa ! Cháu cãi lại, Bắc Kỳ cũng có khối đứa lười, lười như..cháu đây là hết mức rồi !

Một hôm cháu đưa nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo tiện bữa ngồi ăn luôn, cháu đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống ghế, cháu kéo lên không kịp. Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng, đi đâu gặp khách Bắc Kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta mời dăm lần bẩy lượt, ăn liền người ta chửi mình...chết đói !

Nam Kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống bếp, đói ráng chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn ! Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau : ”Mời bác xơi cơm, mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”, mời... mời... mời tùm lum!. Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu nhất, mời từ trên xuống dưới , trong nhà chỉ có con Tô Tô đang nằm chực dưới gầm bàn là nó không mời. Nó lại chẳng được ai mời để xơi, út mà! Nhưng rồi vẫn xực ào ào !

Cô bạn Nam Kỳ của cháu trố mắt nhìn cháu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì thầm:

- Em mời gia đình ăn cơm đi !

- Ủa ! Gia đình anh mời em ”ăng” mà ? Bộ ”ăng” cũng phải mời...mời...xơi ...xơi sao?

Nàng ấp a ấp úng cũng ráng mời:

- Dạ mời bác, mời bác, dạ mời... à... à... mời anh, mời em...

Chợt bố cháu lên tiếng:
- Thôi đủ rồi, cháu mời người trên thôi, còn mấy em cháu không phải mời...Mà hay thật ! Con bé này vui vẻ, ngoan ngoãn lắm ! Sao con cứ ăn hiếp nó mãi !

Nghe bố cháu nói mà bụng cháu cứ như mở cờ, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng nấu cơm Nam kỳ cho gia đình cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền:

- Dạ ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác !

- Sao ? Cô muốn búng hả ? Lỗ tai tôi đây này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi !

Thế là cả nhà cháu được một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:

- Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái ”cùi dìa” với cái ”muôi” để trong ngăn kéo đấy !

Nàng ngớ ra cứ như được nghe tiếng...Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều thông thái giải thích ngay:

- Cái ”cùi dìa” Nam kỳ kêu là cái ”muỗng”, tại Bắc Kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là ”la cuiller” thì Bắc Kỳ gọi luôn là cái ”cùi dìa” cho tiện. Còn cái ”muôi” Nam Kỳ kêu là cái ”vá”, chữ ”vê” thì đọc là ”dê” cho nên gọi là cái ”dzá”, phải không ?

Nàng đỏ mặt, bĩu môi ”Cái đồ dzô dziêng, tui đi dzìa à nghen !”

Sau bữa cơm hôm ấy, hình như bố cháu bắt đầu ”chuyển hệ”, có vẻ gần gũi thân mật với nàng hơn vì thấy nàng thật thà, có sao nói dzậy, không bãi bôi, không vòng vo tam quốc, nhất là...không lười như ông nghĩ. Thừa thắng xông lên, cháu thủ thỉ với mẹ cháu là cháu muốn lấy nàng làm vợ. Mẹ bàn với bố, bố vẫn ngần ngừ.

Tại bố cháu không biết đấy chứ, cháu đọc lóm từ một quển sách nào đó người ta viết rằng, trong lịch sử nước ta hầu hết các vua chúa miền Trung đều có nhiều bà vợ bé, mà hầu như bà nào là Chánh Cung Hoàng Hậu cũng đều là Nam kỳ: vua Minh Mạng có rất nhiều vợ, đa số là các bà Nam Kỳ, Chánh Cung là bà Hồ Thị Hoa, người Biên Hòa; Chánh Cung của vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ, người Gia Định; Vợ chánh của vua Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu), là người Gò Công. Mấy ông vua cũng tinh đời đáo để ! Nhưng cháu ”không phải là vua, nên mộng ước thật bình thường”, chỉ xin ”...quỳ lậy Chúa trên Trời, sao cho lấy được ...con nhỏ Cái Bè con thương!”

Thật là oái oăm: Cá đã cắn câu mà bố cháu vẫn chưa cho giựt cần! Tuy thế, thỉnh thoảng bố cháu cũng dò hỏi về gia đình nàng. Thì cháu đã nói rồi mà, ”quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn”, ruộng đất mênh mông, sông nước dập dình, ăn nói ”ngắn gọn và dễ hiểu” chứ không ”dài dòng nhưng khó hiểu”... kiểu Bắc Kỳ ! Chấm hết!

Ngày vui nhất đời cháu là ngày bố cháu ra lệnh sửa soạn ”lên đồ dzía” đến thăm gia đình nàng. Sao bố cháu không nói thẳng thừng ra là đi ”hỏi vợ”, đi ”chạm ngõ” cho xong. Nhưng mà cần gì phải ”chạm ngõ” với lại ”chạm cổng” cho rườm rà rắc rối, nhà của nàng cháu biết từng phòng, quen từng góc, rõ từng cột.

Mỗi lần cháu từ đơn vị ”dù” về đều có chút quà biếu ba má nàng, cho mấy đứa em nàng và cho cả cô Ba giúp việc trong nhà (học theo sách dụ khị của xếp cháu đấy !). Lần nào gặp ba nàng là lần đó có... nhậu. Đồ nhắm lúc nào cũng có sẵn, lúc củ kiệu tôm khô, khi ra sau hè ngắt mấy trái xoài tượng chấm mắm nêm ngào ớt, kẹt quá cột sợi ny-lông dzô ngón chân cái, đầu kia cặm mấy con trùng liệng xuống sông, cũng câu được mấy con cá lên nướng làm mồi. Nam Kỳ trù phú mà ! Ổng không nhậu bia nhậu rượu, mà nhậu đế; không nhậu bằng cốc hay ly mà nhậu bằng tô, tô nào tô nấy bằng cái bát ăn cơm nhà cháu. Thế mà ổng lúc nào gặp cháu thì cứ nói rằng: ”Dô dzới tao dăm ba sợi nghe mày !” Chưa tới nửa sợi cháu đã guắch cần cẩu! ”Lính tráng như mày chi mà yếu xìu sao oánh giặc nổi ? Dzô cái coi !”. Ổng thương, ổng coi như con như cháu, ổng mới kêu cháu bằng ”mày”. Tiếng ”mày” của Nam Kỳ biểu lộ cái chân tình, sự gần gũi thân thương, không như Bắc Kỳ khi đã xổ ra tiếng ”mày” rồi thì ... ô hô ! ô hô ! Thiện tai ! Thiện tai ! Chạy cho lẹ !

Một hôm đang nướng con mực khô nhậu lai rai với ổng, bỗng có khách gõ cửa bước vào, mặt ổng sáng lên như sao băng, vừa cười vừa nói:

- Chèng đéc ơi anh Sáu Lèo ! hôm qua tui chờ qua qua mút chỉ cà tha, hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua lại qua, nay qua rồi có thằng rể tương lai tới thăm, nhào dzô chơi vài xị, hôm nay có ớt nè qua !

Nói chi mà cứ qua đi qua lại, qua tới qua lui, nói cũng như thơ phú đấy chứ, thế mà mẹ cháu cứ nói tiếng Nam Kỳ nghe sao như tiếng...nước ngoài !

Bắc Kỳ vẫn có câu ”dâu là con, rể là khách”, nhưng Nam Kỳ thì ”dâu là con, rể cũng là...con luôn”. Bố dzợ chịu chơi lại gặp thằng rể cũng chịu chơi luôn, dzô ba xị rồi thì coi như...bạn, chơi xả láng sáng dzề sớm, còn má dzợ bỗng nhiên thành... chơi chịu ! Nàng kể cho cháu nghe, nhiều lần ổng đi nhậu quá giờ giới nghiêm chưa chịu về, cả nhà trông đứng trông ngồi. Chợt nghe tiếng xe Vespa quen thuộc chạy ngang nhà, cứ thế nghe cái ”dzù” rồi lại chạy mất tiêu, lại nghe cái ”dzù” rồi đi tuốt luốt ! Sinh nghi, nàng chạy ra cổng đón đường chặn xe: ”Ba ui ! Ba ui ! Tới nhà rồi nè !”. Ổng chợt tỉnh, quẹo dzô thắng cái ”két”, xe đổ cái rầm, ổng té cái đụi, miệng lèng nhèng ” Ủa, nhà mình đây rồi sao? Dzậy mà tao chạy dzòng dzòng kiếm hoài hổng ra!”

Ngày cưới, cháu chọn nhà hàng Đại La Thiên của chú Ba tuốt bên Chợ Lớn cho có vẻ trung dung, không Nam cũng không Bắc mà là cơm Tàu. Không xài Karaoke nhưng chơi nhạc sống. Có ông chú dzợ tên là Ba Phoóng làm nhạc trưởng cho mấy bà xồn xồn Nam Kỳ lên sân khấu ca cải lương hà rầm. Hình như 7 thứ nghệ thuật của nhân loại đối với Nam Kỳ đều tóm gọn trong mấy câu dzọng cổ thiệt mùi.

Đám cưới cháu người ta chụp nhiều hình lắm. Ông bố vợ coi hình gục gặc cái đầu: ”Chèng đéch ơi! thằng rể tao chụp hình coi phông độ dzữ hén! Ráng nghe mày!” Cháu chẳng hiểu ổng nói cháu phải ráng cái gì ? Nhưng có một cái cháu phải ráng là cái chắc, ai biểu ham dzợ Nam Kỳ...mũi cao chân dài !

Còn bố cháu xem ảnh thì lại phán một câu xanh rờn: ”Con dâu bố chụp với bố ảnh này đẹp quá, giá mà đứng cạnh bố con khoanh tay lại thì còn đẹp hơn biết bao !”. Ông xếp cháu, khơi khơi tự nhiên thành ông dượng, sẵn có dăm ba ly nhưng mắt vẫn láo liên ngó bà cô, rồi len lén kể lể làm oai: ”Thấy chưa mày! Hồi đó tao xách máy bay xuống Vĩnh Long rồi lạng qua Cái Bè, mới lạng chơi dzài ba dzòng là dzớt luôn bà cô mày, ngon chưa !” Cám ơn ”ông xếp dượng” đã có công ”nối giáo cho giặc” rồi rước luôn giặc vào nhà. Còn mấy thằng bạn Không Quân quỷ sứ thì xúm nhau ca bản ”Mùa thu chết ”... đã chết rồi, cho mày...chết luôn!

Ngày qua ngày, cháu không chết mà vẫn sống nhăn răng với bà vợ ”quý phái bình dân”, bây giờ đã có 4 con với 3 đứa cháu ngoại để nựng. Nam Kỳ cũng chăm chỉ đấy chứ ! Thế là xong một đời phiêu bạt giang hồ, bay bướm, quậy phá ! Được cái vợ cháu cưng cháu lắm (Nam Kỳ mà!), bao nhiêu công việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, hút bụi, trồng cây, giặt đồ...vợ cháu dành làm hết ráo.

Bả nói ”tay chân ông như thằng cùi, làm đâu hư đó, để tui làm luôn cho lẹ !”. Cháu đi làm mang tiền về, bả cũng không thèm động tới, bảo rằng ”tui hỏng cần anh nuôi tui !” Thế nhưng vợ cháu ghen khỏi nói, trong vườn trồng nhiều ớt hơn trồng hoa, ghen có đẳng có cấp, ghen có kế hoạch, có phương án đàng hoàng. Ghen thì ghen, lâu lâu cháu cũng theo bạn bè...nhảy dù vài sô, về nhà im thin thít, thế mà bả cũng ”nghe” được mùi, lườm lườm, nguýt nguýt, rồi cũng huề tiền.

Sau này cháu mới khám phá ra vợ cháu rất sòng phẳng, đâu ra đó, nếu ”ăn bánh trả tiền” là...cho qua cầu gió bay, không thèm chấp. Một hôm vô tình đọc báo thấy tin cô Quờn, người Sóc Trăng, ghen chồng lăng nhăng, lẳng lặng lựa lúc chồng đang say túy lúy, xách con dao bếp cắt luôn...của quý của chồng đem quăng sau vườn. Cô Quờn ra tòa ngồi chơi 4 năm tù. Trời đất thiên địa ơi! Nam kỳ mà ghen kiểu này chắc cháu chết sớm, cháu dấu luôn tờ báo, ai dè vợ cháu chu môi oỏng ẻng: ”Cái đó còn đỡ à nghen ! gặp tui là tui cho luôn dzô cái máy xay thịt rồi quăng cho bầy gà ăn, chớ giờ người ta dzăng minh lắm, khâu nối lại mấy hồi !” Má ơi là má ! Cháu nghe mà ớn lạnh xương sống! Chơi kiểu này thì hơn xa các mợ Bắc Kỳ rồi! Nhưng cháu lại được phép kéo bạn bè về nhậu...xả láng, nhậu ”vô tư”. Xỉn quá thì : “Anh mệt rồi nghen, uống ly nước đá chanh nè, rồi dzô đây em cạo gió hết liền !”. Bạn bè ói mửa tùm lum thì: ”Hổng sao đâu, anh ngồi tiếp mấy ảnh đi, em dọn cho !” Mấy thằng bạn có vợ Bắc Kỳ ngó phát thèm !

Chắc sông núi Bắc Kỳ linh thiêng hùng vĩ, hay nói theo khoa học hiện đại là cái ”dzen” Bắc Kỳ quá mạnh, nên vợ cháu nửa dưới vẫn còn là Nam Kỳ, nhưng nửa trên đã hóa thành Bắc Kỳ: Không nói ”bự bành ky” mà nói ”to vật vã”; không gọi ”trái bom” mà gọi ”quả táo”; thích ăn canh rau muống hơn nấu canh chua; nhưng đặc biệt nhất là ăn nói không còn ”ngắn gọn và dễ hiểu” như xưa, mà bây giờ thì.. ôi thôi ”dài dòng, ào ào như thác đổ”, nghe riết muốn khùng !

Bố cháu ăn ”bún(g) mắm thịt ba rọi” của vợ cháu nấu, đến phát nghiền, nghiền luôn cả chén nước mắn pha đường. Nhà cháu có bốn anh em trai thì bố cháu có tới ba ả dâu Nam Kỳ, nhưng cả đám hợp lại vẫn thua xa một mợ dâu Bắc Kỳ, ăn nói ngọt như đường phèn, dịu dàng khoan thai như thiên nga, thêm cái tài...chửi như hát di truyền. Thế là cái mộng ”dâu rể phải là Bắc Kỳ” của bố cháu bị nước sông Cửu Long vùng Nam bộ cuốn trôi tiêu tùng. Bố cháu bây giờ cũng rành ”sáu câu” về Nam Kỳ lắm, ông bảo người ta nói rằng:

- ”Tính tình gái Nam Kỳ giống như mưa Sài Gòn: Đỏng đảnh nhưng mau quên; tính tình gái Bắc kỳ giống như mưa Hà Nội: Âm ỉ và dai dẳng”.

Lợi dụng lúc ông đang vui vẻ, cháu bèn phụ họa :

- Bố biết không, người ta cũng bảo : ”Ở Sài Gòn nhiều em sinh viên giống như ca ve; Ở Hà Nội nhiều em ca ve giống như sinh viên”, đúng không bố ?

Bố cháu quắc mắt : ”Sao dám ăn nói lăng nhăng thế hả ?”.

Cháu chuồn nhanh kẻo ông nổi giận. Thôi thì đến nước này rồi, cúi xin các cụ cũng rộng lòng bỏ qua cho cháu nếu có gì gọi là thiên vị, bởi vì con gái Nam Kỳ bây giờ đã là ”cây nhà lá vườn” của cháu, nên cháu đành phải ”ta về ta tắm ao ta”, ôm lấy cái ao Nam Kỳ, ôm cứng cái cây sầu riêng Nam bộ cho phải đạo ”tình Bắc duyên Nam”, nếu không cháu phải ôm thùng mì gói suốt đời. Mong sao các cụ đọc xong rồi bỏ qua, cứ coi như một chuyện tầm phào, bởi vì cháu đã liều mình như mấy mợ Hà Nội làm con chim đa đa, không lấy vợ gần mà lấy vợ xa, xa tuốt luốt tận cái xứ Nam kỳ với giòng sông 9 cửa.

Nguyễn Hữu Huấn

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Linh Mục Trương Bửu Diệp













IMGCENTER=http://files.myopera.com/haccao/blog/CS0.8392357_1_1.jpg] /blog/92106-medium_NVHN-090314-TruongBuuDiep-02.jpg]

Mộ phần linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp được di dời tới một nơi mới khang trang hơn trong một nghi thức trọng thể ngày 4 tháng 3 năm 2010, với sự chủ tọa của Ðức Cha Stêphanô phó Giáo Phận Cần Thơ, các cha Hạt Bạc Liêu và một số cha khách.

Ðịa điểm mới cũng tọa lạc trong khuôn viên Nhà thờ Tắc Sậy.

Linh Mục Trương Bửu Diệp bị giết chết ngày 12 tháng 3, 1946 và ném xác xuống ao vì ngài nhất quyết sống chết cùng với con chiên, bất chất các sự nguy hiểm, đe dọa đến thân mạng.

Khi sống, ngài là gương sáng của một vị chủ chăn và khi chết ngài rất hiển linh, nhiều người cầu xin ơn lành và tránh các điều tai ương đã được ban phát. Lời truyền rao phép lành tạo niềm tin nơi mọi người, cùng tôn kính Linh Mục Trương Bửu Diệp. Bởi vậy, hàng năm, thánh lễ cầu nguyện cho ngài được tổ chức khắp nơi, không phải chỉ ở Tắc Sậy.
Theo một bài viết trên trang điện tử www.nhunghatmammoi.net, đối với hàng ngàn người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, Linh Mục Trương Bửu Diệp là một vị ân nhân đã ban nhiều ơn lành, phép lạ cho họ trong những giờ phút thập tử nhất sinh.

Linh Mục Trương Bửu Diệp sinh ngày mùng 1 tháng 1, năm 1897, tại Cồn Phước, tỉnh An Giang. Năm Linh Mục Diệp lên 7 tuổi, gia đình sống tại Batambang, Cam Bốt. Ðến năm 1909, ngài được Linh Mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đỡ đầu cho vào tiểu chủng viện xã Tấn Phước, tỉnh An Giang, Sau thời gian Tiểu Chủng Viện, ngài học tại Ðại Chủng Viện Nam Vang và thụ phong linh mục năm 1924 tại Nam Vang. Ba năm sau đó Linh Mục Trương Bửu Diệp làm linh mục phó tá họ đạo Hố Trư, của Người Việt tại Cam bốt. Năm 1927-1929, ngài về mục vụ tại Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng. Năm 1930, ngài về nhận họ đạo Tắc Sậy

Năm 1946, giữa thời buổi loạn lạc, xã hội nhiễu nhương, đa số bà con dân làng đi tản cư, ngài vẫn cương quyết không bỏ giáo xứ mà đi. Ngày 12 tháng 3, năm 1946, ngài bị bắt nhốt chung với 70 giáo dân xứ Tắc Sậy. Các giáo phái xung đột tranh chấp, cha Trương Bửu Diệp hiên ngang bênh vực quyền lợi cho các giáo dân, ngài đã chịu chết thay cho những người bị nhốt chung.

Ngài đã chết tử vì đạo ngày 12 tháng 3, năm 1946, nhằm ngày mồng 9 tháng 2, năm Bính Tuất. Xác Thánh của ngài được chôn cất tại họ đạo Tắc Sậy tỉnh Minh Hải, giáo phận Cần Thơ. Và ngày nay, ngôi mộ của ngài là một cao điểm hành hương, không những cho người Công Giáo mà cho cả đồng bào bên lương.

Người ta” được nhiều phép lạ” chữa bệnh tật. Trên phần mộ, dưới bóng cây Thập Giá, người ta đem nhiều lễ vật đến tạ ơn biến thành “ngôi mộ đầy hương hoa”. Họ đạo Tắc Sậy ngày nay đã trở nên trung tâm hành hương với một ngôi thánh đường bằng gạch khang trang.

Người trong họ đạo kể rằng: Sau khi chúng chặt đầu người quẳng xuống ao, vị tử đạo về báo mộng cho ông trùm biết nơi quăng xác và giáo dân đem về chôn cất tử tế. Họ đạo nghèo thế mà ngày nay có một ngôi nhà thờ bằng gạch khang trang. Ðó cũng là công ơn của cha sở họ đạo. Số là một ngày kia,ông chủ lò gạch địa phương, ngoại giáo, cho chở đến cho Cha Sở mới rất nhiều xe gạch, nói là để xây cất nhà thờ. Cha Sở ngạc nhiên cho biết họ đạo nghèo làm sao thanh toán được số tiền. Ông chủ lò gạch nhìn lên di ảnh Cha Trương Bửu Diệp treo trên vách tường và nói: Ông Cha này đã trả tiền mua gạch rồi. Nhà thờ bằng gạch được xây lên khang trang nhờ công ơn vị tử đạo năm 1946 đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.

Ngài bị giết thảm thương trong lúc rao giảng lời Chúa. Cái chết tức tưởi của ngài đã hiển linh. Nhiều người nhân danh Linh Mục Trương Bửu Diệp cầu xin Chúa cứu chữa, như ngài đã che chở cho 70 giáo dân của ngài. Họ nhận được những ơn lành và tránh khỏi nhiều điều tai ương. Từ đó lời truyền rao tạo niềm tin nơi mọi người, cùng tôn kính Linh Mục Trương Bửu Diệp.

Trong trang sử đẫm máu Giáo Hội Việt Nam còn thêm một vị anh hùng: Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp.

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Những Chiến Sĩ Can Trường



Kỷ niệm năm thứ 22 ngày phong Hiển Thánh 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo Việt nam (19/6/1988 - 19/6/2010)

Họ là bậc anh hùng trung liệt với Đức Tin vĩ đại, niềm tin siêu việt vào Đức Kitô, sĩ khí trung kiên với Đạo Chúa, khí phách anh hùng tuyên xưng Đức Tin, chẳng nao núng trước cực hình hay gươm đao.

Họ gồm tám (8) vị Giám mục, năm mươi (50) Linh mục, mười lăm (15) Thầy giảng và Chủng sinh, bốn mươi bốn (44) Giáo dân chịu Tử Vì Đạo dưới các hình án: 76 vị trảm đầu, 21 vị bị thắt cổ chết, 9 vị chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 5 vị bị chặt từng khúc rồi băm nát. Họ đã được phong hiển thánh `Tử Vì Đạo`vào ngày 19-6-1988. Họ còn là trên một trăm ngàn (100.000) giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân bị Văn thân thảm sát vào năm 1885.

Họ chịu tử vì đạo dưới nhiều nhục hình và khổ hình như: chùy, trượng hình, đồ hình, lưu hình, tử hình.
- Chùy : Đánh bằng roi. Gồm 5 bậc, từ 10 đến 50 roi.
- Trượng hình: Đánh bằng hèo, gậy (trượng đả), gồm 5 bậc: 50 đến 100 gậy.
- Đồ hình: Giam cầm và bắt làm khổ dịch, gồm 3 bậc:
Đồ làm dịch đinh: đinh phu khuân vác.
Đồ làm lính chuồng voi ngựa : làm vệ sinh chuồng voi, ngựa.
Đồ làm phu đồn điền : phá rừng, vỡ đất, ruộng.

Với các hạn: 1 năm kèm 60 gậy, 2 năm kèm 90 gậy, 3 năm kèm 100 gậy.
- Lưu hình: Phạt đày đi xa nhà, gồm 3 bậc:
+ Lưu cận châu (gần làng) kèm 100 gậy
+ Lưu viễn châu (xa xứ) kèm 100 gậy. |
+ Lưu ngoại châu (ngoài vùng) kèm 100 gậy.
- Tử hình: tội chết, gồm 3 bậc:
+ Xử giảo: thắt cổ chết.
+ Xử trảm: chém đầu. Trảm khiêu: chém bêu đầu 3 ngày.
+ Lăng trì (Tùng xẻo): xẻo đủ 100 miếng thịt của tội nhân, theo thứ tự từ trán, má, miệng, cổ, ngực, bụng, tay, chân..., cứ mỗi tiếng trống đao phủ cắt một miếng thịt.

Những tội hình trên được qui định trong bộ Hoàng Triều Luật thường gọi là luật Gia Long, ban hành năm 1815. Bộ luật nầy lấy theo luật cũ đời Hồng Đức nhà Lê năm 1433, rồi châm chước với luật nhà Mãn Thanh (Trung Hoa).

Ngoài các khổ hình nói trên, còn có các hình phạt khác như :
- Giam đói đến chết rũ tù.
- Gông: hình cụ hình thang bằng tre hay gỗ, dài khoảng 2 mét, đeo vào cổ tội nhân.
- Cùm: hình cụ bằng 2 tấm gỗ ghép lại, có khoét 2 lỗ để kẹp chân tội nhân.
- Xiềng: xích lớn có vòng sắt ở 2 đầu để khóa chân tay tội nhân.
- Kềm (kìm): đồ dùng bằng sắt có 2 càng để kẹp chặt.
+ Có 2 cách: Kềm nguội: dùng kềm kẹp thịt tội nhân. Rất đau.
+ Kềm nóng: đốt lò nung kềm đỏ nóng, kẹp thịt tội nhân cháy.
- Tẩm dầu đốt: dùng vải cuốn vào đầu 10 ngón tay, tẩm dầu, đốt.
- Quì bàn chông: bắt tội nhân quì lên tấm ván có đóng nhiều đinh ngược.
-
Đổ dầu vào rốn có tim bấc, đốt lên như ngọn đèn dầu.
- Voi chà: voi dùng vòi quật tội nhân xuống rồi giẫm đạp lên xác tội nhân.
-
Ngựa xé: cột mỗi tay mỗi chân vào mỗi sợi dây, cho 4 con ngựa kéo chạy 4 hướng, xé xác tội nhân ra nhiều mảnh.

Các tội hình trên được áp dụng chung cho các tội nhân, kể cả tội theo đạo Công giáo.

Phân sáp (Phân tháp): Riêng tội nhân công giáo còn chịu thêm hình phạt phân sáp được vua Tự Đức ban hành sắc dụ năm 1860, chủ ý phân tán người công giáo ra khỏi quê hương bản quán rồi sáp nhập họ vào các làng lương.

Việt Nam Giáo sử đã ghi lại các khoản chính như sau:
Khoản 1: Tất cả những người mang tên Công giáo, đàn ông, đàn bà, già trẻ, khó nghèo hay giàu sang đều phải tản mác sang các làng bên lương.
Khoản 2: Tất cả các làng bên lương đều có trách nhiệm canh giữ những người công giáo, cứ 5 người lương giữ 1 người công giáo.
Khoản 3: Tất cả các làng công giáo đều phải phá hủy, ruộng đất, vườn tược, nhà cửa sẽ chia cho các làng lân cận, những làng nầy phải chịu thuế về ruộng đất mình lãnh.
Khoản 4: Phải chia rẽ người đàn ông công giáo và người đàn bà công giáo. Các người đàn ông sẽ được gửi đi trong một tỉnh và các người đàn bà trong tỉnh khác, để chúng không còn có thể sum họp. Con cái sẽ phân tán cho các gia đình lương nuôi.
Khoản 5: Trước lúc tản mác phải khắc 2 chữ “Tả Đạo” vào má của người đàn ông đàn bà, con trẻ công giáo và cũng khắc tên tổng và huyện chúng phải đày tới, ngõ hầu chúng không trốn tránh được.

Cái tình cảnh giáo hữu Việt nam từ trước đã thê thảm thì bây giờ lại càng thêm tang tóc.

Dụ vừa ban ra, mọi người có đạo đều rụng rời chân tay. Đâu đấy vang lên những lời than vãn vô cùng bi đát: ” Chớ gì vua giết chúng tôi ngay đi cho xong! Chúng tôi thà chết mà chẳng thà sống khốn nạn, sống nhục nhã dường ấy!”. Vua quan cả nước đồng tâm làm khốn người Công giáo trăm đường nghìn cách không thể tả ra cho hết được.

Đang khi mọi nơi, các nhà cửa của kẻ có đạo phải thiêu đốt cháy ngùn ngụt, thì ở huyện lỵ, phủ lỵ, tỉnh lỵ hay các nơi lưu đồ, các quan truyền làm hàng trăm nhà tù nhà giam.....người Công giáo từng nghìn, từng vạn lũ lượt kéo nhau lên rừng lên núi hay chui rúc xuống thuyền, hay bị điệu vào tù đóng gông, cùm, xiềng xích hay bị đày lên rừng xanh sống cuộc đời khổ ải. (ngưng trích Việt nam Giáo sử).

(Trong thời bắt đạo, một số giáo dân Việt nam đã trốn thoát sang Lào và Thái lan. Số lánh nạn tại Thái lan đã góp phần xây dựng nên Giáo phận Chantabury hiện nay ở Thái lan).

Chiếu chỉ phân tháp của vua Tự Đức nhằm mục đích làm tan rã các gia đình công giáo, chồng một nơi vợ một ngã, con cái chia lìa khỏi cha mẹ.

Bị phân đến các làng lương để quản thúc quản chế, người Công giáo phải bị giam lỏng, ăn đói, ngủ ngoài vườn, trên đất, trong chuồng trâu bò. Có nơi lại lùa giáo dân vào giam trong các chuồng rộng lớn, trống trải, không mái che, không tường chắn gió, trời nắng thì nằm trên đất khô, mưa thì nằm trên vũng bùn, sống như súc vật. Giáo dân phân sáp nào tỏ ra ương ngạnh thì vua cho phép thắt cổ chết ngay. Tất cả tài sản, từ ruộng đất, vườn tược, trâu bò, heo gà đều bị tịch thu, nhà cửa cái tốt thì tháo dỡ, các xoàng thì đốt cháy. Chính sách phân tháp của vua Tự Đức, một chính sách nham hiểm, ác độc nhằm tiêu diệt tận gốc tiệt nòi các gia đình theo đạo Công giáo.

Ác tâm của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức không chỉ gieo rắc khủng khiếp tàn bạo cho người Công giáo Việt nam, con dân của vua, mà còn mang lại hậu quả “ác giả ác báo” cho chính triều đình Nhà Nguyễn qua vụ “Tứ nguyệt Tam Vương” (bốn tháng ba vua) do hai Phụ chính Đại thần Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết khuynh loát triều đình như sau:

Vua Tự Đức không con, lập di chiếu chọn Ưng Chân con Thụy Thái Vương nối ngôi và cho gọi ba vị Phụ chính Đại thần Trần Tiển Thành, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn văn Tường vào để ký thác tự quân. Ngày 16-7-1883 vua Tự Đức băng hà. Ngày 19-7-1883 làm lễ tấn phong Ưng Chân lên ngôi, hiệu là Dục Đức. Ba ngày sau đó, hai ông Tường và Thưyết phế vua Dục Đức, bắt giam vào ngục, bỏ đói đến chết. Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết tôn em ruột vua Tự Đức là Hồng Dật lên làm vua, hiệu là Hiệp Hòa vào ngày 30-7-1883. Vua Hiệp Hòa thấy hai ông Tường và Thuyết lộng hành, lấn át triều đình nên bí mật tìm cách loại bỏ hai ông. Việc bị lộ, hai ông Tường và Thuyết sai người giết vua Hiệp Hòa vào đêm 29-11-1883. Giết xong Hiệp Hòa, hai ông Tường và Thuyết tôn người con nuôi thứ ba của vua Tự Đức là Kiến Phườc lên làm vua ngày 3-11-1883. Kiến Phước làm vua được 8 tháng thì mất, nghi là bị đầu độc. Hai ông đưa Ưng Lịch 14 tuổi lên làm vua vào ngày 1-8-1884, hiệu là Hàm Nghi. Nhà vua còn nhỏ, chỉ ngồi làm vì. Quan Phụ chính Đại thần Trần tiển Thành bị bức tử, quan ngự sử Phan đình Phùng bị bắt trói, hạ ngục, các quan trong triều đều khiếp sợ không dám hó hé nửa lời. Mọi việc triều chính đều do hai ông Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết định đoạt.

Đêm 4 tháng 7 năm 1885, lợi dụng lúc lính Pháp tổ chức dạ tiệc, ông Tôn thất Thuyết cho lệnh tấn công đốt cháy Tòa Khâm, đánh vào đồn Mang cá, nhiều quan binh Pháp chết. Đến gần sáng, quân Pháp mới củng cố được để phản công. Quân ta kháng cự mạnh mẽ nhưng vì khí giới kém nên rút lui và tan rã dần. Ông Nguyễn văn Tường ra đầu thú Pháp. Ông Tôn thất Thuyết giục vua Hàm Nghi xuất sơn. Đưa vua ra Tân Sở thuộc huyện Cam lộ tỉnh Quảng trị. Tại đây, ông Tôn thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu thư gọi là “Hịch Cần Vương” hô hào cả nước chống giặc Pháp và bài trừ giáo dân Công giáo.

Hịch được ban ra, lập tức Văn thân nổi lên lùng sục, chém giết, cướp của, đốt nhà của người có đạo Công giáo khắp cả nước. Nặng nhất là tại tỉnh Quảng trị, nơi Tôn thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi đến tạm trú tại Tân sở thuộc huyện Cam lộ trước khi tới căn cứ địa Ấu sơn thuộc tỉnh Hà tĩnh. Văn thân tàn sát người theo đạo Công giáo bắt đầu ngày 6-9-1885 và chấm dứt vào tháng 10-1885, khi chính quyền lần lượt vãn hồi an ninh, tái lập trật tự.

Số 8585 tín hữu Công giáo tỉnh Quảng trị bị Văn thân tàn sát được kê như sau: Giáo hạt Đất Đỏ miền Cửa Tùng huyện Vĩnh linh 1666 người; Giáo hạt Bái Trời huyện Gio linh 2013 người; Giáo hạt Dinh Cát huyện Triệu phong 4642 người; Giáo hạt Thanh Hương 264 người. Trên toàn quốc có trên 100.000 tín hữu bị tàn sát.

Qua các thời kỳ bắt đạo, khởi từ ngày 16-7-1645, 3 vị “Tử Vì Đạo” tiên khởi là Thầy An-rê quê ở Phú yên, Thầy Inhaxô quê ở Liêm công, Quảng trị và Thầy Vinh-sơn. Cả 3 Thầy Giảng bị xử Tử Vì Đạo dưới thời chúa Nguyễn phúc Lan (1635-1648). Sau đó là những chuỗi ngày thống khổ mà các tín hữu Công giáo chịu oan nghiệt liên tiếp dưới các triều đại Cảnh Thịnh (Tây sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Văn thân. Người Công giáo Việt nam dù có chứng minh được lòng trung quân ái quốc của mình qua việc làm hay bằng lời nói, vua quan vẫn hành hạ và hành hình người có đạo. Các ông Lê đăng Thị, Tống viết Bường là đội trưởng và một số binh sĩ trong đội quân của triều đình đã tuyên bố "Chúng tôi sẵn sàng đi đánh Tây, nhưng không bỏ đạo”, vua quan vẫn ra lệnh xử tử hình. Đến như linh mục Nguyễn ngọc Tuyên từng được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tham Biện Thương chánh Hải phòng, cũng bị Văn thân giết tại Dương lộc, Quảng trị.

Các tín hữu Công giáo là những người dân hiền lành, họ cũng trọng Nho, hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, trân quý gia phong gia đạo, tuân theo tam tòng tứ đức, trung quân ái quốc, họ cùng với toàn dân cả nước từng chống xâm lăng Trung hoa, Mông cổ, Chiêm thành, Xiêm la (Thái lan), họ tuân giữ luật nước phép vua, lệ làng, v.v... Cũng có người đi lính đánh giặc giữ nước bảo vệ ngai vàng của vua. Cũng có người ra làm quan giúp nước. Nói chung, tín hữu Công giáo Việt nam thời ấy là những công dân tốt, hữu ích cho đất nước, cho xã hội, thế mà họ lại bị vua quan tịch thu hết tài sản, bắt bớ, tù đày, chém giết. Kẻ còn sống sót thì bị phân sáp để triệt tiêu diệt chủng nòi giống Công giáo.

Hành hạ, tàn sát đến mức tàn nhẫn khủng khiếp như vậy, vua quan ta chỉ mong người tín hữu công giáo nói hai chữ “Bỏ Đạo” hay một hành vi đơn giản “Bước qua Thánh Giá” là sẽ khỏi bị chém giết, được an thân, bảo toàn tính mạng, trả lại tài sản. Nhưng các tín hữu vẫn trung kiên với Đức Tin, cam chịu khổ hình, can trường làm Chứng Nhân Đức Ki-Tô. Họ xứng đáng là bậc “Anh Hùng Trung Liệt Tử Vì Đạo”.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. (Lời Đức Kitô, theo Phúc âm thánh Mathêu).

Trong suốt 250 năm bị khổ nạn, có trên 100.000 giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân bị “Tử Vì Đạo” (VNGS). Giáo hội Công Giáo Hoàn Vũ đã dành ngày 24 tháng 11 hằng năm để kính nhớ các vị “Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam” nói chung. Cách riêng, vào ngày 19-6-1988, tại giáo đô Vatican, Giáo Hội đã phong Hiển Thánh cho 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo gồm 8 Giám mục, 50 Linh mục, 15 Tu sĩ và 44 Giáo dân đã chịu các hình án: 76 vị bị trảm đầu (chém đầu), 21 vị bị thắt cổ chết, 9 vị bị tra tấn tàn bạo và chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 5 vị bị phân thây, chặt từng khúc.

Các ngài khi sống đã bị bắt bớ, tù đày, tra tấn, chém giết, đã chết hàng trăm năm qua mà nay việc phong thánh các ngài còn bị làm khó dễ....

Ngày 2 tháng 3 năm 1988, Hội đồng Giám mục Việt nam đã họp phiên bất thường, nhất trí lập trường 3 không: “Không hoản ngày lễ phong thánh; Không chia cắt danh sách 117 vị Tử Vì Đạo; Không xin đi Rôma dự lễ phong thánh”.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, trên 30 ngàn tín hữu công giáo, trong đó có 10 ngàn người Việt hải ngoại đã tề tựu tại công trường Thánh Phê-rô để tham dự thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2 chủ tế đại lễ phong “Hiển Thánh cho 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo Việt Nam”. Kể từ đây, Giáo hội Công giáo Hoàn Vũ dành ngày 24 tháng 11 hằng năm để kính nhớ tất cả các vị “Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam”.

Trong số các vua khét tiếng bắt đạo, thì triều Tây sơn có vua Cảnh Thịnh (1782-1802), còn triều Nhà Nguyễn 9 chúa 13 vua thì có chúa Nguyễn phúc Lan (1635-1648), vua Minh Mạng (1820-1840), vua Thiệu Trị (1840-1847), vua Tự Đức (1847-1883). Nhưng lại có 3 vua Nhà Nguyễn theo đạo Công giáo: Vua Khải Định được cụ Nguyễn hữu Bài giúp chịu phép Thánh Tẩy trước khi băng hà vào năm 1925, Vua Thành Thái được cụ Ngô đình Diệm giúp gia nhập Đạo Chúa trước khi chết vào năm 1954, Vua Bảo Đại đã chịu phép Thánh Tẩy gia nhập đạo Công giáo vào ngày 17-4-1988, hai tháng trước ngày tuyên phong Hiển Thánh 117 vị Tử Vì Đạo. Ngày 24 tháng 6 năm 1995, cựu hoàng Bảo Đại và phu nhân đã đến Vatican tham dự thánh lễ do Đức Giáo hoàng Gioan Phao lộ 2 chủ tế trong một nhà nguyện nhỏ. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tiếp 2 vị tại phòng khách. Cựu Hoàng 82 tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nắm tay Đức Thánh Cha hồi lâu, tỏ vẻ xúc động....

Montréal, Juin 2010

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

World Cup 2010


Dành cho những ai HÂM MỘ BÓNG ĐÁ !

Hãy Click vào cái link dưới đây… rồi chỉ cần chỉ arrow vào quốc gia nào là biết được đầy đủ lịch trình thi đấu ngay thôi…


http://www.marca.com/deporte/futbol/mundial/sudafrica-2010/calendario-english.html

Sưu Tầm