Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Mẹ La Vang


SỰ TÍCH ĐỨC MẸ HIỆN RA



Dưới triều đại vua Cảnh Thịnh ( lên ngôi năm 1792 ), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát ( nay là thị xã Quảng Trị ) phải tìm nơi trốn ẩn. họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ. các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người nữ xinh đẹp, mặt áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ tỏ vẻ nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái lá chung quanh đó, đem nấu nước uống, sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “ Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện.

Tư liệu Toà Tổng Giám Mục Huế - 1998

Chuyện Vua Khải Định được ơn Đức Mẹ La Vang

Chuyện Vua Khải Định được ơn Đức Mẹ La Vang
được ghi theo Nguyệt Sang Đức Mẹ La Vang, số 11 tháng 7 năm 1962.

Theo các văn thư lưu trữ tại La Vang: Hồi đó vua Khải Định sắp đến lễ Tứ Tuần, cả triều đình Huế lo chuẩn bị, lại không ngờ vua ngã bệnh nặng! Hoàng cung đâm ra lo lắng. Các ngự y, bác sĩ hết mình lo chữa trị cho vua cũng không được. bệnh tình nhà vua cứ mỗi ngày mỗi trầm trọng thêm lên.
Đến thời kỳ vô phương chữa chạy, một vị quan cận thần mới tâu lên vua về những ơn lạ của Đức Mẹ La Vang. Vua Khải Định truyền cho cụ Nguyễn Hữu Bài là một người công giáo, đang làm quan lớn trong triều, phải ra La Vang khấn vái Đức Mẹ để vua khỏi bệnh.
Cụ Bài vâng lệnh lên đường ra La Vang sốt sắng cầu xin Đức Mẹ, Đức Mẹ đã nhậm lời cho nhà vua được lành bệnh.
Tới lễ Tứ Tuần, vua ra tiếp kiến triều đình và quan khách cùng được dự các yến tiệc vui mừng. Sau lễ Tứ tuần của vua, một chiều kia, cha sở Cổ Vưu kiêm La Vang là cha Morineau ( Cố Trung ) lên La Vang. bảo ông từ nhà thờ là Lê Hộ dọn dẹp trang hoàng đền thờ để đón phái đoàn. Cha đứng đợi trước cửa nhà thờ. Mãi đến khuya nửa đêm, hai chiếc xe hơi từ Huế ra, đưa một số quan chức từ triều đình ra để xin lễ Tạ Ơn Mẹ. Cha Sở La Vang đón tiếp họ và đưa vào Đền Thờ để tạ ơn Mẹ.
Qua năm sau, vua Khải Định lại ngã bệnh nguy cấp một lần nữa. nhà vua lại nhờ cụ Bài ra khấn xin Mẹ. Lần này vua cho hai quan mang hai cây nến sáp ong to lớn cao 1 mét, vòng rộng cây nến 3 tấc rưỡi, để dâng cúng Mẹ. Ra đến La Vang, cụ Bài dạy quan hầu đặt hai cây sáp ong trước bàn thờ Đức Mẹ rồi đốt lên. Nhưng lạ thay, một cây sáng cháy tử tế. Còn cây kia đốt mãi vẫn không cháy, dù đã nhiều lần chữa tim nến cẩn thận, ngọn lửa vẫn leo lét rồi phụt tắt đi liền!
Khấn vái xong, cụ Bài ra về nói với các quan hầu và người nhà rằng: “Tôi rất phân vân khi thấy hai cây nến: một cháy một không, làm cách gì cây kia vẫn không chịu lên ngọn. có lẽ Đức Mẹ cho biết chỉ nhận lời lần này mà thôi, lần khác thì không cho nữa?”
Trong bút tích để lại, cụ Nguyễn Hữu Bài có viết: “ Tôi tưởng có dấu cho tôi hiểu là lần này Đức Mẹ chỉ cho vì sự nài xin ép uổng quá mà thôi”.
Đúng thật! Năm sau vua Khải Định lại ngã bệnh và đã thăng hà trong chứng bệnh ấy.

Trung Tam Thanh Mau La Vang
Quay lại In bản tin ny Gửi tin ny cho bạn b


CC TIN TỨC KHC
Gia Ðình tôi với Mẹ Lavang (30/04)
NHỮNG CÀNH LYS THÁNG HOA. (30/04)
Chúng tôi tin là ơn Ðức Mẹ La Vang ban (30/04)
Ông Dương Bỉnh (30/04)
ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG (30/04)
Tôi tin là ơn của Mẹ (30/04)
CHÂU VỀ HỢP PHỐ (31/03)
TRÁI CHÍN CUỐI MÙA (31/03)
NGƯỜI PHỤ NỮ ÁO XANH (31/03)
Anh Trần Văn Ninh, Sinh năm 1972.Thuộc giáo xứ Định Quán, Gíáo phận Xuân Lộc. (18/12)
TẠ ƠN ĐỨC MẸ LA VANG Đã ban cho con lành bệnh (18/12)
Con là Nguyễn Văn Triều, 33 tuổi, hiện ở giáo xứ Ngọc Lâm, Huyện Xuân Lộc, Tĩnh Đồng Nai (18/12)
CHỨNG NHÂN VỀ PHÉP LẠ CỦA ĐỨC MẸ LA VANG (18/12)
Con là Nguyễn Đức Năm, 24 tuổi, ở Tân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai (18/12)
Vũ thị Nghiêm, 65 tuổi, hiện ở tại tiểu bang ORLEANS, Hoa Kỳ. (18/12)

Mẹ Hằng Cứu Giúp

BỨC ẢNH PHÉP LẠ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


1. Lịch sử Bức Ảnh

Tất cả các tín hữu Công Giáo đều yêu mến và tôn kính Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bức ảnh được đưa từ đảo Creta thuộc đông nam nước Hy-Lạp, trong biển Égée, đến Roma vào cuối thế kỷ 15, tức khoảng 1495-1497. Câu chuyện như sau.

Một ngày, Bức Ảnh bị đánh cắp khỏi đền thánh tại đảo Creta, do một thương gia, hằng năm vẫn đi buôn định kỳ ở nước Ý. Tạm gọi thương gia là Anrê. Ông Anrê dấu kín Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong hàng hóa của mình và xuống tàu vào nước Ý. Con tàu dừng lại nơi nhiều cảng khác nhau, đổ hành khách lên bờ. Ngày kia, giông tố bất ngờ nổi lên khiến các thuyền bè phải mau lẹ tìm bến đậu gần nhất để lánh nạn. Chiếc tàu có thương gia Anrê không kịp giờ tiến vào đất liền. Mọi người trên tàu, từ thủy thủ đoàn đến hành khách, ai nấy đều tưởng giờ cuối cùng đã điểm. Với trọn niềm tin tưởng, họ cùng khẩn nài Thiên Chúa và kêu xin Đức Mẹ ra tay cứu giúp. Bỗng chốc, bầu trời trở lại trong xanh và biển lặng như tờ. Mọi người thở phào và xác tín rằng, đây là phép lạ đến từ Trời Cao. Riêng thương gia Anrê, ông âm thầm hiểu rằng, chính Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp dấu trong hành lý của ông, là Tác Giả của hồng phúc kỳ diệu này. Tuy nhiên, ông không dám tiết lộ chuyện kín đó với ai. Ông sợ rằng, nếu người ta khám phá ra việc ông ăn trộm Bức Ảnh, hẳn ông sẽ bị ném xuống biển như tiên tri Giona ngày xưa!.

Sau nhiều tháng trời lênh đênh từ cảng này sang cảng nọ, thương gia Anrê đặt chân lên thủ đô Roma, kinh thành muôn thưở của Giáo Hội Công Giáo. Ông luôn mang theo Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bảo vật ông hằng cẩn trọng dấu kín.. Công việc buôn bán hoàn tất, ông thu xếp trở về đảo Creta. Nào ngờ ông ngã bệnh. Ban đầu, chỉ là bệnh nhẹ. Dần dần bệnh trở nặng. Ông Anrê bị bắt buộc phải tìm đến nhà một người bạn - tạm gọi là ông Alessandro - và nhờ bạn chăm sóc. Nhưng cơn bệnh không thuyên giảm, trái lại, mỗi ngày một trầm trọng thêm. Biết mình không thoát chết, ông Anrê ngỏ ý gặp riêng bạn. Ông tha thiết xin bạn giúp ông một công việc hệ trọng sau cùng. Người bạn long trọng hứa sẽ giúp đỡ tận tình. Tin lời bạn, ông Anrê tiết lộ cho bạn biết việc ông đã ăn cắp Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rồi ông nói: "Cái chết gần kề không cho phép tôi mang Bức Ảnh trả lại đền thánh, hầu Bức Ảnh được trưng bày cho mọi tín hữu đến tôn kính. Vậy tôi van xin anh, hãy mang Bức Ảnh Phép Lạ này, đến trao cho một nhà thờ nào đó của thủ đô Roma mà anh thấy là xứng hợp. Có thế, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mới lại được tôn kính nơi công cộng!”. Sau khi thành thật thống hối lỗi lầm, thương gia Anrê trút hơi thở cuối cùng.

Giữ lời hứa, ông Alessandro chuẩn bị đưa Bức Ảnh Phép Lạ ra khỏi nhà. Nhưng người vợ - tạm gọi là Anna - khăng khăng ngăn cản. Bà muốn giữ Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi nhà riêng của mình .. Mặc cho mọi lời chồng nói, khi dịu dàng lúc giận dữ, bà Anna vẫn giả điếc làm ngơ. Trước sự gan lì của vợ, ông Alessandro đành chịu thua.

Thấy thái độ người chồng quá yếu, Đức Mẹ phải ra tay can thiệp. Đức Mẹ hiện ra với ông Alessandro trong giấc mộng và nhắc lại lời ông đã long trọng hứa với người bạn quá cố. Giờ đây ông phải cương quyết thi hành. Đức Mẹ hiện ra ba lần, nhưng vô hiệu, vì ông Alessandro quá nể sợ vợ. Lần hiện ra thứ tư, Đức Mẹ nghiêm khắc nói với ông: "Mẹ đã nhắc con ba lần. Nhưng vô ích. Vậy thì, cách tốt nhất để Mẹ có thể ra khỏi nhà con, là chính con phải ra trước!”. Và thật thế, ông Alessandro đã tắt thở sau vỏn vẹn vài ngày lâm bệnh.

Cái chết thảm thương của chồng vẫn không lay chuyển tâm lòng chai cứng của người vợ. Bà Anna cứ giữ nguyên Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi nhà mình. Đức Mẹ lại kiên nhẫn dùng đến sự trung gian của bé gái, con bà Anna. Một ngày, bé chạy đến sà vào lòng bà và nói lớn tiếng: "Má ơi, Má biết không, con vừa trông thấy một Bà thật đẹp, thật sáng láng. Bà Đẹp nói với con: Con hãy đi gặp ngay Má con và lập lại rằng: "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp muốn được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng trong một nhà thờ ở Roma”.

Cảm kích trước lời nói ngây thơ của đứa con gái, bà Anna chuẩn bị thi hành ý muốn của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhưng rồi Satan tìm cách ngăn cản, qua một người đàn bà, bạn của bà Anna. Bà này, sau khi nghe bà Anna thổ lộ ý định, liền trêu chọc và cười nhạo bạn là người nhẹ dạ, dễ tin lời con nít! Nhưng lời nói xúc phạm của người đàn bà bị trừng phạt tức khắc. Bà bị động kinh dữ dội khiến bà phải nhìn nhận lỗi lầm và van xin Đức Mẹ cứu chữa. Vừa khi tay bà chạm đến Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cơn động kinh ngưng ngay.. Đó là phép lạ đầu tiên minh chứng quyền năng của Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Trước hai sự kiện xảy ra trong thời gian khoảnh khắc - bị ngã bệnh và được chữa lành của bà bạn - bà Anna ngoan ngoãn tuân phục mệnh lệnh của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhưng vấn đề được đặt ra. Lúc ấy, vào cuối thế kỷ 15, tại Roma có khoảng 300 nhà thờ. Vậy phải chọn nhà thờ nào, để đặt cho các tín hữu đến kính viếng Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đây? Để giúp bà Anna, một lần nữa, Đức Mẹ lại hiện ra với cô bé con gái bà và chỉ dẫn rõ ràng như sau: "Mẹ muốn được đặt ở nơi nằm giữa nhà thờ mến yêu của Mẹ, Đức Bà Cả, và nhà thờ quí tử của Mẹ, Gioan Laterano!”.

Địa điểm được Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chọn, nằm trên đồi Esquilino, trung tâm thủ đô Roma. Đây là nơi được thánh giáo hoàng Cleto (80-92), người kế vị thứ hai của thánh Giáo Hoàng Phêrô, biến ngôi nhà từ-đường của ngài thành nhà nguyện, dâng kính thánh tông đồ Mattêô. Trong thời kỳ Kitô-Giáo bị bách hại dữ dội dưới hai hoàng triều Nerone và Diocletiano, nhà nguyện Thánh Mattêô là nơi hội họp của các tín hữu Kitô. Sang thế kỷ thứ tư, nhà nguyện được thay thế bằng một đền thờ rộng lớn lộng lẫy. Năm 1110, đền thờ Thánh Mattêô được tu bổ và được Đức Giáo Hoàng Pasquale 2 (1099-1118) long trọng thánh hiến. Sau cùng, vào thế kỷ 15, đền thờ được giao cho các tu sĩ dòng thánh Augustino trông coi. Chính tại đền thờ này mà bà Anna đã mang Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến giao cho cha Bề Trên các tu sĩ thánh Augustino.

Ngày 27-3-1499, đền thờ Thánh Mattêô chật ních các tín hữu. Họ đến để cầu nguyện và chuẩn bị rước Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp qua các đường phố Roma .. Đang lúc rước kiệu, bỗng một tiếng tung hô vang lên. Một phụ nữ bị bại tay, được khỏi bệnh tức khắc, khi vừa chạm cánh tay bại vào Bức Ảnh phúc lành. Mọi người vui mừng khôn tả.. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã thật sự chinh phục cảm tình của dân thành Roma.

Sau cuộc rước, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được long trọng đặt nơi bàn thờ chính của đền thờ Thánh Mattêô. Từ đó, Đức Mẹ không ngừng thi ân giáng phúc cho tất cả những ai thành khẩn chạy đến kêu cầu cùng Mẹ. Đền thờ trở thành nơi hành hương thân thương của các tín hữu, Roma và các vùng phụ cận. Các ơn lành Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ban cho con cái Ngài nhiều vô kể. Trước sự kiện này, Đức Giáo Hoàng Lêô 10 (1513-1521) quyết định trả lại cho đền thờ Thánh Mattêô tước hiệu ”hiệu tòa” của các vị Hồng Y. Một trong các vị đó là Đức Hồng Y Nerli, nổi tiếng là người sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Để tỏ tình con thảo và tán dương Mẹ lành ngay cả sau khi chết, Đức Hồng Y xin khắc trên mộ mấy hàng chữ sau đây: "Trong đền thờ thánh Mattêô này .. dưới sự bảo trợ của Nữ Trinh Maria, thánh danh Mẹ vang dội khắp nơi vì các phép lạ Mẹ làm, nơi đây an nghỉ Hồng Y Nerli”.

Danh xưng vừa lộng lẫy vừa dịu hiền "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” do chính Mẹ chọn, đã hoàn toàn được minh xác trong vòng 3 kế kỷ. Đó là thời gian Bức Ảnh được tôn kính nơi đền thờ Thánh Mattêô. Sử liệu còn ghi lại rõ ràng không biết bao nhiêu phép lạ Đức Mẹ đã làm. Năm 1600, văn sĩ Panziroli viết: Nhà thờ thánh Mattêô có được một Bức Ảnh Đức Mẹ, làm nhiều phép lạ đến độ, có thể nói đây là ”Nhà Thờ Phép Lạ”. Năm 1618, Lupardo nói về Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như sau: ”Đây là Bức Ảnh nổi tiếng nhờ các phép lạ Đức Mẹ làm.

Xin trưng dẫn một phép lạ. Một ngày, ông từ giữ đền thờ ăn cắp một số tiền của các tín hữu hành hương dâng cúng cho đền thờ. Sau khi cẩn thận dấu kín trong mình, ông tìm đường nhanh chân trở về nhà. Nhưng lạ lùng thay, ông đi mãi đi hoài mà không tới nhà. Trái lại, ông thấy mình đứng trước đền thờ! Hoảng hồn, ông lại chọn một con đường khác để nhanh chân về nhà. Nhưng lần này cũng thế, sau một hồi đi bộ, ông lại thấy mình đứng trước cửa nhà thờ. Đến lần thứ ba, ông cũng vẫn thấy mình trở lại trước cửa đền thờ Thánh Mattêô. Ông kinh hoàng nhận ra bàn tay Thiên Chúa. Ông thật lòng thống hối và mang trả lại cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tất cả những gì ông đã dại dột ăn cắp. Rồi ông đơn sơ kể lại cho các linh mục nghe câu chuyện lạ lùng trên đây.

2. Bức Ảnh bị lưu lạc

... Cuộc cách mạng Pháp 1789 thổi một cơn lốc tàn ác vào hầu hết các nước Âu châu. Nó gieo rắc kinh hoàng nơi các tín hữu Công Giáo và lôi kéo một số đông giáo dân rơi vào tình trạng khô khan, nguội lạnh hoặc bài xích tôn giáo. Thủ đô Roma, kinh thành muôn thưở của Giáo Hội Công Giáo, cũng chịu chung số phận. Đức Giáo Hoàng Pio 6 (1775-1799) bị bắt và qua đời tại nơi lưu đày. Một đoàn quân đỏ - kẻ thù của Giáo Hội - xâm chiếm Roma. Vào một buổi sáng, người dân thành phố nghe tin quân Pháp chọn đền thờ Thánh Mattêô làm cứ điểm hành quân và sẽ phá hủy tan tành đền thánh!. Các tu sĩ dòng thánh Augustino chỉ kịp giờ chạy đi lánh nạn và mang theo Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp quí yêu .. Quả thật, vài ngày sau, đồi Esquilino bị san bình địa và không để lại vết tích gì của một thời huy hoàng. Không còn nữa cái thời mà toàn dân Roma lũ lượt kéo đến hành hương đền thờ Thánh Mattêô và kêu cầu trước Bức Ảnh phúc lành Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp!.

Bị đuổi khỏi đền thánh, các cha dòng được Đức Giáo Hoàng Pio 7 (1800-1823) đưa về trông coi đền thờ Thánh Maria ở Posterula. Vào thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị bách hại dữ dội, các linh mục không dám trưng bày Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại nơi công cộng cho các tín hữu đến kính viếng. Các vị chỉ đặt Bức Ảnh nơi nhà nguyện riêng của đan viện. Bức Ảnh dần dần bị rơi vào quên lãng. Nhưng Chúa Quan Phòng có chương trình riêng của Ngài. Ngoài ra, thánh ý của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là muốn được tôn kính ở địa điểm nằm giữa 2 đền thờ Đức Bà Cả và Thánh Gioan Latêranô.

.. Vào năm 1840, có hai người quì trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nơi nhà nguyện của các cha dòng thánh Augustino ở Posterula. Một vị lão thành và một cậu thiếu niên. Vị lão thành là thầy Orsetti, ngoài 70 tuổi, tu sĩ duy nhất còn sống sót của đền thờ Thánh Mattêô. Còn thiếu niên là cậu Michele Marchi. Đang sốt sắng cầu nguyện, bỗng thầy Orsetti giơ tay chỉ Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và nói với thiếu niên rằng: ”Con nên nhớ kỹ, Bức Ảnh này, trước kia đã từng được mọi người tôn kính nơi đền thờ Thánh Mattêô. Hàng năm đều có tổ chức một lễ lớn mừng kính Đức Mẹ”. Cậu Michele Marchi vừa ghé tai nghe thầy Orsetti giải thích vừa lơ đãng đưa mắt nhìn lên Bức Ảnh.

Vào cuối đời, thầy Orsetti gần như bị mù hẳn. Niềm vui êm ái nhất của thầy là được chuyện vãn với thiếu niên Michele Marchi. Và trăm lần như một, không lần nào thầy không nhắc đến cái thời huy hoàng đầy ân phúc của Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thầy thường nói: ”Michele à, con phải biết rằng, Bức Ảnh Đức Mẹ được tôn kính lâu năm ở đền thờ Thánh Mattêô, cũng chính là Bức Ảnh đang được đặt nơi nhà nguyện này. Con đừng bao giờ quên điều ấy nhé!”. Rồi thầy Orsetti nói thêm: ”Đúng như vậy. Đó là điều chắc chắn. Con có hiểu lời thầy nói không? Ôi, Bức Ảnh này đã từng làm không biết bao nhiêu phép lạ! - O! Era molto miracolosa!”. Cậu thiếu niên lắng nghe lời tâm sự của thầy Orsetti nhưng vẫn không hiểu tại sao thầy cứ nhắc đi nhắc lại cái thời huy hoàng xưa kia của Bức Ảnh.

Năm 1852, thầy Orsetti qua đời, không được diễm phúc trông thấy Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được phục hồi về chốn cũ.

Một ít lâu sau, Đức Giáo Hoàng chân phước Pio 9 (1846-1878) truyền cho Cha Bề Trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế phải chuyển Nhà Chính của dòng từ Napoli về thủ đô Roma. Vâng lời Đức Thánh Cha, các tu sĩ tức khắc tìm kiếm địa điểm để xây nhà. Tháng 6 năm 1854, các linh mục mua lại Villa Caserta, một biệt thự cũ nằm trên đồi Esquilino. Trong khu vườn của biệt thự, người ta còn thấy tàn tích của đền thờ Thánh Mattêô. Ngôi biệt thự cũ được sửa thành tu viện và một thánh đường được xây cất cạnh tu viện. Thánh đường dâng kính Thánh Alphongsô, Ông Tổ sáng lập dòng Chúa Cứu Thế. Đền thánh mới, được xây trên chính nền cũ của đền thờ Thánh Mattêô, như biểu chứng nối liền dĩ vãng với tương lai .. Thêm vào đó, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế - con cái Thánh Alphonsô - còn đặc biệt có lòng sùng kính Nữ Trinh Rất Thánh Maria.

3. Bức Ảnh được phục hồi

Ngày nọ, trong lúc lục lội thư viện và những bản thảo cũ của đồi Esquilino, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế đã tìm thấy những tài liệu quí báu liên quan đến đền thờ Thánh Mattêô. Nhưng nhất là, các sử liệu nói về Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nổi tiếng về các phép lạ. Vui mừng và ngạc nhiên về khám phá mới mẻ này, vị linh mục đem câu chuyện kể lại với anh em trong cộng đoàn. Nào ngờ, trong số các tu sĩ đó, có mặt linh mục Michele Marchi, người đã từng được thầy Orsetti ủy thác nhiệm vụ ghi nhớ nguồn gốc Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cha Michele Marchi gia nhập dòng Chúa Cứu Thế ít lâu sau khi cộng đoàn ở Villa Caserta được thành hình. Cha Marchi nói ngay: ”Tôi biết rõ Bức Ảnh Phép Lạ này đang ở đâu. Chính mắt tôi đã trông thấy Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, được tôn kính nơi nhà nguyện của đan viện Thánh Maria ở Posterula!”. Nhưng rồi câu chuyện chấm dứt tại đó ..

Thời gian 9 năm lặng lẽ trôi qua. Vào một ngày thứ bảy trong tháng 2 năm 1863, cha Blosi, linh mục dòng Tên, giảng thuyết về đề tài: "Vinh Quang Đức Maria". Cha nhắc đến Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một thời được dân thành Roma sùng kính và nổi tiếng về các phép lạ. Cha Blosi mở đầu như sau: ”Hôm nay tôi sẽ nói với anh chị em về một Bức Ảnh Đức Mẹ, xưa kia rất nổi tiếng giữa anh chị em, nhưng bị rơi vào quên lãng từ 60 năm qua. Có lẽ Bức Ảnh bị chôn vùi ở một nhà nguyện nào đó, nên không được trưng bày cho các tín hữu Công Giáo, chen chúc nhau đến kính viếng”. Cha Blosi không quên nhắc đến thánh ý của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là muốn được tôn kính ở địa điểm nằm giữa 2 đền thờ Đức Bà Cả và Thánh Gioan Latêranô. Sau cùng, cha lớn tiếng nói rằng: ”Nếu ai trong số các thính giả có mặt tại đây, biết được Bức Ảnh Phép Lạ đó đang ở đâu, thì xin vui lòng báo cho những người đang giữ Bức Ảnh biết rằng, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp muốn được trưng bày nơi công cộng cho các tín hữu đến kính viếng .. Ai biết được những ân huệ dồi dào nào sẽ tuôn đổ trên thế giới, nếu chúng ta biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ, dưới một tước hiệu do chính Đức Mẹ chọn? Đó là tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Phúc cho người nào sẵn sàng làm công việc tìm kiếm và chỉ dẫn này!”.

Bài giảng và lời nhắn tin trên đây của cha Blosi đến tai các cha dòng Chúa Cứu Thế trên đồi Esquilino. Hẳn người ta đoán được niềm vui lớn lao của các vị. Tuy nhiên, Cha Bề Trên Cả dòng Chúa Cứu Thế nghĩ rằng, cần phải đợi chờ cơ hội thuận tiện. Và dịp may đã đến. Ngày 11-12-1865, cha Mauron được Đức Giáo Hoàng Pio 9 tiếp kiến. Sau khi trình bày một số dữ kiện lịch sử liên quan đến Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cha Bề Trên Tổng Quyền Mauron xin Đức Thánh Cha cho phép dòng Chúa Cứu Thế được đưa Bức Ảnh Phép Lạ trở về chỗ cũ, bây giờ là đền thờ Thánh Alphonsô. Vốn có lòng tha thiết yêu mến và tôn kính Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Đức Giáo Hoàng Pio 9 chấp nhận ngay lời xin của cha Mauron. Và ngày 19-1-1866, sau 60 năm lưu đày, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lại được long trọng rước về đồi Esquilino.

Ngày 17-4-1866, Đức Hồng Y Patrizzi, nhân danh Đức Thánh Cha Pio 9, phổ biến thông cáo, báo tin cho toàn dân Roma được biết, từ nay, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lại được đặt nơi đền thờ Thánh Alphonsô cho toàn thể các tín hữu Công Giáo đến kính viếng..

Về phần các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, để tỏ lòng tri ân, các vị đã long trọng tổ chức tuần tam nhật tạ ơn trong 3 ngày từ 27 đến 29 tháng 4 năm 1866.

Ngày 26-4-1866, nhằm lễ kính thánh Giáo Hoàng Cleto, vị sáng lập tiên khởi của đền thờ Thánh Mattêô, trên đồi Esquilino. Nhân dịp này, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được rước long trọng qua khắp các nẻo đường thành phố phố Roma. Quang cảnh vô cùng cảm động. Đường phố được trang hoàng toàn bằng các cành cây nguyệt-quế và đào-kim-nhưỡng. Các tín hữu đứng đông nghẹt hai bên đường chào kính Bức Ảnh. Mọi người giữ thinh lặng và sốt sắng cầu nguyện. Sau cuộc rước, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tuần tam nhật tạ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhật Báo Roma thời đó ghi lại như sau.
.. Không thể nào mô tả cho hết bầu khí đền thờ Thánh Alphonso trong ba ngày 27, 28 và 29. Các vị Hồng Y, Giám Mục, Giám Chức đủ bậc, Linh Mục dòng và triều, thay phiên nhau cử hành thánh lễ trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các tín hữu Công Giáo - từ muôn hướng - lũ lượt tiến lên đồi Esquilino. Mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Từ sáng sớm đến chiều tối, lúc nào đền thờ cũng chật ních tín hữu hành hương. Phải chứng kiến tận mắt mới hiểu được phần nào nhiệt tình của các tín hữu. Họ nô nức kính viếng và cầu nguyện trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các bệnh nhân, những người tàn tật, các kẻ mù lòa, què quặt thì được đưa vào tận bên trong thánh đường ..

Giống như cuộc rước kiệu đầu tiên vào ngày 27-3-1499, lần này, tức hơn 350 năm sau, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng làm phép lạ, tưởng thưởng lòng thảo kính ngoan hiền của toàn dân Roma.

Một bé gái 8 tuổi, từ 4 năm qua bị tê bại không sử dụng được đôi chân. Bà mẹ bỗng nảy ra ý nghĩ giơ con lên, trình với Đức Mẹ, khi Bức Ảnh rước qua chỗ hai mẹ con đang đứng. Tức khắc, bé gái động đậy được đôi chân. Vài ngày sau, bà mẹ mang con tới đền thờ Thánh Alphonsô. Đến trước Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bà thưa lớn tiếng như sau: ”Xin Mẹ hoàn tất việc Mẹ đã khởi công”. Vừa cầu nguyện xong, đứa bé liền đứng dậy và bước đi bình thường, trước sự kinh ngạc và vui mừng khôn tả của mọi người hiện diện.

Tháng 5 tiếp liền sau tuần tam nhật năm 1866, đã được cử hành với trọn lòng đạo đức và hết sức sốt sắng. Đức Giáo Hoàng chân phước Pio 9 cũng đích thân đến kính viếng Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngài cũng nhận một bản sao Bức Ảnh Phép Lạ và đưa về đặt nơi nhà nguyện riêng của ngài trong Phủ Giáo Hoàng. Lòng kính mến Đức Mẹ gia tăng đến độ, vào cuối tháng 5, các tín hữu Công Giáo Roma đã hiệp ý quyên góp tiền của và xin các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế tổ chức thêm một tuần tam nhật khác, dâng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Năm sau, ngày 23-6-1867, Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được Kinh Sĩ Đoàn đền thờ thánh Phêrô long trọng đội triều thiên bằng vàng.

Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, đồ đệ Thánh Alphonso, luôn có truyền thống kính mến Đức Mẹ. Nhưng kể từ khi Bức Ảnh được giao phó cho các vị trông coi, Hội dòng Chúa Cứu Thế như được gắn liền với Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các tu sĩ Chúa Cứu Thế nhiệt thành phổ biến lòng sùng mộ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tính đến năm 1916, đã có 4000 bản sao chính thức Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, được tôn kính tại các nhà thờ rải rác trên toàn thế giới. Đâu đâu cũng thế, các tín hữu Công Giáo đều có chung một lòng kính mến và tin tưởng nơi sự trợ giúp vô biên của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Sự kiện này lôi cuốn chú ý của Tòa Thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng chân phước Pio 9, quí tử của Nữ Trinh Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Thánh Cha muốn rằng, hàng năm vào ngày 23-6, ngày kỷ niệm Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được đội triều thiên bằng vàng, dòng Chúa Cứu Thế phải cử hành thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngoài ra, vào năm 1871, hiệp hội ”Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alphonso” được thành lập. Chính Đức Pio 9 cũng ghi danh vào Hội và ban cho các Hội viên được hưởng nhiều ân xá.

4. Ý nghĩa Bức Ảnh

Ngắm nhìn Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hẳn quí vị đặt câu hỏi: - Hai Thiên Thần có ý nghĩa gì? - Tại sao Chúa Hài Nhi lộ vẽ sợ hãi? - Tại sao cái nhìn của Mẹ Ngài trông thật buồn? - Liên hệ nào gắn liền giữa Bức Ảnh mô tả Mẹ Thiên Chúa và tước hiệu "Hằng Cứu Giúp”?. Xin trích dẫn lời giải thích ý nghĩa của Bức Ảnh như sau.

... Chúa Giêsu đang ngủ yên trong vòng tay Đức Mẹ. Bỗng chốc, Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrie, vị mặc khải mầu nhiệm Cứu Chuộc, và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, vị bảo trợ Hội Thánh, hiện ra và tỏ lộ cho Chúa Giêsu thấy các dụng cụ hành hình. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cầm trong tay bình đựng đầy mật đắng. Từ bình này, dựng đứng một ngọn giáo giết người và một khúc lau dài, bên trên có miếng vải thấm dấm chua, nhỏ giọt. Trong khi Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrie đưa cho Chúa Giêsu xem một khúc gỗ rợn rùng với ba chiếc đinh dài. Đó là thập tự của các tên ác nhân. Trên chóp của thập tự khủng khiếp này, Chúa Hài Nhi đọc thấy hàng chữ: Giêsu thành Nagiarét. Bị đánh thức bởi thị kiến kinh hoàng, Chúa Giêsu ngẩng hẳn đầu lên, đôi tay run rẩy nắm chặt lấy bàn tay dịu hiền của Đức Mẹ và nhìn quanh quất với dáng điệu lo âu sợ hãi. Nhưng có lẽ sau đó, Ngài chấp nhận các dụng cụ tử hình mà Cha Ngài gởi đến, qua trung gian các Thiên Thần, nên Chúa Giêsu can đảm thưa: ”Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện chứ không phải ý riêng Con!”. Đó là lời Chúa Giêsu sẽ lập lại sau này nơi vườn cây dầu Giệtsêmani.

Người họa sĩ đạo đức, khi vẽ Bức Ảnh này, hẳn đã muốn biểu tượng rằng: "Ngay từ thơ ấu, Chúa Giêsu đã liên lĩ nghĩ đến cuộc khổ nạn trong tương lai”. Về phần Đức Maria, thông phần với Con Mẹ để cứu chuộc nhân loại, như bà Evà xưa kia đã thông phần với ông Adong để phản bội con cái loài người, Đức Mẹ luôn kết hiệp hy sinh của Mẹ với hy sinh của Con Mẹ. Và thay vì nhìn Con Mẹ, Đức Mẹ lại đăm đăm nhìn chúng ta. Cái nhìn vừa dịu hiền vừa u buồn của Đức Mẹ như muốn nói với từng người rằng:

“ .. Hỡi những người con đáng thương của Evà. Các con hãy nhìn xem các con được Chúa Cha trên Trời, Chúa Giêsu và Mẹ Ngài yêu thương các con là dường nào! Vì thế, các con hãy trọn lòng yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Mẹ, cũng như đặt hết niềm tin tưởng nơi Mẹ. Chẳng lẽ các con nghi ngờ quyền năng của Mẹ bên cạnh Thiên Chúa hay sao? Khi chấp thuận cái chết đau thương của Con Mẹ, Mẹ đã tậu cho các con những quyền lợi thánh thiêng và Mẹ nhận các con làm con Mẹ, thay cho Chúa Giêsu. Làm sao các con lại có thể nghi ngờ tình thương trìu mến Mẹ dành cho các con, khi mà, để cứu chuộc các con, Mẹ đã bằng lòng trao Con Mẹ, Một Người Con tuyệt hảo như thế?.. A! Các con thật quí hóa đối với Mẹ, quí hóa đến độ, Mẹ lại sợ bị mất các con lần thứ hai, và mất vĩnh viễn! Vậy thì, hãy chạy đến với Mẹ. Mẹ nắm giữ trong tay giá cứu chuộc các con, phương thế chữa trị những thói hư tật xấu của các con. Hãy kêu cầu Mẹ trong bất cứ hoàn cảnh khốn cùng nào, trong mọi yếu đuối sa ngã và trong những chán nản thất vọng nhất của các con. Hãy ngước mắt nhìn Mẹ, lúc các con cảm thấy nghi ngờ, khi các con đã dại dột phạm tội. Mẹ sẽ an ủi, nâng đỡ các con. Mẹ sẽ ban cho các con sức mạnh. Mẹ sẽ soi sáng, giúp các con chỗi dậy từ bùn nhơ. Nói tắt một lời, Mẹ hằng liên lĩ trợ giúp các con, mãi mãi cho đến khi nào Mẹ vui mừng đưa các con vào hưởng tôn nhan Chúa bất tận trên Thiên Đàng”.
.. Đó là ý nghĩa tước hiệu "Mẹ Hằng Cứu Giúp” vậy.

Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin đề nghị vắn tắt 9 việc đạo đức sau đây.

- Thứ nhất: Mỗi buổi sáng và tối, đọc ba Kinh Kính Mừng và đọc thường xuyên lời nguyện tắt: “Lạy Đức Maria đầu thai vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ”.
- Thứ hai: Mỗi ngày lần trọn chuỗi Mân Côi.
- Thứ ba: Đọc Kinh Cầu Đức Mẹ.
- Thứ tư: Đọc một Kinh Kính Mừng trước mỗi khi làm một việc quan trọng, hoặc mỗi khi nghe tiếng đồng hồ đánh báo hiệu giờ.
- Thứ năm: Giữ thói quen tốt lành đọc Kinh Truyền Tin vào ba buổi sáng, trưa và chiều.
- Thứ sáu: Xem lễ và rước lễ vào các ngày lễ kính Đức Mẹ.
- Thứ bảy: Làm một vài việc đền tội và bác ái cũng như đi lễ vào các ngày thứ bảy.
- Thứ tám: Ghi tên vào các Hội như Mân Côi và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Luôn mang trong mình Áo Đức Bà Camêlô hoặc Ảnh thế Áo Đức Bà.
- Thứ chín: Luôn chạy đến kêu cầu cùng Mẹ trong mọi nổi lo âu, khi bị cám dỗ và xin Đức Mẹ ra tay cứu giúp.

5. Bức Ảnh Làm Phép Lạ

Một thanh niên lúc gần chết, nhất định không chịu xưng tội. Vì bị thân mẫu nài nĩ mãi, chàng tức giận không cho bà đến gần giường. Người mẹ hiền đức không bỏ cuộc. Bà khẩn khoản kêu xin cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rồi bà kín đáo dấu một ảnh vảy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp dưới chiếc gối của con. Lòng tin tưởng của người mẹ đau khổ đã được Đức Mẹ nhậm lời. Hai ngày sau, chính người thanh niên xin gặp linh mục để xưng tội. Chàng lãnh nhận các Bí Tích sau cùng và ra đi bằng an trong ân thánh Chúa..

Đó là câu chuyện xảy ra tại Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ. Câu chuyện tiếp theo cũng tương tự như thế. Một thanh niên thuộc gia đình Công Giáo đạo đức, lâm trọng bệnh. Từ khi sống ăn chơi buông thả, chàng bỏ hẳn việc đọc kinh, xem lễ và xưng tội. Biết mình sắp chết, nhưng chàng vẫn khăng khăng không chịu ăn năn thống hối. Mẹ và các chị em chàng buồn sầu đến thổ lộ niềm đau với vị linh mục thừa sai. Cha nói ngay: ”Hãy đeo cho chàng ảnh vảy Đức Mẹ và kêu cầu cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Bà mẹ làm theo lời khuyên của vị linh mục. Lạ lùng thay, khi chàng thanh niên bằng lòng đeo ảnh Đức Mẹ, tức khắc chàng thay đổi thái độ. Chàng xin gặp linh mục và sẵn sàng xưng tội. Vài ngày sau, chàng êm ái trút hơi thở, sau khi đã giao hòa cùng Thiên Chúa, nhờ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Một người trẻ, 20 tuổi, thành thật kể lại rằng. Trước đây gần một năm rưỡi, tôi thường bị ma quỷ liên tục tấn công, cám dỗ tôi phạm tội, lỗi đức trong sạch. Biết mình luôn bị quấy phá, tôi thấy không còn phương thế nào khác, ngoài việc chạy đến ẩn nương trong vòng tay dịu hiền của Nữ Trinh Rất Thánh Maria. Ngài là Người Mẹ Thiên Quốc, không bao giờ từ chối lời van nài của bất cứ ai. Thêm vào đó, với tư cách là thành viên Hội Đức Bà Hằng Cứu Giúp, tôi thường kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu Hằng Cứu Giúp. Đức Mẹ đã nghe lời tôi kêu cầu và đã giải thoát tôi khỏi vòng vây của tên ”quỉ dâm dục”. Tuy nhiên, để biết chắc mình được Đức Mẹ che chở trọn đời, tôi bèn giao kèo với Đức Mẹ như sau: ”Nếu trong vòng một năm, con không hề mảy may bị cám dỗ về điều răn thứ sáu, thì con sẽ quyết tâm sùng kính Mẹ, cùng lúc, con sẽ phổ biến lời cao rao ngợi khen quyền năng Mẹ, Người Nữ quyền uy, đã đạp tan đầu con rắn hỏa ngục!”.

Đức Mẹ đã nhận lời tôi cầu xin. Phần tôi, tôi cũng giữ lời đã hứa với Đức Mẹ. Tôi xin làm chứng trước mặt mọi người rằng: Khi kêu cầu Mẹ Cứu Giúp, chắc chắn sẽ được Đức Mẹ nhận lời.

Phép lạ sau đây do một phụ nữ kể lại. Từ hơn mười sáu năm nay, tôi bị chứng kinh phong hành hạ. Cứ hai tháng một lần, tôi bị lên cơn động kinh, thật khủng khiếp. Sau khi tốn phí không biết bao nhiêu tiền của, các bác sĩ tuyên bố bệnh tình tôi vô phương cứu chữa. Họ còn cho gia đình tôi biết là rất có thể tôi sẽ bị điên. Trong hoàn cảnh thảm thương đó, tôi liền đặt trọn niềm tin tưởng nơi Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tôi cũng đi hành hương đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và xin các thành viên Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hợp lời cầu nguyện với tôi và cho tôi.
Tại đền thánh, tôi long trọng hứa với Đức Mẹ rằng: ”Nếu trong vòng một năm, con không còn bị lên cơn động kinh nữa, thì để tỏ lòng tri ân Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, con sẽ tham dự thánh lễ và rước lễ, vào mỗi ngày thứ bảy trong tuần, và dâng cúng một số tiền nơi bàn thờ kính Mẹ”. Lời cầu và lời hứa của tôi đã được Đức Mẹ thương nhậm lời. Từ hơn một năm qua, tôi không còn bị chứng kinh phong tàn phá. Trái lại, tôi vui vẻ khoẻ mạnh. Khỏi cần nói, bạn cũng biết rằng, tôi đã nghiêm chỉnh thi hành mọi lời tôi đã hứa cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vào mỗi ngày thứ bảy, tôi đều đến đền thánh Đức Mẹ để dự lễ, rước lễ và dâng cúng một số tiền. Nhưng có lẽ của lễ đẹp lòng Đức Mẹ nhất, chính là việc tôi sốt sắng rước Mình Thánh Chúa Kitô.

Phép lạ sau đây xảy ra tại Valparaiso, một thành phố nằm về phía Tây Bắc thủ đô Santiago của nước Chí-Lợi. Một phụ nữ Công Giáo kể lại rằng.

.. Cách đây 6 tháng, vì công việc buôn bán, chồng tôi phải thủ đô. Tôi ở nhà một mình với 7 đứa con dại, mà đứa lớn nhất mới 12 tuổi. Một cửa tiệm, đầy ứ hàng hóa, ở một nơi hẻo lánh, đó là những điểm thuận lợi lôi kéo sự chú ý của bọn cướp, vốn khét tiếng trong vùng.

Biết rõ hiểm nguy rình chờ, tôi vô cùng sợ hãi và lo lắng. Tôi bỗng nẩy ra ý tưởng, xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm Người canh giữ nhà. Nghĩ xong, tôi tức khắc treo Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi cánh cửa, thông thương giữa kho chứa hàng và phòng ngủ của chúng tôi. Vào buổi đọc kinh chung ban tối, tôi bảo các con tôi hãy sốt sắng kêu cầu cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin Đức Mẹ gìn giữ chúng tôi qua khỏi đêm nay bằng an. Xin Đức Mẹ cứu chúng tôi khỏi bọn cướp của và giết người.

Nghe lời tôi, các con tôi liền ngước mắt nhìn lên Bức Ảnh và thưa: "Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin Đức Mẹ canh chừng và bảo vệ chúng con”. Đứa bé út, chưa đầy hai tuổi, không hiểu rõ hiểm nguy là gì, nhưng bắt chước anh chị, bé cũng chắp tay lại và ngước mắt van nài nhìn lên Bức Ảnh. Cảnh tượng đó khiến tôi thật cảm động. Hẳn Đức Mẹ cũng cảm động không kém, nên đã ra tay cứu giúp chúng tôi.

Đêm hôm ấy, khoảng một giờ sáng, tôi giật mình thức giấc vì tiếng động. Tôi nghe rõ tiếng những người đàn ông xầm xì, đang rảo quanh nhà. Tôi lạnh điếng người. Tôi thầm nghĩ: "Chúa ơi, xin thương xót chúng con. Lạy Đức Mẹ, xin cứu con và các con của con”. Tôi chỉ nói được bấy nhiêu. Nổi lo sợ làm tôi như bị chết cứng trong giường. Chẳng mấy chốc, tôi nghe tiếng cuốc xẻng. Bọn cướp định phá tung cửa nhà kho. Nhưng không được vì cửa cài thanh sắt rất kỹ. Họ bèn quay sang đục tường nhà. Tường nhà thô sơ nên dễ đục. Nhờ lỗ đục, họ chui vào nhà kho cách dễ dàng. Không thể nào tả hết nổi kinh hoàng của tôi. Giữa nhà kho và phòng ngủ, chỉ ngăn cách bởi một cánh cửa, không ổ khóa. May mắn thay, chúng tôi có được một khí giới an toàn duy nhất: đó là Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp treo trên tường!.
Bỗng cánh cửa hé mở. Ôi thôi, lạy Chúa, cuộc sống, danh dự, tiền của, tất cả rồi sẽ tiêu tan hết. Tôi chỉ còn biết phó thác linh hồn tôi trong tay Chúa. Nhưng rồi, cánh cửa đóng lại tức khắc. Ba lần như vậy. Trong khi đó, bọn cướp dọn sạch nhà kho, không để lại một thứ gì. Sau đó là im lặng như tờ .. cho đến sáng.

Sáng sớm hôm sau, khi vào nhà kho, tôi bàng hoàng thấy bọn cướp mang đi tất cả những gì có giá trị. Chúng chỉ để lại mạng sống cho chúng tôi. Nhưng chính vì mạng sống, mà chúng tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ, đã thương gìn giữ chúng tôi thoát chết.

Và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã tưởng thưởng lòng đơn sơ phó thác của chúng tôi cách bội hậu. Vào gần trưa, một người cỡi ngựa dừng lại trước nhà, nói với tôi: "Thưa bà, bọn cướp đang ở trong rừng. Chúng đang chia nhau các vật ăn cắp. Tôi sẽ chạy ngay báo cảnh sát”. Nói xong, ông thúc ngựa phóng đi.

Được báo, cảnh sát tức tốc đến nơi và bắt trọn ổ, gồm 6 người. Đó là bọn cướp nguy hiểm nhất trong vùng. Tên đầu đảng đã từng giết trên 30 người và khét tiếng về những hành động tàn ác vô cùng dã man. Ông đặc biệt bắt cóc trẻ em rồi sát hại chúng bằng những cực hình khủng khiếp.

Nơi tòa án, vị thẩm phán cất tiếng hỏi tên đầu đảng: "Là một tên khát máu, làm sao ông lại không giết chết phụ nữ này cùng với các con của bà?”. Hắn ta trả lời: "Đúng ra đó là ý định của tôi. Tôi lăm le bước vào phòng ngủ với con dao. Nhưng khi đẩy cánh cửa bước vào, một bàn tay cản tôi lại và một tiếng nói vang lên: "Đừng vào". Hai lần nữa tôi thử bước vào, nhưng cả hai lần tôi đều bị cùng một bàn tay cản lại và nghe cùng một tiếng nói "Đừng vào”. Hoảng sợ, tôi không dám bước vào nữa và nói với đồng bọn: "Chúng mình rút lui”.

Quan tòa kết án tù 6 tên cướp và truyền trả lại cho chúng tôi tất cả những gì họ đã ăn cắp. Diễn tả sao cho hết, trọn tâm tình tri ân của gia đình chúng tôi đối với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chúng tôi chỉ biết dâng lên Hiền Mẫu Thiên Quốc lời nguyện đơn sơ rằng: "Sau khi giải thoát chúng con khỏi cái chết ở đời này, xin Mẹ cũng cứu chúng con thoát khỏi cái chết vĩnh viễn ở đời sau. Chúng con xin mãi mãi ghi ơn Mẹ”.

(Saint Alphonse de Liguori, "Gloires de Marie”, Edition populaire, 1929, trang 237-262).

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Tình Người

Tình Người
MX Mai Văn Tấn
Nhớ mãi một câu chuyện tôi cứ nghĩ không bao giờ xẩy ra trong đời người. Nhưng nó đã xẩy ra một cách hết sức bất ngờ trong những ngày lao tù dưới chế độ CS ở miền Bắc Việt Nam. Hình như một sự mầu nhiệm nào đó để ngăn cản những người CS bớt làm điều ác để mọi người bớt nguyền rủa và chính bản thân cũng như gia đình họ gặp những điều an lành hơn... Câu chuyện khó có thể tin và ngoài sức tưởng tượng của con người.

Những ngày tháng ở trại tù cải tạo (trại 2 liên trại 2) Hoàng Liên Sơn, gần bản Mường Côi thuộc huyện Nghiã lộ. Ngày ngày đoàn tù lao động như lấy gỗ, chặt giang, nứa, củi…hoặc đi nhận thực phẩm ở Phù Yên đều đi ngang qua các nhà của dân chúng ở hai bên đường. Họ là thành phần bị chỉ định cư trú mà CS gọi là "Khu Kinh Tế Mới". Có những người từng làm việc hoặc ở trong quân đội của chính phủ Pháp. Những người sống dưới chế dộ cộng sản nhưng không đúng đường lối hoặc quan điểm.Tóm lại những người mà chế độ cho là nguy hiểm, xét lại hay có hại đối với chế độ... Thêm vào đó là người dân bản xứ.

Ðặc biệt mỗi lần ngang qua nhà anh Trung (anh bị thương ở tay cử động khó khăn, VC gọi là Trung Khều làm nghề thợ may) quản giáo và vệ binh (danh từ VC) hay ghé lại nhà anh ngồi nghỉ, uống nước chè hút thuốc lào và tán gẫu. Nhân tiện những người tù cũng ngồi la liệt hai bên đường trước cửa nhà anh để nghỉ. Anh hay đem thuốc lào và nước để anh em dùng. Thời gian này anh em nghiện thuốc lào bất đắc dĩ vì không có thuốc lá. Mặc dầu trong bụng lúc nào cũng cồn cào vì cái đói triền miên, nhưng thuốc lào hình như cần thiết hơn. Thấy sự đối xử anh rất khác biệt với những người khác. Ðó là điều hiếm hoi trong một chế độ lấy lừa dối làm chính, xem mạng người như cỏ rác và đầy hận thù. Các con của anh cũng khác xa với "cháu ngoan bác hồ" [mất dạy không chỗ nào nói nổi], không bao giờ gọi chúng tôi là "thằng tù". Một lần chúng tôi ngồi nghỉ trước nhà anh trên lề đường để uống nước và hút thuốc lào do con anh mang đến. Nội quy cấm không được tiếp xúc với dân, nếu vi phạm sẽ bị cùm trong nhà kỷ luật vì vậy mọi sự tiếp xúc phải lén lút đừng để bọn cán bộ bắt gặp. Nhân tiện tôi hỏi cháu:
- Sao cháu không gọi các chú là "thằng tù" giống như các đứa trẻ khác.
Cháu trả lời:
- Bố cháu dạy các bác các chú là thành phần học thức miền Nam, vì vận nước phải đi tù chứ không có tội tình gì cả, các con phải đối xử lễ độ với họ và tôn trọng họ.

Thấy sự việc càng ngày xẩy ra không đơn giản, phải có nguyên do xâu xa nào đó mà tôi chưa biết. Trong đầu tôi tự hỏi mãi tại sao ? Mà chính tôi chưa bao giờ trả lời được. Lúc bấy giờ trong trại khoảng 300 tù nhân chỉ có 2 người là TQLC, tôi và anh Nguyễn Văn Ðốc. Nhưng anh Ðốc làm thợ rèn không bao giờ ra khỏi trại, chỉ một mình tôi TQLC lao động ngoài trại (Anh Ðốc đã mất vài năm nay tại Houston.)

Mãi đến ngày gần Tết năm 78, tôi được trại giao công tác lấy lá dong mang về trại để gói bánh chưng cho bộ đội lẫn tù nhân. Tôi đi ngang qua nhà anh, thấy anh ra hiệu tôi xuống suối trước cửa nhà anh, rồi anh đi theo xuống gặp tôi và lại ngồi gần tôi. Một lúc rất lâu anh không nói năng gì cả. Tôi thấy anh ngồi trầm tư và suy nghĩ, đôi mắt nhìn tôi chăm chú. Tôi ngồi im lặng tôn trọng sự suy nghĩ cuả anh. Một lúc sau anh bắt đầu kể với giọng trầm buồn:

Năm 73 sau ngày ngưng chiến, một buổi sáng nhiều sương mù, tôi đi theo bờ biển để tìm Cua, Ốc tại thôn Gia Ðẳng. Vì không kiểm soát được nên tôi lọt qua phòng tuyến của anh và bị các anh bắt được. Tôi tất lo ngại là sẽ bị các anh đánh đập, nhưng ngoài sức tưởng tượng của tôi, các anh đã đưa thuốc cho tôì hút và tử tế đưa tôi về BCH của các anh. Tôi được một anh lính Thủy đánh bộ mang quân hàm Thượng úy hay Ðại úy gì đó tôi không biết chắc chắn lắm dẫn tôi ra Huế để ăn uống và xem chiếu bóng bằng xe ô-tô con. Thú thật anh trong lòng tôi vô cùng cảm xúc cách đối xử tử tế của các anh. Nhưng tôi không thể ở lại với các anh mặc dù tôi rất muốn, vì các anh cũng biết tôi còn gia đình hiện đang sống bên kia và sẽ bị trù dập nếu tôi là hàng binh. Sau một ngày đi chơi rất thoải mái tôi được các anh trả về đơn vị tôi. Từ đơn vị của các anh tôi chạy về đơn vị tôi, thú thật tôi không ngờ các anh không bắn theo tôi mà thực sự có ý định thả tôi. Tôi về phải làm tờ kiểm điểm và phải nói lên sự đối xử tàn ác của các anh. Thú thật anh lương tâm tôi rất xẩu hổ nhưng không viết như vậy không được.

Rồi đến ngày "Giải phóng miền Nam" tôi bị phục viên và được chỉ định đem gia đình về đây sinh sống. Tôi nghĩ chế độ nào dù bạo tàn hay nhân đạo theo thời gian cũng phải thay đổi, con người dù sống một thế kỷ rồi cũng mai một đi. Chỉ có tình người là trường tồn vĩnh cửu, mặc dầu chế độ và xã hội hiện tại rất hiếm hoi "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng".

Ngày hôm nay, tôi đối xử tử tế với các anh là vì tôi nhớ mãi sự tử tế của các anh đối xử với tôi mà trong tư tưởng tôi luôn luôn bị nhồi nhét các anh là thành phần ăn Gan uống Máu đồng loại. Tôi nghe bộ đội nói tên anh và cho tôi biết anh là "Lính Thủy đánh bộ" trốn trại vừa bị bắt lại còn đang kỷ luật. Ngày hôm nay tôi kể cho anh nghe câu chuyện này mà tôi đã dấu kín từ lâu. Tôi biết anh là lính thủy đánh bộ nên thổ lộ cảm nghĩ của tôi vì tôi tin anh cùng đơn vị đã bắt tôi cũng đã biết hoặc đã nghe chuyện này. Tôi muốn nói với anh lời cuối, anh nên giữ gìn sức khoẻ, đừng có trốn trại mà sẽ không bao giờ thoát được mà chỉ thiệt thân, hãy chờ đợi ngày về với gia đình, tôi không biết thời gian nào nhưng tôi nghĩ rằng sẽ lâu lắm. Ðiều tiên quyết là anh phải còn sống mới về xum họp với gia đình, anh nên nhớ điều hết sức quan trọng này.

Sau khi nói xong anh đưa tôi gói xôi và trở lại nhà:
- Anh ăn đi tôi không có gì hơn để giúp anh.
Trong khi vừa ăn xôi vừa nghĩ lại những lời tâm sự của anh. Ðúng là năm 73, sau khi có lệnh ngưng chiến tại chỗ đơn vị của Thiếu Tá Trần Quang Duật Tiểu Ðoàn Phó TÐ1/TQLC có bắt được 1 tù binh đi lạc vào tuyến phòng thủ của TÐ1 ở thôn Gia Ðẳng. Sau khi giải giao về BCH/LÐ/258 đang đóng ở Hội Yên. Lữ Đoàn Trưởng Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh đã xin lệnh cấp trên để đưa anh ra thị xã Huế ăn uống vui chơi mong tìm hiểu thêm tin tức và mong anh ta hồi chánh. Tôi được cấp xe, tiền để đưa anh ra Huế ăn uống và xem chiếu bóng. Tôi không hỏi tên anh vì tôi nghĩ anh sẽ nói tên giả. Ðầu tiên ăn Phở anh ăn ngon lành như chưa từng được ăn ngon như thế, được uống cà phê, hút thuốc lá và đi xem chiếu bóng. Trước khi về tôi đưa anh ra quán chè ở cồn Hến để anh giải lao và nhìn đồng bào ta nhộn nhịp qua lại. Anh đăm chiêu và tận hưởng những gì được ưu đãi, chắc anh nghĩ trong đời anh khó có dịp được hưởng lần nữa. Một lúc anh nói với tôi:
- Các anh tử tế lắm, ăn uống rất ngon và thành phố tấp nập tôi thích lắm, nhưng tôi không ở lại với các anh được vì tôi còn gia đình đang sống bên kia.

Trên đường trở về tôi được lệnh trả anh về cho TÐ1/TQLC để đơn vị này thả anh tại nơi bắt anh để anh trở về đơn vị. Biết rõ và nhớ rất rõ từng chi tiết theo lời tâm sự của anh. Nhưng suốt thời gian nghe anh tâm sự, ngồi lặng yên tôi lắng nghe. Không xác nhận cũng như không nói lời nào cả. Ở tù với CS một thời gian tôi thấm thiá sự gian trá lừa lọc và tàn ác của họ. Năm 1979 khoảng tháng 7, trời rất là nóng bức từng cơn gió Lào làm cháy da thịt. Tôi xuống suối để rửa mặt cho đỡ nóng bức. Anh xuống theo và gặp tôi. Anh Trung đưa cho tôi 2 củ khoai lang đã chín, vài viên kẹo, một nắm thuốc lào và nói:
- Tôi chỉ có thể giúp anh bấy nhiêu, anh cũng biết là mọi người rất nghèo, không dư dả như miền Nam của các anh. Tôi nghe 5 người trốn trại sẽ được di chuyển đến trại khác vào ngày mai, tôi chúc anh may mắn và tôi nghĩ chúng ta khó có ngày gặp lại mong anh giữ gìn sức khoẻ.

Tôi suy nghĩ sự chuyển trại là một tin không bao giờ cho tù nhân biết, nếu tiết lộ sẽ có biện pháp kỷ luật ngay. Chắc là anh tin tôi mới cho tôi biết. Tôi bèn nói nhanh với anh vì ngập ngừng thì tôi sẽ không bao giờ dám nói:
- Người Lính Thủy Ðánh Bộ mà anh kể chính là Tôi.

Nói xong tôi chào anh và quay lưng lên đường nhập chung với đội. Ðúng ngày mai 5 người chúng tôi chuyển về liên trại nhập chung với những người trốn trại ở các trại khác di chuyển về trại Phú Sơn 4 Bắc Thái để công an quản lý. Tôi nhớ mãi hành động cũng như cách cư xử thân thiết và tử tế của anh. Tôi nguyện trong lòng một ngày nào đó, nếu còn sống sót để trở về với gia đình tôi sẽ tìm gia đình anh để thăm. Mãi đến cuối năm 87 tôi mới được thả ra khỏi trại cải tạo về với gia đình. Về đến nhà bao nhiêu chuyện phải lo: lo ăn, lo mặc, lo chỗ ở, lo kiếm tiền để sinh sống cho chính mình và gia đình mình. Sau đó phải lo giấy tờ hồ sơ để xuất cảnh. Bao nhiêu chuyện phải gánh vác không còn thì giờ nghĩ đến gia đình anh Trung cho đến khi gia đình tương đối ổn định sau khi được định cư ở Hoa Kỳ.

Năm 1994, nhân một chuyến làm ăn ở Kuala lumpur (Malaysia) với 1 người Hoa quốc tịch Mã. Trong khi chờ đợi hợp đồng với 1 xưởng mộc, anh ta hỏi tôi có muốn về thăm viếng VN hay không. Tôi không có ý định về VN vì chế độ CS còn tồn tại, cha mẹ tôi đã qua đời, hơn nữa tôi mới dời đất nước một thời gian ngắn khoảng 4 năm, không có lý do để về VN.
Bỗng tôi nghĩ đến anh Trung tôi đổi ý muốn về VN một chuyến. Sau vài ngày ở Saigon, tôi tìm cách đi ra miền Bắc đến tỉnh Hoàng Liên Sơn tìm gia đình anh Trung. Ðáng tiếc cảnh vật cũng như người đã thay đổi, không có cách gì tìm lại được gia đình anh. Tôi trở lại Saigon trong lòng vô cùng hối tiếc và ân hận. Nhưng tôi nghĩ mọi việc đều được thượng đế an bài, tôi cố công đi tìm nhưng không gặp được cũng là do ý trời. Lý luận như thế để lường gạt lương tâm được yên ổn không còn bức rứt nữa.

Vài ngày sau đó không có chuyện gì để làm, hơn nữa Saigon nóng bức và chật chội tôi có ý định về miền Tây chơi. Tôi ra bến xe Tân cảng Phú Lâm mua vé xe về Cần thơ. Trong khi chờ đợi xe khởi hành, tôi ngồi quán uống nước nhìn người qua lại tấp nập và vội vã hình như thời gian không đủ đối với họ. Bỗng nghe 2 anh khuân vác giành mối gây nhau bằng giọng Bắc mà theo kinh nghiệm xương máu của tôi đúng là giọng Bắc Kỳ năm 75.

Hai anh cãi nhau nhiều, nhưng chỉ 1 câu làm tôi chú ý và ngạc nhiên:
- Mày con Trung Khều, bố con mày là thành phần phản động phải sống ở vùng núi không được sống vùng đồng bằng như gia đình tao, tao không xem mày ra gì cả…..
Câu nói này làm trong đầu óc tôi hiện lên hình ảnh quen thuộc xa xưa, nhưng không biết chắc đúng hay không. Ðợi 2 anh cãi xong, tôi lại gần anh bị anh kia mắng tôi hỏi:
- Anh quê ở đâu mà vào Nam làm nghề khuân vác?
Anh nhìn tôi ngỡ ngàng và đôi chút ngạc nhiên. Tôi bèn mời anh lại chỗ tôi ngồi và gọi nước cho anh. Một lúc sau anh ta tâm sự:
- Gia đình tôi trước ở Mường Côi tỉnh Hoàng Liên Sơn sau đó cả gia đình di chuyển về Phủ Lý tỉnh Nam Ðịnh để sinh sống. Nhưng cuộc sống quá khổ thiếu thốn đủ thứ, gia đình quá nghèo nên tôi định vào Saigon để kiếm tiền giúp gia đình. Tôi bèn hỏi:
- Hồi nẫy tôi nghe anh kia nói bố anh là Trung Khều phải không ?
Anh nhìn tôi và nói:
- Vâng! Bố tôi là bộ đội phục viên, tay bị thương nên mang tật.
Tôi bèn nói:
- Bố anh làm nghề thợ may phải không ?
Anh ngạc nhiên nhìn tôi chăm chú và nói:
- Bác là Việt kiều ở nước ngoài về phải không ?
Tôi trả lời:
- Tại sao anh lại đoán chắc như thế ?
Anh bèn chỉ đôi giầy tôi đang mang và nói:
- Ða số người ta chỉ mang dép mà bác lại mang giầy Adidas.
Tôi mỉm cười nói với anh ta:
- Tôi cũng ở Mường Côi Hoàng Liên Sơn 3 năm.
Anh cười nói:
- Bác nói giọng Nam rặc sao lại ở Hoàng Liên Sơn ?
Tôi bèn nói:
- Tôi ở tù cải tạo ở đó.
Anh ta mừng rỡ nói:
- Bác ở trại tù 9 căn bị cháy hết đó phải không ?
Tôi trả lời:
- Phải, anh nhớ dai lắm.
Anh ta nói thêm:
- Các bác các chú ở trong trại đó lao động ngang qua nhà cháu, hay nghỉ hai bên đường trước cửa nhà để uống nước và hút thuốc lào. Tôi liền nghĩ "Khổ công lặn lội đi tìm không được tình cờ lại gặp cố nhân”. Tôi bèn hỏi thăm bố mẹ anh ta. Anh ta kể:
- Bố cháu bây giờ yếu lắm, di chuyển đi lại khó khăn. Không làm gì cả chỉ có mẹ cháu buôn bán ngoài chợ Phủ Lý nhưng không đủ ăn. Không có vốn làm sao kiếm tiền được gia đình rất vất vả và nghèo khổ.
Tôi lấy 200 đồng (Dollars) để giúp anh và gia đình anh và gửi lời hỏi thăm bố mẹ anh. Tôi nói tên tôi cho anh biết và nghĩ rằng bố anh có lẽ còn nhớ. Tôi viết địa chỉ cho anh để sau này anh có thể liên lạc được với tôi.

Sau 7 ngày lang thang ở VN, tôi trở lại Malaysia để tiếp tục công việc làm ăn, trong lòng tôi thực sự thơ thới hân hoan cũng như tràn đầy hạnh phúc như vừa trút bỏ gánh nặng ngàn cân trên vai và đã thực hiện được điều tâm nguyện của mình. Mọi việc lặng lờ trôi vào quá khứ và tôi quên bẵng đi một thời gian.

Năm 1995 khoảng tháng 5, tôi nhận được một lá thư, lời lẽ trong thư là lời lẽ của một anh bộ đội miền Bắc đã phục viên. Tôi muốn gìn giữ từ ngữ của anh dùng để người đọc có ý niệm rõ chứ tôi không có ý dùng từ ngữ VC…..

Tôi được con tôi kể lại anh tặng cho nó và gia đình tôi một số tiền qúa lớn đối với trí tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ trong chế độ xã hội hiện nay rất thiếu tình người, không ai cho tôi một số tiền lớn lao như thế và đối xử tử tế như anh vậy. Nhờ đó vợ tôi có số vốn buôn bán, cuộc sống đỡ hơn trước nhiều lắm. Thật sự bây giờ tôi không thể nào hình dung được hình ảnh của anh, hình như thời gian đã làm cho tôi quên mất. Nhưng việc làm của anh đã giúp cho tôi "một ấn tượng bức xúc" không bao giờ tôi quên được. Tôi rất mừng cho anh và gia đình anh đã thoát khỏi sự cùng cực đau khổ. Là nạn nhân của một chế độ bất nhân, tàn bạo và hận thù nhưng mọi người trên thế giới mở rộng vòng tay giúp đỡ. Chế độ đó tôi đã phục vụ cả cuộc đời tôi và hy sinh xương máu để bảo vệ. Cuối cùng tôi xin nói với anh rằng. Thuyết nhân quả của nhà Phật đã đánh tan bức tường vô thần trong đầu óc tôi. Bây giờ sự suy nghĩ của tôi vào giờ phút còn lại của cuộc đời hoàn toàn thay đổi hẳn. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào câu nói của nhà Phật “Gieo nhân nào hưởng qủa nấy”.
Tôi thành thật cảm ơn anh và sự tử tế của anh đã làm biến đổi con người tôi thành người tốt như hiện nay theo ý tôi nghĩ….

Christmas 2007
MX Mai Văn Tấn

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Cuộc Sống Tại Nhật

Cuộc sống ở Nhật bản

Nguyễn Đình Đăng

Rào trước:


Viết bài này, tôi không hề có ý định nói về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo. Vì thế nếu các ý kiến của tôi khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý vị bỏ quá.

Trước khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời gian tại châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều nước đã giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu ngạn ngữ tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga:

Ba năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga.
Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.

Theo tôi, cái “may mắn” lớn nhất của thần dân xứ Phù Tang có lẽ là nước Nhật đã thua trong Đại chiến thứ Hai. Về mặt tâm lý, thất bại đó khiến người Nhật cảm thấy nhục nhã, và quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên về mọi mặt để “rửa hận”. Thất bại đó cũng khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường hơn trong giao tiếp vì có lẽ họ không có “chiến thắng oanh liệt” nào để họ có thể “vênh váo” với thế giới, và quá khứ thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến không để lại gì để họ có thể trở thành “ăn mày dĩ vãng” [1]. Về chính trị, thất bại đó khiến nước Nhật ngay sau chiến tranh “bị” đặt dưới sự kiểm soát cuả Hoa kỳ. Từ đó Nhật bản được Hoa kỳ giúp đỡ về mọi mặt và trở thành đồng minh chặt chẽ của Hoa kỳ. Bản Hiến pháp của Nhật sau Đại chiến thứ Hai là do người Mỹ viết năm 1946 [2]. Đó là một bản hiến pháp hết sức dân chủ. Người Nhật, từ ông thủ tướng (và gia đình, họ hàng ông ta) đến cậu học sinh tiểu học, tất cả đều rất tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng Hiến pháp. Đó là điều mấu chốt đưa đến những ưu điểm dưới đây.

1) Cuộc sống ở Nhật rất an toàn
Hồi còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như vậy. Nhật bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây nếu đi tàu mà bạn vô tình quên túi (trong đó có thể có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v.) trên tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến nó cả. Một lần chúng tôi đi tàu ra sân bay. Sau khi chúng tôi lên tàu rồi, trong lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay dơ cao một cái túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của ai đây?”. Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế phòng đợi tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một lần khác, vợ tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa khóa nhà, v.v. Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví và mang đến trả tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh rơi ví trong đó có thẻ học sinh và chìa khoá vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ cháu đánh rơi đã được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa chỉ người gửi. Năm 1999 chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại viện nghiên cứu vật lý hóa học Nhật bản (gọi tắt là viện RIKEN) – nơi tôi làm việc từ 1995 tới nay. Một nhà vật lý Italia đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ chiếu của mình. Anh ta hết sức hốt hoảng vì chỉ sau hai ngày anh ta sẽ phải bay về nước. Chúng tôi nói anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại sứ quán Italia, rồi ngồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau, Đại sứ quán Italia gọi điện nói có người đã nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến Đại sứ quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ chiếu. Anh ta thốt lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước đúng như lịch trình.

Mặc dù đôi khi đọc báo hay xem TV tôi cũng thấy tin nói về các vụ kẻ trộm đột nhập nhà ở, kẻ cướp cướp nhà băng, kẻ cắp móc túi người say rượu trên các chuyến tàu vắng khách về khuya, nhưng tôi chưa hề bị hoặc chứng kiến bất cứ một vụ ăn cắp vặt nào ở nơi công cộng tại Nhật, kể cả trên những chuyến tàu chật cứng người vào giờ đi làm sáng sớm. Mới đến Nhật người ta có thể lấy làm lạ là mọi người ra đường để đồ đạc của mình rất hớ hênh: ví tiền bỏ túi sau không cài, nhô cả ra ngoài, điện thoại di động nhét túi sau với cả một đám dây trang trí như mời gọi kẻ móc túi, vào tiệm ăn thì vứt túi lên ghế rồi bỏ đấy đi nhà vệ sinh, mà không hề sợ là túi sẽ “bốc hơi” lúc mình vắng mặt. Sau khi đã sống ở Nhật một thời gian, người ta hiểu rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với những “sơ ý” đó, vì xã hội ở đây rất an toàn. Hầu như không có ai động đến sở hữu của người khác. Đi chơi ban đêm mà bị trấn lột là chuyện khó xảy ra ở Tokyo.

Người Nhật không ồn ào, không nói chuyện oang oang hoặc gọi nhau í ới ngoài phố, và tất nhiên là tôn trọng luật đi đường. Nếu họ chẳng may đụng phải nhau, thì cả hai cùng cúi xuống xin lỗi nhau với một thái độ thực sự thành khẩn. Xe cộ rất nhiều nhưng hầu như không nghe thấy tiếng còi xe hơi. Nếu xe hơi hay xe máy quệt phải nhau thi họ cũng từ tốn giàn xếp hoặc chờ cảnh sát tới. Tôi có lần chứng kiến một xe hơi đi từ hẻm ra đường lớn, chẳng may đụng phải một thanh niên đang phóng xe máy phân khối lớn. May thay anh ta không việc gì, vì nhảy vọt được ra khỏi xe, như trong phim Holywood vậy. Chỉ có xe máy là bẹp. Người lái xe hơi chắc chắn là sai.. Ngay cả khi đó, anh thanh niên, trông rất “ngầu”, cũng không hề to tiếng. Cả hai bên để nguyên hiện trường chờ cảnh sát tới giải quyết.

2) Quan chức hành chính và cảnh sát thực sự là các đầy tớ của nhân dân
Điều 15 trong Hiến pháp của Nhật quy định “tất cả các quan chức và nhân viên hành chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng” [2]. Bộ máy hành chính của Nhật cũng khá cồng kềnh, và mọi việc giấy tờ không phải khi nào cũng nhanh. Tuy nhiên, những quan chức và nhân viên hành chính bao giờ cũng cố gắng giải quyết công việc một cách tốt nhất cho dân, với một thái độ rất lịch sự, niềm nở, kể cả khi “dân” là một cậu bé kém họ hai ba chục tuổi. Nếu không giải quyết được ngay ngày hôm đó, thì họ bao giờ cũng hẹn chính xác ngày có kết quả, và không bao giờ sai hẹn. Họ hiểu rất rõ là họ làm việc để phục vụ nhân dân. Lương của họ là do dân đóng thuế mà có. Bất cứ người dân nào cũng có thể phát đơn kiện nếu họ phục vụ kém, và họ sẽ bị thải hồi ngay. Bất lịch sự, cửa quyền, sai hẹn, chứ chưa nói “ăn hối lộ”, là điều xa lạ đối với hệ thống hành chính cơ sở ở đây. Không bao giờ có hiện tượng nhân viên hành chính lại dám “lên lớp” cho người dân.

Con trai tôi có lần thốt lên: “Công an ở Nhật hiền thật, bố nhỉ!”. Đấy là sau cái lần cháu đi chơi đánh mất chìa khoá xe đạp. Vì lúc đó đã muộn, các hiệu chữa xe đạp đã nghỉ, nên cháu phải bê xe đến đồn cảnh sát gần đấy cầu cứu các chú cảnh sát. Họ phải dùng kìm cộng lực cắt khóa để cháu đạp xe về nhà. Nói chung, tôi chưa gặp trường hợp nào cảnh sát giao thông chặn người xét hỏi vô cớ giữa đường, huống hồ là hành hung người dân. Họ luôn từ tốn, lịch sự chỉ đường kỹ càng khi được hỏi, vì các đồn cảnh sát thông thường là nơi người đi đường vào hỏi đường. Họ có đầy đủ bản đồ chi tiết của khu vực họ. Chuyện cảnh sát tìm cách chặn xe để phạt tiền là chuyện không có ở Nhật. Người lái xe bị phạt nếu họ thật sự phạm luật, gây tai nạn, v.v. Cảnh sát Nhật không được phép dùng vũ khí nóng (như súng) để uy hiếp dân chúng. Trong những cuộc dẹp rối loạn trật tự công cộng, họ chỉ được dùng quá lắm là gậy bằng gỗ.

3) Khách hàng thực sự là vua
Ở Nhật người bán hàng hết sức lễ phép và thực sự chiều chuộng khách hàng, cho dù khách hàng chỉ xem, không mua gì, hoặc giá trị của thứ mua chỉ vài trăm yên (vài USD). Không bao giờ người bán hàng nhận xét, bình phẩm về sự lựa chọn của khách hàng. Sau khi khách hàng mua, trả tiền xong, họ đều gói ghém hết sức cẩn thận trước khi trao hàng cho khách, sau đó chắp hai tay trước bụng cúi chào cung kính, mắt nhìn xuống. Nếu những người bán hàng đó đi mua hàng (đi chợ chẳng hạn), họ cũng là khách hàng như bạn và cũng được những người bán hàng khác phục vụ tử tế như vậy.

Ít lâu sau khi tôi vừa đến Nhật, một lần tôi ghé hiệu Yamano Music - một hiệu bán nhạc cụ nổi tiếng ở khu Ginza – Tokyo. Tại hiệu này có bán các đàn đại dương cầm Yamaha, Steinway, Bechstein giá hàng trăm ngàn US dollars. Nhưng thứ mà tôi mua chỉ là một miếng dạ đỏ để phủ phím đàn piano. Giá miếng dạ đó là 600 yen (khoảng 6 USD). Tôi gọi người bán hàng. Ông ta dạ ran chạy đến. Tôi lại không có tiền lẻ, nên tôi đưa ông ta 10,000 yen (khoảng 100 USD).. Ông ta cúi người, hai tay đỡ lấy tờ tiền, nói: “Xin quý khách đợi cho một lát”, sau đó chạy nhanh vào phía trong. Một khoảnh khắc sau, ông ta quay lại, hai tay cầm một cái đĩa sứ nhỏ trên để miếng dạ đã được gói cẩn thận, hóa đơn thanh toán, tiền thừa. Rồi ông ta lại cung kính cúi mình hai tay nâng cái đĩa lên ngang mặt để tôi dễ lấy. Sau đó, ông ta lại cúi rạp xuống một lần nữa, miệng nói to: “Xin cảm tạ quý khách!”

Rất ấn tượng về điều này, tôi kể chuyện đó với một giáo sư Nhật. Ông ta nói: “Đấy là tiêu chuẩn phục vụ thông thường ở đây, nhất là tại các cửa hàng nổi tiếng như Yamano Music. Anh trả tiền và anh có quyền được hưởng sự phục vụ tốt nhất”. Sau này tôi thấy đó là trình độ phục vụ rất chuyên nghiệp của xã hội Nhật bản, vượt xa tất cả các nước khác mà tôi đã đến (là Việt Nam quê hương tôi, Trung Hoa, Nga Xô, Ấn độ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Hy lạp, Tây Ban Nha, và Hoa kỳ).

Miếng dạ là thứ nhỏ. Bây giờ tôi kể đến thứ to hơn một chút. Cách đây vài năm tôi mua một cái đàn đại dương cầm (grand piano) ghép kỹ thuật số gọi là GranTouch cuả hãng Yamaha, giá ngót nghét 6,000 USD (kể cả ghế ngồi). Sau khi đàn được vận chuyển đến nhà, tôi chơi vài hôm và phát hiện ra một trục trặc nhỏ là khi chơi một hợp âm nhiều nốt, độ vang của một hai nốt thỉnh thoảng bị cắt sớm hơn các nốt khác. Tôi gọi điện phàn nàn với cửa hàng. Sau vài hôm, hãng Yamaha cử chuyên gia tới nhà tôi dùng máy để kiểm tra, vì hiện tượng này rất khó phát hiện, và không phải lúc nào cũng xảy ra. Sau khi xác nhận là có trục trặc thật, họ vận chuyển một cái đàn khác, cũng mới tinh đến, để cạnh cái đàn kia để tôi chơi cả hai để so sánh. Sau một hồi đắn đo, tôi đã chọn cái đàn họ mới mang đến. Họ lại vui vẻ đem cái đàn kia đi. Mỗi lần vận chuyển như vậy xe cần trục phải trục cả cái đàn to tướng lơ lửng qua bao-lơn nhà (balcony). Một tốp gồm ba người đàn ông lực lưỡng, và một chuyên gia kỹ thuật cùng làm việc. Tôi không phải trả thêm bất cứ một yen nào. Thấy họ lao động vất vả, tôi mời họ uống nước giải khát.. Họ lễ phép từ chối với lý do là họ đang làm công vụ.

Vợ tôi luôn cảm kích mỗi khi nhớ lại lần phải nằm bệnh viện nhà nuớc (công) ở Nhật. Tất cả mọi người - từ bác sỹ, y tá, hộ lý, đến nhân viên phục vụ, quét dọn - đều rất lịch sự, dịu dàng, quan tâm chăm sóc như thể cả bệnh viện chỉ có mỗi một mình vợ tôi là bệnh nhân vậy, khiến vợ tôi nói: “Mình thật sự cảm thấy mình là một con người với ý nghĩa đầy đủ của nó.” Máy móc ở bệnh viện đều rất tối tân. Phần lớn các bác sỹ nói được tiếng Anh. Một số bác sỹ trẻ nói tiếng Anh giỏi. Mấy người bạn Việt Nam khác ở đây, từng vào bệnh viện Nhật, cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Đến khi vợ tôi kể chuyện này với một người bạn Nhật, bà này chẳng tỏ vẻ gì là ngạc nhiên cả. Bà ta cho điều đó là tất nhiên.
Bà ta bảo: “Người bệnh là người ốm yếu, đầy lo lắng ưu tư, nên bác sỹ, y tá phải có nhiệm vụ làm dịu đi sự băn khoăn đó”. Nghe nói bệnh viện tư nhân phục vụ còn tốt hơn thế.

Chuyện phục vụ tốt trên mặt đất ở Nhật kể không hết. Phục vụ trên trời cũng “siêu” không kém. Ai đã bay Japan Air Lines (JAL) có thể dễ dàng nhận thấy điều đó. Các cô chiêu đãi viên của Nhật bao giờ cũng hết sức nhã nhặn, lịch sự, nói như rót mật vào tai. Có lần tôi đang ngồi trên một chuyến bay của JAL từ Tokyo sang châu Âu, thì một con muỗi từ đâu đó xuất hiện vo ve trước mặt tôi. Tôi đành vỗ hai bàn tay đập chết con muỗi. Ngay lúc đó một cô chiêu đãi viên xinh đẹp tình cờ đi ngang qua nhìn thấy. Cô ta lập tức cúi xuống, miệng mỉm cười, bàn tay trắng muốt xòe ra để … đỡ lấy cái xác con muỗi đem vứt đi.

4) Không ai xâm phạm quyền tự do biểu hiện
Điều 21 trong Hiến pháp cuả Nhật [2] đảm bảo hoàn toàn không có bất cứ một sự kiểm duyệt nào đối với quyền tự do biểu hiện của mỗi người dân. Vì vậy, ở Nhật không có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc ngăn cấm bạn triển lãm hoặc in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết hoặc vẽ ra trong tác phẩm của bạn. Nếu có tranh chấp liên quan xảy ra, thì cả hai phía: phía muốn kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng trước pháp luật, tức là đều có quyền mời luật sư và giải quyết tranh chấp tại tòa án (Như vụ con gái một chính khách kiện một nhà xuất bản đã đăng vụ ly dị của cô ta lên báo gần đây). Tiêu chuẩn duy nhất để một bức tranh được treo tại triển lãm tập thể của một hội mỹ thuật nào đó, tại một địa điểm công cộng nào đó như bảo tàng mỹ thuật, gallery, v.v. là nghệ thuật thuần tuý, và chỉ có nghệ thuật mà thôi. Tranh đẹp thì được treo. Tranh xấu (hoặc không đẹp bằng) thì bị loại. Tất nhiên đẹp hay xấu còn tuỳ thuộc vào thẩm mỹ của hội đồng nghệ thuật. Vì thế để giảm tối thiểu sự thiên vị của một vài “ủy viên hội đồng nghệ thuật”, các hội mỹ thuật ở Nhật thường mời tất cả các hội viên (vài trăm người) cùng họp để chọn tranh, bằng cách dơ tay biểu quyết. Tranh nào được nhiều hội viên chọn thì được treo.

5) Hệ thống văn hoá giáo dục và các viện nghiên cứu Nhật bản là nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao nhất thế giới, tới 99% dân số. Người Nhật kể cả tầng lớp lao động ít học cũng hành xử rất có văn hóa. Mọi người nói năng rất lịch sự. Không thấy ai nói tục chửi bậy ở nơi công cộng. Trên các phương tiện giao thông công cộng, ngoài phố, rất khó phân biệt người giàu người nghèo, vì ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như nhau, tuy là không ai giống ai. Những người làm cho các công ty thường mặc “com-lê” đeo “cà-vạt”. Giới trẻ ăn mặc hiện đại, lố lăng hơn, nhưng không hề có ai dám tỏ ý phê bình, chê bai, chứ chưa nói là cấm đoán, dù là với bất cứ lý do gì kể cả “thuần phong mỹ tục”. Ai cũng hiểu đó là quyền tự do cá nhân được hiến pháp tôn trọng tuyệt đối. Một số ít trường không cho phép học sinh trung học nhuộm tóc. Nhiều trường khác không hề ngăn cấm. Có lần một thày giáo bị bố mẹ một học sinh kiện vì đã bắt con của họ gội sạch mái tóc nhuộm, vì như vậy là vi phạm tự do thân thể của học sinh. Trừ một số người “vô gia cư” (homeless) sống thường trực tại công viên Ueno ở trung tâm Tokyo, ngoài phố hầu như không gặp người rách rưới hoặc người ăn xin. Trong quan hệ giao tiếp, người Nhật thường rất nhún nhường, ít khi nói về mình, về gia đình con cái mình. Đặc biệt họ không bao giờ khoe khoang, nhất là khoe giàu, khoe giỏi hơn người khác, vì họ tránh hết sức lòng ghen tị [3]. Họ đánh giá cao tình hữu nghị lâu dài. Sau khi họ đã tin tưởng bạn, họ giúp đỡ bạn vô điều kiện.

Nói chung học sinh Nhật rất tôn trọng thầy cô giáo và các học sinh lớp trên. Hệ thống tiểu học của Nhật khá nhẹ nhàng, học như chơi. Lên trung học thì bắt đầu căng hơn vì phải học để thi vào các trường cao học (cấp 3) tốt thì mới có cơ may thi được vào các trường đại học tốt. Tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng (như ĐHTH Tokyo, ĐHTH Waseda, v.v.) thì khả năng tìm được việc làm ở các công ty tốt sẽ lớn hơn. Vì thế học sinh Nhật cũng “học thêm” ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Nhưng những thầy dạy ở các trung tâm “học thêm” đó tuyệt đối không được dạy tại các trường học chính quy. Hoàn toàn không có việc một thầy (cô) giáo sáng dạy chính khóa, chiều lại dạy “thêm” cho chính học sinh lớp mình. Giáo giới được xã hội rất tôn trọng, và được trả lương khá cao, tăng lương định kỳ, và được tiền thưởng hàng năm bằng 5 tháng lương. Lương một giáo viên độc thân 23 – 24 tuổi mới vào nghề là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5.5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm, tương đương lương phó giáo sư đại học (không quá 35 tuổi) khoảng 5 triệu yên (45 ngàn USD) mỗi năm [4].

Sách vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp học thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như TV, video, v.v. Đặc biệt các môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham gia hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau (âm nhạc, hội họa, thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, badminton, bơi, judo, karate, aikido, kiếm thuật, bắn cung, v.v.). Tất cả đều được trang bị rất chuyên nghiệp và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên nghiệp”, ít nhất là về trang bị dụng cụ.).

Khá nhiều trẻ con Nhật được bố mẹ cho học nhạc, tuy không phải tất cả theo được đến cùng. Nhiều gia đình có đàn piano đứng (upright piano), thậm chí đàn grand piano (đại dương cầm). Hãng Yamaha có một mạng lưới dạy âm nhạc trên toàn nước Nhật. Các cô giáo đều tốt nghiệp đại học âm nhạc, tài nghệ cao, trình độ sư phạm rất giỏi, và không bao giờ quát mắng học trò. Một cô giáo piano, khi giảng cho học sinh phải chơi không rung cổ tay, đã để một cục tẩy lên cổ tay mình rồi chạy ngón mà cục tẩy vẫn nằm trên cổ tay cô, không rơi xuống đất (!) Học sinh học piano đến giờ lên lớp bao giờ cũng được chơi đại dương cầm Yamaha. Nhiều người khi vào đại học đã học 10 -12 năm piano, sau đó lại tiếp tục học thêm, tuy không trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vì thế trình độ âm nhạc nghiệp dư của người Nhật khá cao. Các kinh điển của các nhà soạn nhạc cổ điển như Bach, Mozart, Beethoven, Mendelssohn, Chopin, Listz, các nhạc sỹ nghiệp dư này đều chơi như “cháo” cả. Ở Tokyo có nhiều phòng hoà nhạc cho các nhạc sỹ nghiệp dư biểu diễn không mất tiền, hoặc phải trả rất ít tiền, nhưng nhạc cụ bao giờ cũng là hạng đầu bảng như Steinway hoặc Yamaha concert grand piano. Tất nhiên, không phải xin phép bất cứ một cơ quan văn hoá nào để trình diễn ca nhạc. Mọi việc đều do ca sỹ, nhạc công và chủ phòng hòa nhạc quyết định.

Các viện nghiên cứu quốc gia lớn của Nhật thường giầu có hơn các trường đại học. Ví dụ là viện RIKEN đã nói ở trên. Đây là một viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Viện này có khoảng 5,500 người làm việc, trong đó chỉ có khoảng 700 nhân viên hành chính phục vụ các nhà nghiên cứu. Viện có 5 cơ sở đóng tại Wako (ngoại ô Tokyo), Tsukuba, Harima, Yokohama, và Kobe. Kinh phí nghiên cứu của viện hàng năm, chủ yếu do Nhà nước cấp, vào khoảng 80 – 85 tỷ yên (ngót ngét 800 triệu USD), tức là trung bình chi phí cho mỗi đầu người làm việc tại RIKEN là khoảng 150 ngàn USD mỗi năm [5].

Khối cán bộ hành chính của RIKEN làm việc đúng như “các đầy tớ của các nhà khoa học”. Ở đây không hề có chuyện phòng “Tổ chức cán bộ” hay vụ “Hợp tác quốc tế” “tác oai” các cán bộ nghiên cứu. Các nữ thư ký đều hiểu rất rõ vị trí và chức năng của mình. Một số người trong số họ cũng đã từng tu nghiệp ở Anh, Hoa Kỳ, nói tiếng Anh như người Anh người Mỹ. Họ luôn luôn niềm nở, rất lịch sự, khiêm tốn, và rất thành thạo trong công việc của mình. Mỗi lần tôi đi công tác nước ngoài (dự hội nghị quốc tế, hợp tác nghiên cứu), bất kể đó là Hoa kỳ, châu Âu, Trung quốc, hay Việt Nam v.v., tôi chỉ phải làm hai động tác. Đầu tiên là thông báo cho giám đốc của laboratory của tôi. Sau khi giám đốc đồng ý (thường là bằng miệng), tôi phải điền vào một trang A4 in sẵn hành trình, thời gian công tác của tôi, kèm theo một dự báo giá vé máy bay của hãng du lịch. Tất cả mọi việc còn lại là công việc của cô thư ký và bộ phận tài chính của viện. Họ sẽ tính tiền công tác phí chi cho tôi (gồm chi phí ăn, ở, đi lại) cộng với tiền vé máy bay. Sau đó toàn bộ số tiền đó sẽ được viện tự động chuyển tới tài khoản cá nhân của tôi tại ngân hàng, trước khi tôi đi công tác. Sau khi đi công tác về, nếu có những khoản chi tiêu khác liên quan tới công việc, viện sẽ thanh toán nốt theo biên lai. Trong 9 năm trời làm việc ở RIKEN tôi chưa bao giờ thấy họ chậm trễ trong việc chi trả đó. RIKEN quan niệm rằng việc một cán bộ khoa học của RIKEN được mời dự hội nghị quốc tế, hoặc hợp tác quốc tế, là một cơ hội để phát triển khoa học nói chung, đồng thời đem lại lợi ích, danh giá cho RIKEN nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Quà cáp biếu xén sau khi đi công tác về là điều “bất ngờ”, không chờ đợi, và không phải thông lệ ở đây, ngoại trừ đó là ý thích của cá nhân người đi công tác. Và cũng không phải vì thế mà người đó được đối xử tốt hơn hoặc tồi hơn so với người khác.

Đón sau:

Một xã hội cho dù có văn minh đến đâu cũng có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Bài này chỉ liệt kê một số mặt tốt của xã hội Nhật bản.

Một anh bạn Việt Nam mới sang Nhật cùng vợ và con trai học lớp 1. Tôi hỏi cháu: “Cháu thấy trường Nhật khác với trường Việt Nam thế nào?” Cháu trả lời: “Ở trường Nhật cháu cảm thấy được nói năng tự do thoải mái.” Tôi nhớ lại câu chuyện không lấy gì làm vui của chính con trai mình. Cháu nói với tôi là cháu đã nói dối lần đầu tiên khi cháu học lớp 1 ở Hà Nội. Hôm đó cô giáo quát: “Ai quên mang lọ mực để tay lên bàn”. Các bạn để tay lên bàn đều lãnh một vụt thước kẻ của cô vào tay rất đau. Con tôi cũng quên mực, nhưng không muốn ăn vụt, nên cháu đã nói dối: “Thưa cô, sáng nay lúc em chuẩn bị lọ mực đi học, mẹ em đã đánh đổ mất!”. Cháu được cô tha. Dạy dỗ dựa trên sự sợ hãi không cảm hóa được con người mà chỉ làm con người trở nên dối trá, thủ đoạn.

Không thể xây dựng một xã hội tự do, văn minh, hạnh phúc dựa trên sự sợ hãi của người dân. Có lẽ người Nhật hiểu rất rõ điều đó khi xây dựng xã hội của họ.


Tokyo, 12 tháng 8 năm 2004

(thêm trích dẫn [3] ngày 17/8/2004)


Trích dẫn:

[1] Theo tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai

[2] Xem “The Consitution of Japan” tại http://www.shugiin. go.jp/itdb_ english.nsf/ html/kenpou/ english/constitu tion.htm

[3] Nước Nhật có khoảng 127 triệu dân. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 27 ngàn USD. Theo tác giả Tomoko Otake (Japan Times, 17/8/2004), số triệu phú tiền USD ở Nhật là 1 triệu 312 ngàn người, chiếm 1% dân số. Phần lớn các nhà triệu phú Nhật nằm trong năm loại người: các nhà kinh doanh, các nhà chuyên môn (như bác sỹ, luật sư, lực sỹ,…), các giám đốc công ty, những người thừa kế gia tài, và các văn nghệ sỹ (như các nhạc sỹ và các nhà văn). Các nhà triệu phú Nhật chi tiêu ít hơn nhiều so với thu nhập của họ. Phần lớn họ sống rất giản dị và tiết kiệm.

[4] Theo Japanese Education System – The Teaching Profession tại http://members. tripod.com/ h_javora/ jed4.htm

[5] Theo RIKEN: Personel/Budget tại http://www.riken. jp/engn/r- world/riken/ personnel/

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI


Làm sao tin

ĐỨC CHÚA GIÊSU

đã thật sự sống lại?



Nếu Đức Giêsu sống lại, Ngài đich thực là Con Thiên Chúa

Đưc Kitô chêt nhưng đã sống lại. Đó là niềm tin căn bản của người Kitô hữu. Vì nếu Đưc Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ich. (1Cr15,14). Nói cach khac, cho dù có Đưc Kitô, nhưng nếu Ngài không sống lại, thì sẽ không có Kitô giáo, vì người ta không có bằng chứng cụ thể và chăc chắn rằng Ngài là Con Thiên Chúa.

Nhưng nếu đich thực Ngài đã sống lại từ trong kẻ chêt đúng như Ngài đã tuyên báo nhiều lần thì chúng ta phải kêt luận rằng những điều Ngài nói về thần tính của Ngài là xac thật. Vì nếu Ngài chỉ là thường nhân, và những điều Ngài xac nhận về thần tính của Ngài chỉ là bịp bợm, thì chăc chắn Thiên Chúa không bao giờ cho Ngài sống lại, vì Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người thì Người nhậm lời kẻ ấy.

1.Chứng tá của cac tông đồ

Cac tông đồ là những ngưòi đã sống đồng thời với Đưc Kitô, bên cạnh Đưc Kitô. Cac ông đã làm chứng suôt cuộc đời rằng Đưc Kitô đã chêt, nhưng ba ngày sau đã sống lại và đã hiện ra với cac ông. Cac ông đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chêt vì lời chứng đó. Không ai ngu dại đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả đời mình để rao giảng, lại nhât là sẵn sàng lấy đau khổ và cái chêt của mình để làm chứng cho một người nói dối hay nói sai: vì Đưc Kitô đã tiên báo khá lâu rằng Ngài chêt 3 ngày sẽ sống lại. Nếu Ngài không sống như Ngài đã nói trươc thì khó có thể nghĩ rằng những kẻ vốn nhat đảm như cac tông đồ, lại có thể can đảm mạnh dạn rao giảng về Ngài và coi việc chêt vì Ngài là một vinh dự. Hãy nghĩ lại sự hèn nhat của cac tông đồ khi Ngài bị băt: cac ông đã trốn sạch, thậm chí đã chối Thầy, mặc dù trươc đó đã thề thôt nặng lời rằng sẽ không bao giờ bỏ Thầy. Tim Mừng thuật lại:
Phêrô nói: “Dầu có phải chêt với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Tât cả môn đệ khac đều nói như vậy. (Mt 26,35) Sự hèn nhat đó có nguyên nhân của nó, vì cac ông tuy đã tin Đưc Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia vì nhiều dấu chỉ và chứng cớ khá rõ, nhưng chưa xac tín, vì chưa có chứng cớ nào đủ mạnh. Chỉ có sự sống lại đich thực của Đưc Giêsu mới có thể giải thich việc cac ông trở nên can đảm một cach nhanh chóng như thế.

2.Cac tông đồ có thể ngụy tạo việc Chúa sống lại chăng?

Việc cac tông đồ ngụy tạo qủa là khó tin. Cac ông đều là những ngư dân dôt nat, nhat đảm, lẽ nào lại qua mặt được cac kinh sư, luật sĩ, là những người trí thưc và khôn ngoan. Việc tạo ra một huyền thoại hêt sưc khó tin nhưng lại được vô số người tin như thế, mà cho tới nay, người ta vẫn chưa thể chứng minh là phi lý, không phải chuyện đơn giản mà những người dôt nat như cac tông đồ có thể làm được. Vả lại nếu đó là huyền thoại thì việc tạo ra huyển thoại này đã hoàn tât trong thời gian kỷ luật chưa đầy 10 năm. Đang khi đó, trong lịch sử cac tôn giáo, mọi huyền thoại đều phải thành hình trong thời gian lâu hơn rât nhiều. Với những con người đơn sơ chât phac, tạo ra một huyền thoại hêt sưc thông minh, để rồi sẵn sàng chêt vì huyền thoại ấy, là điều hêt sưc khó châp nhận.

3.Lính canh mồ

Vì việc Đưc Kitô tuyên bố Ngài sẽ sống lại tới tai những người chủ mưu giêt Ngài, nên họ đã đề phòng cac môn đệ Ngài đến đánh căp xac của Ngài. Vì thế họ đã xin Philatô cho lính đến mộ để canh gac. (Mt27:62-66). Và sau khi Đưc Giêsu sống lại, cac thượng tế đã bảo họ: Cac anh hãy nói thế này: ban đêm đang luc chúng tôi ngủ, cac môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xêp với quan và lo cho cac anh được vô sự.(Mt28:13-15)

Chuyện phao tin cac tông đồ đến đánh căp xac Đưc Giêsu thật phi lý. Khi Ngài bị băt mà cac ông đã sợ hãi trốn mât, thậm chí khi nghe cac phụ nữ báo tin Ngài đã sống lại, cac ông vẫn còn sợ hãi đến độ, vào buổi chiều ở trong nhà mà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (Ga 20:18-19) Nhat như thế thì có gan đâu ăn trộm xac Ngài, khi có lính canh với độ cảnh giac rât cao (vì đã được báo trươc đề đề phòng)

Vả lại kỷ luật quân đội Đế quôc Rôma rât nghiêm khăc, canh phòng không kỷ lưỡng hoặc ăn hối lộ để xổng mât người phải canh giữ thì chỉ có nươc bị tử hình. Ở đây họ phao tin như thế mà vẫn vô sự nhờ sự can thiệp đặc biệt của cac tư tế với Philatô

(Mt28:13-15)

4.Mồ trống và khăn liệm để lại

Sự kiện mồ trống chứng tỏ xac Đưc Kitô không còn ở đó. Có hai lý do mà những người muốn bac bỏ việc Ngài sống lại đã giả thuyêt ra để giải thich:
-một là do có người đem đi.

-hai là do một trận động đât nào đó nuôt xac Ngài.

Nếu hai lý do đó không vững thì chỉ có thể là lý do thứ ba: Ngài đã thật sự sống lại. Sự kiện khăn liệm Ngài còn để lại đã bac bỏ hai giả thuyêt đầu. Gioan đến trươc, nhìn vào trong mồ và thấy những băng vải còn ở đó. (Ga 20:5) Simon đến sau, cũng nhìn vào trong mộ và cũng thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đưc Giêsu. Khăn này không để lẫn với cac băng vải, nhưng cuộn lại xêp riêng ra một nơi (Ga 20:38)

Khăn liệm này hiện còn lưu lại đến ngày nay. Và kêt qủa của những nghiên cứu khoa học về khăn liệm này rât ăn khơp với cac sach Tin Mừng.

-Nếu có ai đó đem xac Ngài đi thì chăc chắn trong hoàn cảnh lén lut và gâp rut, người ấy sẽ đem cả khăn liệm Ngài đi. Thật không thể hiểu được trong hoàn cảnh như thế mà người ta lại thay khăn liệm để đem thân xac trần trụi của Ngài đi, và nhât là có đủ thì giờ cuốn lại, xêp lại và để riêng khăn che đầu ra khỏi băng vải.

-Còn có trận động đât thì qủa là khó hiểu nếu đât nuôt thân xac Ngài mà lại chừa không nuốt khăn che đầu và băng vải quấn chung quanh.

Vậy, chỉ có thể kêt luận bằng lý do thứ ba là Ngài đã thật sự sống lại.

5.Sự thành thật và kín đáo của cac nhân chứng

Sự ngay thật của những người viêt Tin Mừng bộc lộ qua sự kín đáo khi nói về sự sống lại và cac cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh. Matthêu dành ra 2.4% Phuc Âm của mình, Luca 3.6%, Maccô 4.5%, và Gioan 6.1% . Việc Đưc Kitô sống lại là côt lõi của Tin Mừng mà cac tông đồ muốn loan báo, thế mà số trang dành cho biến cố này qúa it oi. Chính vì khi ngay thật người ta không thêm thăt vẽ vời.

Cac thánh sử không đả động gì đến thời điểm Đưc Kitô sống lại và cach Ngài ra khỏi mồ, đơn giản vì cac ông không được chứng kiến. Cac bài tường thuật hêt sưc đơn giản, không mở đầu bằng một tuyên bố ầm ỹ về biến cố xảy ra.

Nếu là ngụy tạo, không ai lại để cho người làm chứng đầu tiên là một phụ nữ như Maria Mađalêna. Thời đó, chứng từ của một phụ nữ dường như không có giá trị, nhât là khi phụ nữ đó đã từng là gái điếm, đến nỗi phụ nữ không được gọi là làm chứng nhân trươc toà án. Và nếu là ngụy tạo, có lẽ số lần Đưc Giêsu hiện ra với cac tông đồ sẽ nhiều hơn để gây niềm tin. Nhưng cac thánh sử chỉ thuật lại có 5 lần Ngài hiện ra trong một thời gian dài tới 40 ngày từ luc sống lại tới ngày lên trời.

Kêt luận

Với những lý chứng như vậy, chúng ta có thể xac tín hơn về việc Đưc Giêsu đã thật sự sống lại. Ngoài ra còn có cac chứng từ của vô số cac Kitô hữu suôt dòng lịch sử. Biêt bao Kitô hữu đã cảm nghiệm Đưc Giêsu đang thật sự sống động trong bản thân họ, ảnh hưởng mãnh liệt đến cuộc đời họ, khiến họ có thể xả thân, chịu khó, hy sinh, dám chấp nhận mọi đau khổ và cả cái chêt thê thảm và nhục nhã nhât để làm chứng về Ngài, về sự sống lại của Ngài.

Vậy chúng ta hãy củng cố niềm tin của chúng ta. Niềm tin thật sự về việc Ngài sống lại sẽ đem lại sưc mạnh cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại.

Nguyễn Chính Kêt