Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Tha La Xóm Đạo

trạng: Vui vẻ

Tha La Xóm Đạo

Đăng ngày: 23:05 05-04-2010
Thư mục: Tổng hợp

Ngày xưa, hồi còn đi chăn trâu ở Cái Sắn, lâu lâu tui cũng được nghe trộm qua cái la-dô tăng-sít-to của hàng xóm ca khúc Tha La xóm đạo. Bài hát nghe mùi rệu nhưng mà ai óan đau thương quá. Tui cũng nhiều lần cố công tìm hiểu xem xóm đạo Tha La nằm ở cái xó xỉnh nào trên bản đồ đất nước nhưng mà mỏi mắt hết hơi mà cũng chẳng thấy đâu. Mãi gần đây được đọc một bài viết của nhà văn Hai Quẹo bên xứ Úc diễn tả đến từng chi tiết địa danh và lịch sử Tha La xóm đạo nên rất lấy làm mừng rỡ mà xin được phép trình bầy dưới đây để bà con cô bác cùng thưởng lãm.

91220thala1.jpg

Cổng vào nhà thờ Tha La xóm đạo

Trước hết xin nói chút đỉnh về nhà văn Hai Quẹo. Tưởng cha nội nào xa lạ chứ ai dè lại là bạn cùng trường cùng lớp với tui. Ông anh này chậm chân nên ngay sau khi bọn răng đen mã tấu lê đôi dép cao su vào đất Bến Nghé thì tụi nó cũng không quên tặng cho cái còng số tám rồi lôi vào trại tù khổ sai gặm bo bo với muối hột đến gần mười năm. Ra tù, Hai Quẹo nhẩy lên cái thuyền rách nát trực chỉ Úc châu. Đến bến bờ tự do, Hai Quẹo làm nghề lái ô-tô-bít. Lúc qưởn qưởn ngồi viết lại những kỷ niệm ngày chăn trâu bắt dế ở xứ Trà Vinh. Đặc một giọng quê mùa nhưng đáng yêu quá chừng. Những gì Hai Quẹo viết về Tha La xóm đạo thì khỏi nói. Mang cân tiểu ly ra mà lường cũng không sai. Bởi vì anh có một thời gian đến ba năm là Phó Cối (Quận) ở một vùng đất mà Tha La xóm đạo chỉ là một cái xóm nhỏ trong lãnh địa trách nhiệm. Gần ba mươi năm sau mà Hai Quẹo còn nhớ đến cả tên ông trưởng ấp Tha La xóm đạo thì chắc hẳn tình cảm mặn mòi đong đếm sao cho được.

“Tha La không phải ở đâu như xa xôi như một số qúy vị lầm tưởng. Nó không có núi đồi, không có rừng già. Nó ở vùng đồng bằng, sát nách sông Vàm Cỏ Đông, là một thôn xóm bình thường và hết sức gần gũi, nằm trong địa phận quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn chưa tới 50 cây số về hướng Tây Bắc. Tha La xóm đạo là một họ đạo lớn nhứt và xưa nhứt của tỉnh Tây Ninh. Họ đạo này đã có cách đây hơn một thế kỷ rưỡi và hiện vẫn còn sinh họat và phát triển bình thường.”

Tha La xóm đạo được nhiều người biết đến vì bài thơ “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh. Bài thơ rất cảm động nhưng thật hùng tráng dài tới chin mươi hai câu:

Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt, cây lành.
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh,
Ngậm ngùi, Tha La bảo:
Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.
Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
Ai đưa đón?

Bài thơ này đã được phổ thành một ca khúc mang cùng tên rất thịnh hành vào những năm trước 1975.

1- Tha La ở đâu?

Tha la nguyên là vùng đất xưa của người Chân Lạp. Cho nên đó là cái tên Miên, gốc ở tiếng schla mà ra. Tiếng này có nghĩa là trạm, trại, nhà lồng (chợ), nhà mát. Ở những xóm Khmer người ta thường cất những nhà nghỉ chân bên đường, theo kiểu nhà sàn, họ gọi là schla. Schla Rienn có nghĩa là trường học. Kompong schla là bên nhà mát, tức nằm ven sông. Còn vùng Tha La nói đây ngày xưa là rừng rậm hoang vu, đã được quan quân và con dân chúa Nguyễn đến khai phá và định cư từ hơn 200 năm trước. Đất Tây Ninh cũng có nhiều chỗ cùng mang tên Tha La. Nhiều tỉnh như Châu đốc, Trà Vịnh, có đồng bào Khmer, cũng có nhiều địa danh Tha La nhưng không nổi tiếng như Tha La xóm đạo thuộc quận Trảng Bàng ở Tây Ninh.

Đường đến Tha La xóm đạo rất dễ đi. Từ Sài Gòn đi xe đến quận lỵ Trảng Bàng, sau khi dừng chân tại chợ Gia Hùynh thuởng thức món bánh canh Trảng Bàng độc đáo, đi bộ một lúc tới Ngã Ba Vựa Heo. Tới đây rẽ trái vô con đường đất đỏ, đi một hồi là nhìn thấy nhà thờ Tha La xóm đạo.

2- Xóm đạo Tha La

Ngày nay địa danh Tha La chỉ cò được giữ để gọi tên một xóm đạo không có trên bản đồ địa lý hay danh mục hành chánh. Tha La xóm đạo nằm trong địa phận ấp An Hội 1 và ấp An Hội 2, xã An Hòa thuộc quận Trảng Bàng. Nhà thờ của xóm đạo Tha La đã bị chiến tranh phá hủy nhiều lần không còn giữ được chút nguyên trạng. Hiện nay Tha La xóm đạo có chừng năm ngàn giáo dân, một số là những di dân từ miền Bắc.

Vào cuối thời Minh Mạng, một nhóm giáo dân được linh mục Cosimo Trí dìu dắt chạy sự ruồng bố của triều đình tới khu rừng Tha La khai quang lập ấp. Cha Trí đã thắp một ngọn nến giữa khu rừng âm u để nuôi dưỡng và bảo vệ đức tin cho giáo hữu. Nhờ công khai phá của ngài mà Tha La xóm đạo mới sầm uất và có một đời sống đạo đức như ngày nay. Nếu triều đình có lệ phong thần cho những người có công khai phá mở mang làng xóm thì Cha Trí cũng rất đáng được phong thành hòang bổn cảnh của dân chúng An Hòa.

Nhà văn Hai Quẹo đã tả cảnh khu thánh đường Tha La xóm đạo trước năm 1975 như sau:

“Đây là xóm đạo được tổ chức rất qui củ, nhà cửa khang trang ngăn nắp quây quần chung quanh ngôi thánh đường cũng trải qua những giai đọan thăng trầm theo dòng lịch sử của dân tộc. Nhà thờ luôn được trùng tu cho đến năm 1967 thì hòan thành. Chánh tòa nằm giữa tường gạch bao quanh, có sân rộng lát đá với trường học và nhiều cơ sở phụ thuộc. Nhà thờ đồ sộ uy nghi, hai mái ngói xỏai dài thấp xuống như đôi cánh của con gà mẹ xòe rộng, dang ra để úm bầy con. Tượng Đức Mẹ trước mặt tiền nhà thờ, bên hông có núi đá to lớn. Tháp chuông không cao vút nhưng lại giống như cái lồng cu vững chãi nằm trên bốn cột trụ to tròn. Tòan bộ khu nhà thờ với kiến trúc đơn giản không mang nặng nét cổ điển tây phương lại được bao bọc bằng những tàng cây cổ thụ nên có nét u nhàn Á đông, thanh tịnh như một ngôi chùa cổ”

Tha La xóm đạo thuộc xã An Hòa, quận Trảng Bàng. Tín hữu công giáo có đến hai mươi phần trăm và Tha La xóm đạo là địa điểm lễ hội không những của người “có đạo” mà của cả những người “ngọai đạo”. Ngày lễ Chúa Giáng Sinh thì người dân không kể lương giáo tụ tập nơi đây mừng lễ rất đông đảo náo nhiệt. “Đêm Giáng Sinh cả mấy ngàn người đi nườm nượp ngòai đường. Thật đông, xe cộ không lọt chỉ tòan người đi bộ. Không phải chỉ dân trong xã mà rất nhiều người ngọai đao từ ngòai chợ Gò Dầu và các xã chung quanh về đây xem lễ. Qủa là ngày vui chung của tòan dân vùng Trảng Bàng”.

Một xóm đạo cổ kính với nhiều huyền thọai là một chỗ dừng chân của khách du lịch và tín hữu công giáo. Ôi! Tha La xóm đạo.

Trương Phú Thứ

Không có nhận xét nào: