Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

Làng Thế Vận Olympic 2010




Mời xem 'Làng Thế Vận Olympic 2010' tại thành phố Vancouver với kỹ thuật Panorama 360o.
Xin bấm vào các ô tròn (hình chiếc camera) để biết tên các khu vực trong ảnh.
Bấm vào các mũi tên nơi góc phải bên dưới để di chuyển khu vực và góc độ to nhỏ muốn xem.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Con Chọn Chúa ..hay Tôi Chọn Chúa

Nhưng tiếc một điều là người ta thường chọn “Công Trình Của Chúa” chứ không chọn Chúa.

Tôi đọc kinh cho kẻ liệt, chăm sóc người ốm đau..tôi rất hãnh diện vì nhiều người đã nức nở khen ngợi công khó của tôi. Nhiều người còn cảm ơn tôi hết lòng bằng những lời nói trong rưng rưng nước mắt. Thật là thích thú biết bao..thích thú đến nỗi tôi sẵn sàng bỏ bê chồng con, mặc cho bố con nó ăn uống ra sao cũng được vì tôi đang lo tìm kiếm nước Trời!!!

Tôi “chọn công trình của Chúa” chứ “không chọn Chúa”.

Là ca trưởng, tôi phải luyện tập ca viên của mình hát thật hay. Hay hơn tất cả các ca đoàn khác trong giáo xứ. Hôm nào ca đòan hát thành công, tôi âm thầm lắng nghe xem người ta có khen ca đòan mình không.

Tôi “chọn công trình của Chúa” chứ “không chọn Chúa”.

Là thành viên trong hội đồng giáo xứ tôi gần như suốt ngày ở trong nhà xứ. Chúa ban cho tôi khá nhiều tài năng, nên tôi kiêm nhiệm mấy chức vị trong ban điều hành. Tôi như chiếc chong chóng.. chưa hòan thành công việc này đã phải quay sang việc kia..mà tòan là những việc quan trọng..Làm như thể không có tôi thì thiên hạ chết hết, chẳng ai biết đường nào mà lần. Bận rộn quá đến nỗi đôi khi chẳng thiết gì tới ăn uống.

Tôi “chọn công trình của Chúa” chứ “không chọn Chúa”.

Là huynh trưởng chóp bu của các hội đòan, cộng đòan..tôi lo lắng sao cho cộng đòan ổn định theo sự điều hành của tôi trong trật tự. Bảo sao nghe vậy, mọi người một ý một lòng theo tiêu chuẩn của tôi..Nếu cộng đòan lớn mạnh, tôi tạ ơn Chúa. Nếu tinh thần anh em yếu kém đi, ngày càng giảm số lượng thì tôi lại lừa bịp chính mình bẳng lập luận rất chi là hữu lý: chỉ cần chất chứ không cần lượng. Kiểu nào tôi cũng cho là tốt..cứ việc an tâm mà lo cho công trình của Chúa. Riêng bản thân tôi, suốt ngày lo cho cộng đoàn, nên chẳng còn giờ để nhớ mà sống với Ngài.

Tôi “chọn công trình của Chúa” chứ “không chọn Chúa”.

Là linh mục, tôi lo thực hiện các mục vụ của mình: Trong khi làm lễ, cầm Chúa trong tay nhưng cả ngày chẳng nhớ Chúa một vài giây, lấy tư cách gì để thực sự sống kết hiệp với Ngài!!! Việc quan trọng như vậy mà còn không thực hiện được thì những việc khác như giải tội, rửa tội, xức dầu..thì ăn thua gì!!!

Trên tòa giảng cũng vậy chỉ cần vài cú click chuột, đã có trong tay cả chục bài giảng trên mạng, chỉ cần xào nấu lại một chút là một linh mục có thể giảng lễ Chúa nhật một cách ngon lành..giảng những điều của người khác chứ không phải giảng những điều mình sống, những điều mình thực sự cảm nghiệm. Như thế là thợ giảng chứ không phải người loan báo Tin mừng..Chỉ vỉ bản thân linh mục có Tin Mừng gì đâu mà loan báo!!!

Tôi “chọn công trình của Chúa” chứ “không chọn Chúa”.

Một minh chứng hùng hồn mà có lẽ rất nhiều người biết đó là chính cố Hồng y mục Nguyễn Văn Thuận – khi còn là giám mục - đã chia sẻ trong “Năm chíếc bánh và hai con cá”. Trong lúc đang hăng say trong công trình Công giáo Tiến hành một cách rầm rồ với một tương lai ngày càng thành công rực rỡ. Đùng một cái, sau biến cố 1975, ngài bị bắt vào tù. Trong tù ngài mới chợt khám phá ra rằng suốt thời gian hăng say miệt mài trong công cuộc phát triển Công giáo tiến hành:

Ngài “chọn công trình của Chúa” chứ “không chọn Chúa”.

Vậy làm cách nào để chọn Chúa???

Dễ hơn cả ăn cháo. Đơn giản là khám phá ra gương mặt đích thực của mình.

Chúa sinh ra ta. Ta là con yêu dấu của Ngài. “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em” (Ga 16:27)

Chúa chọn ta từ trong lòng mẹ và sai ta làm ngôn sứ cho muôn dân. Chọn mọi người – không trừ ai.

Chúa trong ta, ta trong Chúa. “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14:20).

Vậy ngay từ hôm nay, ta gạt bỏ tư tưởng mình là yếu đuối, phàm hèn, tôi lỗi.

Đón nhận chức phận cao quý: là con yêu của Chúa.

Tập sống với kết hiệp nên một với Chúa hiện diện ngay trong lòng mình. Từ từ, chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa. Cuộc sống đạo của chúng ta dồi dào, bình an, hạnh phúc. Chính niềm vui này là động lực thôi thúc chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng mà chúng ta đang nếm hưởng ngay trong cuộc đời thường ngày giữa trăm ngàn chông gai rải rác trên đường.

Lúc đó chúng ta cũng xác tín rằng: chúng ta đã “chọn Chúa”. Bởi vì Chúa chính là nguồn hoan lạc của đời con. Lập tức tương quan Vua-tôi, Chủ-tớ được thay thế bằng tương quan yêu thương từ muôn thủa.

Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)

Người đã chọn ta. Ta ở đây hiểu theo nghĩa rất rộng – mọi người – Có như thế mới phù hợp với tình yêu vô biên của Chúa. Mà đã chọn hết, không loại trừ ai thì vấn đề Chúa chọn không còn chỉ dành riêng cho một số người nào.

Vấn đề cuối cùng liên quan tới từng người trong chúng ta.. chính là: Riêng tôi, tôi có chọn Chúa không?

Thực vậy, theo kinh nghiệm của chúng tôi, Tập sống với kết hiệp nên một với Chúa hiện diện ngay trong lòng mình là một trong những cách CHỌN CHÚA tuyệt vời nhất.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Cuộc Hành Trình Cuộc Đời Tôi

Linh mục Bửu Dưỡng, O.P.

Tác giả của bài viết này là Giáo sư Triết học của Viện Đại Học Sài Gòn, Việt nam. Ngài là hậu duệ của các Vua Triều Minh Mạng, Tự Đức. Dưới những triều đại này, Giáo Hội Công giáo đã bị cấm cách và sát hại gắt gao vào khoảng thế kỷ 19. Hiện tại, Ngài là một Linh mục Dòng Đaminh. Ngài là Phó Giám tỉnh của Dòng và là Chủ tịch của Tổ chức các Dòng tu tại Việt nam. Bài này được viết trong chuyến du hành sang Pháp trên tàu André Lebon vào năm 1935, bảy năm sau ngày Ngài Rửa tội theo Giáo Hội Công giáo và năm năm trước ngày Ngài được phong chức Linh mục. Ngài sang Pháp du học và lãnh nhận Thánh chức Linh mục.


Tôi rời Huế vào ngày 24 tháng 10 năm 1935. Nơi đầu tiên tôi sẽ đến là Nha Trang để thăm cha tôi hiện đang làm tỉnh trưởng tại đây.

Thường thường chuyến xe lửa khởi hành từ Hà nội đến rất đúng giờ, nhưng hôm nay không hiểu vì sao nó lại trễ mất một giờ đồng hồ. Tôi đã đến ga thật sớm và vì thế phải chờ đợi. Nhà ga vào buổi sáng gió rất mạnh. Cái lạnh thấm vào da thịt tôi và những người cùng đi tiễn chân tôi. Cho đến hôm nay, khi ngồi nhớ lại cái giây phút chia ly đó, tôi cầu xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai đã vì lòng bác ái bảo bọc, nâng đỡ cho những người hiến thân cho Chúa trên đường tu hành.

Tôi vẫn thường có những cuộc hành trình tương tự lúc còn nhỏ, khi tôi chưa ý thức được sự việc chung quanh và chưa lo lắng về đời sống vật chất. Hôm nay, trong chuyến đi này, với một sự thanh thản cố hữu, tôi sẽ vượt qua các đồng bằng, những con đường ngoằn nghèo dốc núi. Theo đuổi những vô tư không phải vì không biết lo lắng, nhưng là vì muốn thực hành những nhân đức trong đời sống con người. Tôi yêu đời và tôi muốn sống hết cho tình yêu này, nhưng giờ đây, cũng với tình yêu ấy, tôi muốn nó được hòa nhịp với chân lý cao vời.

Như thế, với cùng một tuyến đường, với cùng những quang cảnh quen thuộc, những núi non, những sông ngòi, cũng nói chuyện dông dài với những người bên cạnh, tôi vẫn là tôi, vẫn là con người cũ. Vẫn là con người cũ nhưng bên trong đã có thật nhiều thay đổi. Cảm nhận được niềm hạnh phúc đang dâng lên, nghĩ tới những hạnh phúc sẽ đến. Tôi hối tiếc quá, hai mươi năm trời của đời sống đã qua trong đời mình với những lầm lỗi, thiếu sót và vô tâm. Làm sao tôi có thể được sống lại một lần nữa những ngày tháng đó? Rồi tôi tự hỏi không biết những người trẻ khác có lầm lỗi, thiếu sót và vô tâm như thế không? Và sau một thời gian dài hoang phí tuổi trẻ liệu họ có được một tiếng gọi thần linh nào đánh động không?

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương đến con và tôi cầu nguyện cho những người khác.

Vô tình trong chuyến đi, tôi gặp S., anh là một người rất thông minh, đa năng, đa tài. Anh biết đánh đàn Tây-ban-cầm, anh biết đánh cờ, anh biết làm thơ và cả hội họa nữa (Một người có đủ tài Cầm, Kỳ, Thi, Họa). Anh cũng bỏ mất thời tuổi trẻ như thế. Tất cả những cố gắng trong suốt những năm học trường nhà Dòng với các Sư Huynh chỉ đưa đến một kết quả duy nhất là anh có được các cấp bằng cao hơn để tiến thân. Những khủng hoảng tinh thần đã xảy đến, nhưng niềm tin (hay niềm-không-tin) của anh đã không thay đổi, một niềm tin không có Chúa cũng chẳng có Phật.

Anh thật sự yêu mến và bênh vực Giáo Hội Công giáo. Anh nhớ hầu hết giáo lý đã học tại trường nhà Dòng. Anh cho đó là sự thật, nhưng điều lạ lùng là: Tại sao anh ta lại không có Đức Tin? Phải chăng vì anh ta chưa nhận được ơn Chúa? Hay là vì anh ta còn quyến luyến vật chất thế trần đến độ không nghe được tiếng gọi của Chúa? Hỏi, mà tôi không trả lời được một câu nào cả, nhưng đó là vấn đề của riêng anh ta với Thiên Chúa, chỉ có Chúa và anh ta có câu trả lời.

Theo nhận định của tôi, không có một hướng đi nào rõ ràng cho linh hồn của anh, Có thể nói anh là biểu tượng cho đại đa số tuổi trẻ Việt nam, nhưng anh đã giúp tôi trên cuộc hành trình tôi đã đi qua từ Phật đến Chúa, chắc anh ta sẽ ngạc nhiên nếu tôi cho anh biết rằng anh đã giúp tôi nhận ra Chúa. Nhưng thưa anh kính mến, tôi xin anh đừng hãnh diện vội và kết luận rằng anh đã đưa tôi đến với Chúa, anh hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã lưu tâm đến anh, hướng dẫn anh đạt được kết quả này qua những việc làm anh không ngờ, đã không nghĩ và lưu tâm tới.

Việc gặp gỡ anh S. trên chuyến xe lửa đó đã giúp tôi nhìn lại con đường thiêng liêng tôi đã đi qua.

Trước kia, tôi rất ghét Kitô giáo và như thế tôi không muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các Linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo. Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý đến nỗi mỗi khi nhìn thấy chữ "Thiên Chúa" tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sẽ sửa thành chữ "Trời". Trong lớp học dạy cho các trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ "Thiên Chúa". Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ.

Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con! Xin tha cho con mối ác cảm điên loạn ấy! Con biết rằng Chúa hiểu con, với một tâm hồn ngay thật con đã lạc lối, chạy theo những dự tưởng sai lầm và rồi quá trớn...

Trong suốt năm học cuối cùng sửa soạn cho việc thi tốt nghiệp trung học, anh S. đến trọ tại nhà chúng tôi. Chúng tôi học cùng năm nhưng khác trường, anh học tại trường nhà Dòng của các Sư huynh, còn tôi học tại trường công lập của Chính phủ. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp qua các đề tài học hành và giải trí, nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề tôn giáo hay đức tin, chúng tôi không tránh được việc cãi cọ. "Cãi cọ" có lẽ không đúng lắm, vì thường tôi đáp trả bằng những lời lẽ khá nặng nề và anh không chống cự vì anh đang ở trọ tại nhà tôi. Để đối lại với những tấn công nặng nề của tôi, anh chỉ đáp lại một cách cầm chừng và sau đó lại làm hoà với nhau. Anh không tự mình bênh vực, anh chỉ lập lại những chân lý đã nghe từ các Sư huynh trong trường.

Rất ít khi chúng tôi nói chuyện với nhau về tôn giáo. Cũng chẳng lạ gì vì môi trường chúng tôi sống là một môi trường ngoại giáo, những vấn đề như Đức tin hay tôn giáo chúng tôi nghĩ chỉ làm mất thì giờ mà chẳng có lợi ích gì.

Hiếm hoi bàn luận về tôn giáo như thế, thế mà trong thời gian này có một vài mẫu chuyện cũng đã khiến tôi phải suy nghĩ. Ngay đến lúc này, tôi còn nhứ như in một câu chuyện như sau:

Câu chuyện xảy ra vào một buổi tối, khi chúng tôi đang ngồi ngắm trăng trong bầu khí mát mẻ trước hiên nhà bên bờ sông. Chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện. Như những thanh thiếu niên nói chuyện trong lúc nhàn rỗi. Chúng tôi đề cập đến đủ mọi thứ đề tài, trừ đề tài tôn giáo và nhân đức. Rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo chen vào, hình như bắt nguồn từ câu chuyện nói về những người coi tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để nhờ xem về kết quả kỳ thi cuối năm. Có lẽ liên can đến việc này mà vấn đề tôn giáo và đức tin được đề cập đến.

Tôi mở đầu: "Mặc dù thuyết nhà Phật đã được quảng bá rất sâu rộng nhưng Đức Phật không phải là Đấng Sáng tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã tạo nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình, chúng ta cũng kính thờ Khổng tử và tin tưởng vào tử vi và bói toán. Con người thật lạ lùng.".

Anh S. phản ứng ngay: "Người Kitô hữu không giống vậy. Họ tin Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng và là Đấng Sáng tạo. Họ không tin thờ Thiên Chúa một cách vô lý như chúng ta. Giống như người Do Thái, nhưng người Do Thái vì giải thích Cựu Ước theo ý riêng của họ, nên họ vẫn còn đang mong đợi Đấng Cứu Thế trong khi người Kitô hữu tin Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế đã đến.

Thật ra, nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, các Tiên tri trong thời Cựu Ước đã loan báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra, họ còn nói chi tiết hơn cả về đời sống khó nghèo, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài. Người Do Thái tin những lời tiên này, nhưng họ từ chối không tin vào con người Giêsu.

Những lời lẽ này khiến tôi suy nghĩ nghiều.

Những câu chuyện không đầu không cuối như thế từ bạn bè, gia đình, những người quen qua một vài lần gặp gỡ như Bác sĩ D., Kỹ sư C.. Họ không chủ ý, nhưng họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tôi trở lại đạo Công giáo. Có lẽ Chúa đã từ đó tỏ lộ cho tôi lòng quảng đại của Ngài, vì lòng oán ghét đạo của tôi, thay vì Chúa gởi đến những người có đạo để thuyết phục tôi, Ngài đã dùng những lương dân để đánh thức linh hồn tôi hướng về Ngài.

Những lần nói chuyện như thế, dù tôi đã phải suy nghĩ nhiều về nó, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để phá vỡ cái hàng rào đang ngăn cách tôi với Kitô giáo. Chúa còn hướng dẫn tôi đến khám phá ra chân lý và sự kỳ diệu của tôn giáo qua sách vở, báo chí. Những lý lẽ của anh S. đã thật sự khiến tôi xiêu lòng, nhưng vì quá gần đến kỳ thi cuối năm, nên mọi việc đều phải gạt sang một bên, nhất là đó lại là vấn đề tôn giáo với tôi là một thiếu niên. Tôi vẫn sống với một tinh thần của một Phật tử và ác cảm với Kitô giáo.

Ngày loan báo kết quả tôi đậu kỳ thi cuối năm, tôi ra phố và ghé lại tiệm bán sách Đắc Lập để mua một vài cuốn sách. Tự cho mình đã trưởng thành đã mãn nguyện về chuyện học hành, tôi có thể mua đọc vài cuốn sách dành cho người lớn. Tuy nhiên, khi nhìn những cuốn sách này, tôi thấy xấu hổ và thay vào đó, tôi đã mua hai cuốn sách của Chanteaubriand và Pascal đó là cuốn Le Génie du Christianisme và Pensées. Tôi mua những cuốn sách này chỉ vì ưa lối viết văn của Chanteaubriand và Pascal hơn là mua để đọc, vì tôi có thể đoán được nội dung của nó ca tụng Giáo hội Kitô giáo. Tôi không phải là đọc giả của những loại sách này.

Những cuốn sách vô tội này đã phải chịu một số phận hẩm hiu trong một góc nhà không ai đụng tới cho mãi đến khi tôi thu dọn đồ đạc, sách vở đi Hà Nội để theo học Đại học tại đây. Khi đóng thùng những cuốn sách không cần thiết để bỏ lại nhà, vô tình tôi mở cuốn Pensées và đọc qua một vài hàng trong một trang nào đó. Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, cùng lúc ấy có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó đi theo.

Có vài lần khi đọc vài đoạn văn trong đó, tôi cảm thấy bối rối. Thật ra nó chỉ tạo trong tôi một chút tình cảm hơn là nó đã lôi kéo được tôi. Tình cảm này đã khiến tôi tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề.

Có những khoảng thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của đời sống, cái tâm trạng này kéo dài trong suốt ba năm liền.

Những loại tâm trạng tương tự như thế từ buổi thiếu thời khi còn học tại trung học lại trở lại trong trí tôi: Những lần tôi không giải trí chung với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi chiều trống rỗng sau khi nghe vài bản nhạc buồn, sau khi vẽ một vài nét trên tấm vải mới căng cho bức tranh lạ. Tất cả những tâm trạng ấy đưa tôi đến việc tự hỏi: "Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?".

Tôi phải theo? Thật là một điều ngoài trí tưởng tượng! Không bao giờ! Không bao giờ! Dù nó đúng, nó thật, nó hay...nhưng "ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Thật ra sự bướng bỉnh đã làm tôi hóa ra ngu đần: Câu tục ngữ trên áp dụng vào vấn đề tôn giáo không đem lại một ý nghĩa nào cả.

Trong khi coi Kitô giáo như một tôn giáo của ngoại bang, tôi không để ý đến những vấn đề khác như Đức Phật của Phật giáo là người Ấn Độ, Đức Khổng Tử là người Trung Hoa và nhất là Chúa Giêsu mặc dù không phải là người Âu Châu nhưng Ngài được các quốc gia trong lục địa này tôn thờ. Họ tôn thờ không phải Ngài là người này hay người kia, nhưng chỉ vì họ tin Ngài là Chúa và họ tôn thờ Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Chúa của tất cả các quốc gia dân tộc, không dành riêng cho một quốc gia dân tộc riêng rẽ nào. Khi Ngài đến trần gian mặc lấy xác phàm, Ngài đã được sinh ra trong dân tộc Do Thái. Dân tộc Do Thái này vì thế đã được gọi là dân được tuyển chọn. Họ tôn thờ Thiên Chúa của họ, họ đã không bị chi phối bởi các nguồn đức tin khác từ Ấn Độ, từ Trung Hoa, từ Hy Lạp hay Rôma, mặc dù các quốc gia này đã có những nền văn minh tân tiến hơn so với họ.

Dân tộc Do Thái qua thời gian vẫn trung thành với Đấng Sáng tạo, dĩ nhiên cũng có những trường hợp riêng lẻ cá nhân chạy theo niềm tin này khác, nhưng cách chung họ coi việc thờ phượng Thiên Chúa như một điều bắt buộc trong đời sống. Có lẽ đây chính là lý do tại sao Thiên Chúa đã tuyển chọn dân tộc này làm dân riêng của Ngài. Còn biết bao nhiêu những điều bí ẩn khác tôi chưa hiểu thấu.

Chúa Kitô chính là Chúa của tất cả. Mọi người có nhiệm vụ phải tôn thờ Ngài, yêu mến Ngài, phục vụ Ngài, tuân giữ các giới răn của Ngài và vâng lời Ngài.

Còn đối với con người, bất cứ ai ở bất cứ đâu đều có thể đưa ra một triết thuyết nào đó rồi chỉ dạy, hướng dẫn người khác và tin rằng điều đó có ích lợi cho nhân loại. Những người như thế, họ hy vọng sẽ đưa đến hạnh phúc cho con người. Về phía chúng ta, chúng ta nên kính trọng họ, không nên nhìn vào họ trong khía cạnh con người với những lầm lỗi và yếu đuối, chấp nhận những điểm tốt, hữu ích, đừng theo những điểm xấu, sai lầm, tránh những cố chấp và bần tiện. Trí óc con người không phải là ơn mạc khải, cũng không phải là ánh sáng của giáo huấn của Giáo Hội, nó chỉ là một mớ kiến thức được suy đi luận lại, thế mà nó muốn diễn tả những bí nhiệm của vũ trụ, nó muốn giải quyết vấn đề sinh tử. Làm sao tránh được những sai lầm phải có?

Chúng ta không đề cập đến những người tự ái, ham danh vọng, cố chấp trong những sai lầm của họ để rồi khư khư nắm giữ những tà thuyết gây thiệt hại cho nhân loại. Chúng ta chỉ nói đến những vĩ nhân, những triết gia, những người khôn ngoan, những người đã sống trong những thời đại và vì hoàn cảnh chưa bao giờ họ được nghe nói tới một tôn giáo thật, họ không thể thay đổi để tiến đến một niềm tin thật. Đó không phải lỗi của họ. Họ là những anh hùng, đời sống đầy nhân đức có khả năng siêu phàm trong nhiều lãnh vực. Họ là những người đáng kính, nhưng chúng ta không thể đưa niềm kính trọng đó trở thành một nghi lễ thờ phượng, coi họ như thần thánh, đồng hóa họ với thần linh và Thiên Chúa đấng sáng tạo vũ trụ.

Chúng ta phải ý thức, phải nhìn vào trật tự của vũ trụ và nhân loại, chúng ta phải phân biệt Đấng Toàn năng và con người, Đấng Sáng tạo và loài thụ tạo.

Ngay cả những vĩ nhân danh tiếng như Socrates , Plato, Aristotle của Hy Lạp, Khổng Tử của Trung Hoa hay vị ẩn sư đã thành Phật tại Ấn Độ. Tất cả những Vị này đều cho biết rằng họ là con người đang đi tìm hiểu, học hỏi và sống những nhân đức để đạt đến cứu cánh của đời sống con người. Đức Khổng Tử đã nói: "Không phải ta sinh ra đã hiểu biết, nhưng như những người khôn ngoan và thánh thiện khác, ta đã bắt đầu học hỏi, nhận thức không ngừng, đó là tất cả những gì ta có thể nói với các con."...

Chính Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakya Mouni) sau khi đã được kính trọng như Đức Phật, Ngài đã nói: "Tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật". Như thế, tất cả chúng ta đều có thể thành Phật với điều kiện phải sống đời sống từ bỏ một cách thật sự những ước muốn riêng tư và tách mình ra khỏi thế gian tục lụy. Và một ngày nào đó, chúng ta sẽ đạt được trạng thái vô vi thoát tục. Nói một cách khác, sẽ được "giải thoát", có nghĩa là thành Phật. Phật, như thế chính là con người sau khi sống một đời sống nhân đức toàn vẹn đã được giải thoát. Họ không phải là thần linh.

Với những người này chúng ta phải tôn kính, sự thờ phượng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng đã dựng nên và yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta không biết Ngài, không biết giáo huấn của Ngài, chúng ta phải đi tìm, phải học hỏi đế biết Ngài. Nếu chúng ta thờ ơ, chúng ta sẽ giống như những đứa con rơi không biết cha mẹ mình là ai. Một cách sống thờ ơ như thế sẽ đưa đến tội lỗi và là dấu chỉ của sự vô ơn.

Những điều này dù sao tôi cũng chỉ mới nghĩ đến trong những năm gần đây. Trước kia, sự thù oán và những tư tưởng vô lý khiến tôi mù lòa không nhìn thấy, không chấp nhận Kitô giáo. Tệ hại hơn nữa, nó còn lấn át đi cả tiếng gọi nội tâm không ngừng kêu mời tôi đến học hỏi, tìm tòi về chân lý thật sự ấy.

Đọc lại những dòng tư tưởng trên, tôi mỉm cười tự hỏi sao một người đã là tôi lại có thể viết được những điều này...Thật vậy! Lạy Chúa! Ngài yêu con biết bao. Dù con đã ngỗ nghịch, Ngài vẫn âm thầm tiếp tục dìu dắt con trở lại với Ngài. Ước muốn duy nhất của Ngài nơi con đó là Ngài muốn con thoát khỏi án phạt đời đời và trao cho con một hạnh phúc bất diệt.

Càng ngày, tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo Hội Công giáo, nhưng tôi không nghĩ đến việc sẽ rửa tội. Mỗi lần ý nghĩ rửa tội xuất hiện là mỗi lần tôi vội xua đuổi nó ngay. Mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo của ngoại bang, nó xa lạ và khác thường với phong tục tập quán dân tộc, nó có vẻ "Tây" quá. Nhìn vào cách ăn nói, các nghi lễ, hình dáng nhà thờ... nó có vẻ Âu tây hơn là một màu sắc quốc tế. Đối với tôi, yêu mến văn hóa Khổng Tử, kính trọng đời sống kham khổ của các tu sĩ Phật giáo là những ngăn trở khiến tôi khó đến với Công giáo. Đời sống tự do của người Công giáo và ngay cả các Linh mục khó cho tôi có thể nghĩ rằng họ là những người tin Chúa và là tôi tớ của Chúa.

Một ngày nọ, khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một Tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi. Vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những Thày tu Dòng khổ hạnh truyền giáo (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập gần Huế. Đời sống của các Tu sĩ này đã ảnh hưởng tôi thật nhiều. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến việc quyết định gia nhập Giáo hội Công giáo.

Tôi trình bày đời sống và niềm tin của tôi với Linh mục Bề trên nhà Dòng và chính Ngài đã Rửa tội cho tôi ngày 15 tháng Tám năm 1928.

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Ánh Sáng Chiếu Rọi Trong Nhà Tù

Augustine.

Từ khi còn là một chú tiểu tu trong Chùa tại Miến Điện, đến thời gian học Đại học cho đến khi đã là một Sĩ quan trong Quân đội, tác giả vẫn học hỏi, ao ước phát triển con đường thiêng liêng nội tâm của mình.

Sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo, năm lên 15 tuổi, tác giả nhập tu tại Chùa theo truyền thống của dân tộc Miến Điện. Trong thời gian này, tác giả được giáo huấn về Phật Pháp và tuân giữ các giới luật của nhà Chùa. Sau khi học xong Trung học, ông theo chương trình Đại học. Chỉ mới sau bài học đầu tiên về sinh vật học, ông đã tỏ ra nghi ngờ về tôn giáo đang theo và trở thành người vô thần.

Thông thạo Anh ngữ và ngôn ngữ Miến Điện, ông là độc giả trung thành của các nhà văn H.G.Wells, Thomas Huxley, George Bernard Shaw và một số những nhà văn khác. Trong thời gian còn đi học, ông cũng đã đọc một số sách văn chương Kitô giáo nhưng không quan tâm lắm. Đào sâu thêm về Phật pháp và Ấn Độ giáo, ông tìm sự soi sáng và sức mạnh thiêng liêng bằng cách ngồi thiền và thực tập tĩnh tâm để tự làm chủ lấy mình, nhưng những cố gắng này không đưa đến nhiều kết quả.

Chuyến du lịch sang Anh Quốc cũng không giúp ích được nhiều cho con đường thiêng liêng của ông.

Là một người yêu nước, ông gia nhập quân đội. Quốc gia Miến Điện dù đã độc lập từ năm 1948, nhưng Karen, một phe nhóm chủ trương một Miến Điện hiệp nhất vẫn còn chiến đấu chống lại chính phủ. Trong một buổi phục kích tấn công quân chính phủ, phe Karen đã bắt giữ, cầm tù một số những sĩ quan quân đội, trong số đó có ông.

Câu chuyện tác giả thuật lại đây bắt đầu từ một cuộc vượt ngục bất thành trong những ngày tù tội này...


Khoảng giữa năm 1950, bừng mắt tỉnh dậy vào một buổi sáng, tôi thấy mình vẫn còn là một tù nhân trong khám đường Toungoo với một tâm hồn rã rời trong một thân xác bải hoải. Tôi và một nhóm bạn tù đã tìm cách phá nhà tù để vượt ngục buổi tối hôm qua nhưng bất thành. Sau khi bị bắt trở lại, các cai tù hành hạ, đánh đập chúng tôi suốt đêm.

Chúng tôi là những sĩ quan trong quân đội Miến Điện bị quân đội của nhóm Karen bắt làm tù binh trong cuộc đảo chánh bất thành hồi tháng hai năm 1949. Tính đến nay, chúng tôi đã bị cầm tù một năm rưỡi. Sau cuộc vượt ngục bất thành, họ quyết định nhốt chúng tôi vào nhà đá.

Trong tôi chợt nảy ra một ý tưởng đó là nhân cơ hội này và để có thể vượt qua được những khổ cực của tù tội, tôi quyết định thực tập phương pháp tu luyện tinh thần theo Phật pháp. Cũng đã có một thời gian trong quá khứ tôi thực tập phương pháp này, lúc đó tôi có được sáu tháng thảnh thơi trước khi nhập học tại đại học, nhưng không đạt được kết quả như đã được mô tả trong sách hướng dẫn.

Lần này, tôi hy vọng là với thời gian của hai mươi bốn giờ một ngày, lại không bị ngoại cảnh chi phối và chẳng biết đến bao giờ mới được thả ra, tôi quyết định theo đuổi con đường tu luyện thiêng liêng.

Tôi cảm thấy hăng hái, dĩ nhiên không thể trong một lần mình có thể đạt được trạng thái siêu nhiên, nhưng chỉ dù chỉ một phần thôi mình vẫn có thể cảm nhận được mình đang sống trong con đường siêu nhiên quí báu ấy.

Tôi cầu nguyện và lần chuỗi Phật. Mỗi ngày nhiều lần, tôi ngồi tĩnh tâm hằng giờ và suy niệm những chân lý tôn giáo đã được liệt kê trong Abidhama, một hệ phái siêu nhiên trong Phật pháp. Trong những lần tĩnh tọa này, tôi cũng suy niệm cả về Anapana Kamahtan và áp dụng phương pháp hô hấp giống như nguyên tắc Thiền của Ấn Độ giáo.

Trong một cuốn sách tôi đã đọc cho biết rằng chỉ cần với hai tuần lễ thực tập phương pháp Kamahtan, người ta sẽ đạt được đến trạng thái Samahdi, một trạng thái khiến mình cảm thấy được hoà hợp vào đời sống siêu nhiên, tách rời khỏi thế gian tục lụy. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công như thế trong hai tuần lễ, có người mất cả đời mình vẫn chưa toại nguyện. Lý do để giải thích đó là những người đạt được ơn siêu nhiên đã có nhiều ơn ban cho họ từ tiền kiếp, còn những ai không có ơn đó, họ khó lòng có thể đạt được. Phật giáo Miến Điện tin có sự luân hồi, người ta sẽ được đầu thai lại nhiều lần khác, với những hình thái và cách thế khác, không nhất thiết phải là một con ngừơi, nhưng có thể là một sinh vật nào đó ở những mức độ cao hơn hay thấp hơn mức độ con người.

Người Phật tử Miến Điện nào cũng tin rằng rồi họ sẽ phải chết, và vật chất của cải không giúp gì được cho họ sau khi chết, có chăng là làm hại họ nhiều hơn bằng cách lôi cuốn, cám dỗ họ xuống địa ngục nếu họ không vượt qua được những yếu đuối trong đời sống con người. Muốn vượt qua, họ phải tu thân bằng cách nương mình trong tu viện (điều này thể hiện việc từ chối của cải thế gian) phân phát của cải của mình cho người nghèo và hy sinh làm các việc từ thiện giúp đỡ kẻ khác. Qua cách sống đó, họ hy vọng khi tái sinh sẽ được đầu thai làm một người tốt hơn thay vì phải đầu thai làm một loại sinh vật nào khác và cuối cùng họ sẽ đạt được cõi Niết Bàn.

Trong thời gian bị cầm tù, hầu hết những ngừơi Phật tử chúng tôi đều giữ đạo một cách sốt sắng. Riêng tôi, tôi bỏ ra thật nhiều giờ để cầu nguyện. Mỗi lần ăn cơm xong, tôi bỏ ra cả tiếng đồng hồ để đọc sách, một cuốn sách có sẵn trong nhà tù là cuốn Kinh Thánh dùng cho những người cai tù đặt tay thề khi nhận nhiệm vụ. Tôi cũng có một cuốn Kinh Phật do một người tử tù hình sự cho. Tác giả của cuốn sách này là một Vị Sư Trưởng, những giáo huấn trong đó cũng chính là những giáo huấn tôi đã học thời còn trong tu viện.

Sau mỗi lần tĩnh tọa, tôi cầu nguyện với Thượng Đế, bất cứ Thượng Đế đó là Đấng nào, miễn là Đấng ấy giúp tôi thành công trong việc đạt đến ơn giải thoát. Tôi đặc biệt chú ý tới Đức Phật Dhamma. Ngài chính là cha đẻ của đời sống thiêng liêng nơi dân tộc Miến Điện bằng cách kết hợp tất cả các nguồn tôn giáo như Ấn Độ giáo, các cách sống thiêng liêng, thuyết linh hồn, thiên văn và cả các truyền thống văn hóa. Tôi cũng còn biết thêm rằng giáo huấn của Đức Phật Dhamma đã được nhiều Vị Sư Trưởng và các Phật tử uyên bác chú giải.
Tôi thực tập đời sống tôn giáo nhiều tháng trời. Dù không chú ý, tôi vẫn cảm thấy có một sự tiến triển đáng kể về đời sống thiêng liêng, tôi thật sự bình an, lòng bác ái vị tha qui hướng về tha nhân kể cả kẻ thù, tôi sống với một lương tâm thật yên ổn.

Thời gian trong tù đối với tôi không quan trọng lắm. Tôi chỉ ước ao một điều trước khi một sự đáng tiếc nào xảy ra thì ít là tôi đã đạt được một mức độ nào đó trong đời sống thiêng liêng.
Những người cầm tù chúng tôi họ thật cực đoan, nhưng vì chính quyền mỗi ngày một vững mạnh, nên tôi nghĩ rằng đến một ngày nào đó họ sẽ bị dẹp tan và nếu họ bị đánh tan số phận của chúng tôi sẽ ra sao, tôi có thể đoán được.

Tù nhân chúng tôi ngoài những Phật tử còn có một người theo Hồi giáo, hai người Kitô hữu (một người gốc Anh theo Anh giáo và một người Công giáo).

Trong một buổi gặp mặt nọ, anh bạn Công giáo xin những người cai tù cho phép anh được gặp một Vị Linh mục thường xuyên, đồng thời có một Linh mục Công giáo gần đó cũng đang xin được gặp anh thường xuyên như thế. Cuối cùng, Vị Linh mục được phép vào thăm anh bạn Công giáo. Có một vấn đề ở đây là anh bạn Công giáo rất được những người cai tù kính nể. Dù những người cai tù theo đạo Baptist, nhưng họ rất tôn trọng các tôn giáo khác. Họ nghĩ rằng họ phải chịu trách nhiệm nếu anh bạn Công giáo nọ chết mà không được gặp một Linh mục để lãnh nhận những nghi lễ cuối cùng. Nếu chuyện như thế xảy ra không phải chỉ anh bạn Công giáo nọ bị thiệt thòi, tai hại mà chính họ phải chịu trách nhiệm một phần lớn.

Một Linh mục truyền giáo từ Toungoo được phép đến thăm anh bạn tù Công giáo mỗi tuần. Chúng tôi cũng được hưởng nhờ những lần thăm viếng này. Sau mỗi lần gặp gỡ Vị Linh mục, anh bạn Công giáo đều chia sẻ với chúng tôi các loại sách vở anh có được từ vị Linh mục.

Anh trao cho tôi các loại sách báo thông thường. Tôi gặp khó khăn khi đọc các sách báo của đạo Công giáo, không hiểu nổi những biến cố được đề cập đến trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Cựu Ước. Tôi nhờ anh qua vị Linh mục kiếm cho tôi những sách báo giải nghĩa rõ ràng hơn về tiến trình Đức tin của người Công giáo thời Môisen và các Tiên tri. Tôi thấy thời Cựu Ước là một thời kỳ hung bạo, mặc dù qua đó, tôi vẫn cảm nhận được tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Đối với các Phật tử khác, Cựu Ước là một câu chuyện cổ tích kỳ thú.

Cựu Ước hấp dẫn tôi khiến tôi thương cảm cho dân Do Thái.

Tân Ước với Chúa Giêsu càng xúc động hơn. Đời sống đơn giản và giáo lý thực tế của Chúa đánh động tâm hồn tôi giống như vừa đọc qua một hồ sơ về Đức tin. Tuy nhiên, vì là một Phật tử chân chính, tôi không áp dụng giáo lý ấy vào đời sống được.

Hơn nữa, kiến thức về Khoa học từ Đại học, ảnh hưởng của các sách vở và tư tưởng của các nhà Xã hội Anh, đặc biệt Marx và Lênin khiến tôi khó lòng chấp nhận một tôn giáo mặc khải.

Qua lời yêu cầu, tôi nhận được một số sách:

Đầu tiên là cuốn sách nói về đời sống của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Cuốn thứ hai của Ronald Knox: "Câu chuyện về đời sống Chúa Giêsu". Cuốn sách là một tổng hợp về bốn Phúc Âm được chỉ dẫn và chú giải theo phong tục, tập quán của người Palestine thời Chúa Giêsu. Cuốn sách này đã giúp tôi thật nhiều trong việc hiểu thấu đáo hơn về sứ điệp của Đấng Thiên Sai giữa nhân loại và lý do tại sao những người lãnh đạo Do Thái thời ấy chối từ Ngài. Điều này giúp tôi có cái nhìn đúng đắn hơn về Phúc Âm. Tôi bị cuốn hút bởi đời sống đơn sơ và phương cách tự hiến qua Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu đã được Ronald Knox kể lại bằng một giọng văn rất cảm động.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn cảm thấy việc hứa hẹn cứu rỗi cho những người tin theo có vẻ ngây thơ đầy màu sắc tôn giáo.

Chúng tôi, những người Miến Điện đang sống trong một môi trường với những tư tưởng tôn giáo phức tạp. Chúng tôi được dạy dỗ rằng mỗi người phải tự tìm cho mình một con đường cứu rỗi và chắc chắn không có một con đường tắt nào ngắn hơn để đạt tới Niết Bàn hay Nirvana.

Tôi vẫn tiếp tục thực hành phương pháp tĩnh tọa và cầu nguyện theo Phật giáo trong khi tôi đọc sách và suy nghĩ nhiều về Công giáo.

Đọc thêm cách sách báo Công giáo, dần dần tôi bị ảnh hưởng. Tôi nhận thấy có những khác biệt lớn lao giữa Công giáo và các nhóm Thệ phản. Tôi ngạc nhiên tại sao lại có quá nhiều nhóm khác biệt trong một tôn giáo đơn giản và rõ ràng như thế. Tôi ghi trên một mảnh giấy trao cho anh bạn tù Công giáo cho anh biết tôi không đủ sức để tin đạo. Anh lại xin vị Linh mục gởi thêm sách vở vào cho tôi đọc. Tôi lại có thêm được các sách như: "Tự Thú" của Thánh Augustinô, "Thần học yếu lược" của Thánh Tôma Aquina, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Tôma Moore, các sách về Hộ giáo của Đức Tổng Giám Mục Sheehan và nhiều các sách khác tôi không còn nhớ tên. Tôi thật sự xúc động khi đọc tập Radio Replies, một cuốn sách gom góp lại những câu hỏi của các thính giả và những câu trả lời của Cha Rumble được phát thanh trên đài phát thanh Úc Châu.

Sau khi đọc các sách vở trên và tham cứu về tín lý, tôi bắt đầu hiểu hơn về tôn giáo mặc khải này. Trước kia, tôi thờ ơ lãnh đạm với đạo, giờ đây tôi đã thấu hiểu và yêu thích giá trị của những Sứ Điệp trong Kinh Thánh.

Tuy vậy, tôi vẫn chưa thật sự tin. Công giáo vẫn còn là một tôn giáo xa lạ với dân tộc tôi. Lối sống của Dân Chúa trong Cựu Ước quá khác biệt với phong tục tập quán của chúng tôi. Hơn nữa, Kitô giáo còn là tôn giáo của những người thực dân cai trị các quốc gia láng giềng. Tôi vô tình đồng hóa tôn giáo với Đế quốc, vì thế đời sống tâm linh của tôi với hình ảnh Chúa Giêsu bị tắc nghẽn bởi lòng ái quốc và quan niệm lâu đời trong tôi theo Phật giáo Ấn độ.

Tôi đã đọc về chân lý qua giáo huấn của Chúa Kitô. Tôi tự nhủ: Giá mà tôi tin được, có lẽ tôi sẽ đạt được ơn cứu độ. Có một giằng co mạnh mẽ trong tâm tư tôi. Tôi vẫn tiếp tục là một Phật tử.

Càng đọc nhiều sách vở về đạo, tôi càng cảm thấy tin và yêu Chúa Giêsu. Nhưng nhìn tổng quát, truyền thống Juda trong Cựu Ước; nền văn minh của các quốc gia theo Kitô giáo và những vấn nạn khác nữa vẫn còn là một chướng ngại tôi không vượt qua được để chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc.

Phải mãi đến một năm sau đó, tôi mới thật sự chấp nhận các tín điều, tín lý của Giáo hội Công giáo. Tôi cũng đã đọc một số sách báo Thệ phản nữa, nhưng những tác giả Công giáo dường như xác tín hơn trong các vấn đề thần học. Họ diễn tả một đức tin xác quyết hơn và họ hướng dẫn rõ ràng, chắc chắn hơn. Tôi nghĩ rằng nếu tôi trở thành người Kitô hữu, tôi sẽ theo Công giáo chứ không theo Thệ Phản, vì như thế là lại cả đời lần mò, tìm tòi một hướng thần học cho riêng mình. Tôi cho rằng nếu tôi tin vào các Phúc âm, tôi sẽ tin tất cả những gì nói về đời sống Chúa Giêsu là sự thật. Tôi còn tin tất cả giáo lý về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu bằng chính Mình và Máu Ngài trong Bí tích Thánh Thể, năng quyền giảng dạy của các Tông đồ và những người kế vị các Ngài và các Bí tích nữa.

Điều đáng yêu nhất của Giáo hội Công giáo là sự tự hiến của các Tu sĩ trong Dòng tu. Sống đời sống thiêng liêng, làm việc, từ bỏ chính mình và hy sinh đời sống làm chứng nhân cho Thiên Chúa, nhất là đời sống của những vị tử đạo thời Rôma. Thật ra, tôi không chú ý lắm về Kitô giáo nói chung, tôi chỉ biết rõ về Giáo hội Công giáo và đời sống của Chúa Giêsu.

Trong tâm thức, tôi chấp nhận Thiên Chúa của Israel trong Cựu Ước chính là Thiên Chúa trung tín, mặc dù có những linh ứng khó hiểu và những hình phạt nặng nề được kể lại. Cứ nghĩ rằng có một Thiên Chúa luôn luôn trung tín với Dân đã được tuyển chọn khiến tôi yên tâm trên đường thiêng liêng.

Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện và trau dồi nhân đức, tôi chắc chắn rằng trước sau gì, tôi cũng nhận được ơn lạ.

Thế là đã gần hết năm 1950. Tôi biết được rằng Đức Giáo Hoàng Pio XII đã công bố năm nay là năm Thánh. Tôi nói với anh bạn tù Công giáo khấn với Đức Mẹ Fatima cho chúng tôi được thoát cảnh tù tội trước khi bước sang năm mới. Nếu được như thế tôi sẵn sàng tin đạo (tôi đã đọc qua sứ điệp Đức Mẹ đã loan báo tại Fatima năm 1917). Thật ra lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu ơn Chúa ban thế nào và được thực hiện ra sao, vì tôi mới chỉ được đọc qua các sách vở Thần học đại cương và những phép lạ các Thánh đã nhận được. Vào một buổi sáng nọ, tôi hứa với Đức Mẹ Maria rằng tôi sẽ rửa tôi ngay nếu Đức Mẹ làm phép lạ cho chúng tôi được thả tù trước dịp tết Dương Lịch. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục không giảm bớt việc cầu nguyện theo cách thế của người Phật tử.

Sau một thời gian, tôi cảm thấy mình vô lý trong việc thề hứa vào đạo nếu được trả tự do. Tôi thấy tôi đang đi đúng trên con đường của những người giả hình trong Phúc Âm yêu cầu Chúa Giêsu làm phép lạ để chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa.

Vì vậy, thay vì thực hiện đúng như sự xin xỏ vô lý của tôi, Chúa đã gửi đến cho chúng tôi những việc khó khăn hơn: Lễ Giáng sinh sắp đến, tin tức thả tù vẫn biệt tăm. Vào dịp đầu năm, quân đội Karen bị thất bại trong một trận chiến gay go tại Toungoo và họ quyết định di tản.

Một buổi tối nọ, những người cai tù yêu cầu chúng tôi bước ra khỏi xà lim, xếp hàng một úp mặt vào bức tường đối diện. Tôi nghĩ họ sẽ xử bắn chúng tôi, tôi không hề khiếp đảm, tôi đã sống một đời sống với tinh thần tu đức trong suốt những ngày tù tội.

Sau một thời gian căng thẳng, những người cai tù dẫn đến hai sĩ quan Karen và cho chúng tôi biết họ quyết định giữ chúng tôi làm con tin trong cuộc di tản của họ.

Bị trói cả tay chân, chúng tôi nằm chồng chất lên nhau trong lòng chiếc xe chật hẹp di chuyển trong đêm đen vượt qua địa giới nơi quân Karen chiếm đóng vùng đồi núi phía đông. Đêm hôm sau nữa, chúng tôi lại được di chuyển qua một vùng khác, nơi những người dân bán khai vừa đến cư ngụ. Ở đây, chúng tôi lại bị nhốt vào những nhà tù làm bằng tre mới chặt về. Nhà tù mới không ngăn chia phòng, nên chúng tôi ở chung với nhau, nói chuyện tự do, thoải mái.

Tôi cho anh bạn tù Công giáo biết về cảm tưởng của tôi khi đọc Kinh Thánh Cựu Ước. Anh khuyên tôi nên đọc sách Thánh Vịnh. Tôi nghe theo và tìm thấy nơi Thánh Vịnh thật nhiều nguồn sống êm dịu: Tình yêu và sự tôn thờ Thiên Chúa được diễn tả tuyệt vời trong các Thánh Vịnh bao trùm đời sống tôi. Anh bạn Công giáo còn có thêm cuốn sách quí giá "Gương Chúa Giêsu" của Thomas à Kempis. Trong những ngày ở tù chung như vậy, tôi đã mượn được cuốn sách thiêng liêng quí giá này của anh vài ngày. Cuốn sách này, cộng với các Thánh Vịnh và Tân Ước đã lay động và nâng tâm hồn tôi lên cao vút. Nhưng tôi vẫn chưa phải là người Công giáo.

Sáu ngày sau khi di chuyển đến vị trí mới, chúng tôi được các cai tù hướng dẫn từng nhóm một đi tắm tại một con suối dưới thung lũng. Hầu hết chúng tôi đều trở về nhà tù khi trời còn nhá nhem, bỗng có một nhóm dân làng đến làm ồn ào la mắng chúng tôi rồi một người cai tù đến lớn tiếng chửi rủa về việc một người tù đã trốn tìm đường vượt ngục và vừa bị bắn chết. Họ cho biết rằng hình phạt cho những người trốn tù vượt ngục là xử bắn. Người giám thị nhà tù lên đạn khẩu súng trên tay cho biết rằng đa số dân đề nghị bắn chết hết tù nhân, nhưng cuối cùng họ quyết định thay vì bắn, họ sẽ bỏ đói các tù nhân cho đến chết.

Vì là một sĩ quan cao cấp nhất trong đám tù nhân, nên tôi lên tiếng với họ và thưa rằng chúng tôi, những người còn lại trong tù không hề liên can đến việc vượt ngục của người đã bị bắn chết. Người tù vắn số kém may mắn là một người trước kia làm chủ một tiệm "cầm đồ", bị bắt vì từ chối không chỉ nơi chôn dấu vàng. Đáp lại, người cai tù chửi rủa chúng tôi và nói nếu có quyền trong tay ông ta sẽ bắn chết hết các tù nhân. Tất cả chúng tôi không ai dám nói gì thêm nữa.

Sau một ngày bỏ đói chúng tôi, họ đã suy nghĩ lại. Tuy nhiên, mỗi ngày họ chỉ cho chúng tôi ăn một bữa không đủ no. Vài ngày sau đó, một cấp chỉ huy cao cấp của họ đến xem xét và ra lệnh cho quân sĩ của ông rằng chúng tôi là những tù binh chiến tranh, phải đối xử với chúng tôi theo luật chiến tranh. Thế là từ hôm đó, mỗi ngày chúng tôi được hai bữa cơm sống, khê. Chúng tôi chia sẻ với nhau người đói người no trong tình huynh đệ đồng cảnh.

Thấm thoát lại sắp đến một lễ Giáng sinh khác.

Người cai tù yêu cầu chúng tôi làm quen và tỏ tình thân thiện với dân chúng sống trong vùng bằng cách hát những bài hát Giáng sinh cho họ nghe. Trong bọn chúng tôi có ba người biết những bài hát này, nhất là anh bạn Công giáo, vì thế, anh giúp tập cho chúng tôi hát những bài về Chúa Giáng sinh. Vào ngày lễ Giáng sinh, từ trong nhà tù, tiếng hát những bản Thánh nhạc của chúng tôi vọng ngân ra bên ngoài. Buổi chiều, người cai tù đến cho chúng tôi biết dân làng rất ngạc nhiên và thích thú khi được nghe hát.

Sau ngày lễ Giáng sinh có hai Mục sư Baptist và Anh giáo người Karens đến thăm ủy lạo chúng tôi. Ông Mục sư Anh giáo rất tử tế. Rồi tiếp đến, vợ của một sĩ quan Karens đến tổ chức một buổi cầu nguyện trong nhà tù có cả dân chúng hiện diện. Trong buổi cầu nguyện, bà quyên tiền và sau đó trao số tiền quyên được cho người cai tù, yêu cầu ông mua thịt thêm vào các bữa ăn của chúng tôi. Từ đó trở đi, bà tổ chức quyên tiền cho những tù nhân chúng tôi mỗi tháng một lần. Chính người cai tù đề nghị chúng tôi đan những chiếc nón lá bán cho những người dân làm việc ngoài trời. Chúng tôi bắt đầu và lấy tiền bán được mua thêm thức ăn. Sự liên hệ của chúng tôi với dân làng chung quanh càng ngày càng trở nên thân thiện hơn.

Trong thời gian này, tôi bắt đầu học thêm những lời cầu nguyện của đạo Công giáo để đọc khi cầu nguyện mỗi ngày và trước đó một thời gian, tôi đã bắt đầu đeo một tấm ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Câu chuyện về tấm ảnh đã xảy ra như sau:

Khi tôi đang còn học trung học, chị tôi cho tôi một chiếc nhẫn vàng có cẩn một hột cẩm thạch màu đỏ rất đẹp. Tôi rất quí chiếc nhẫn, vì thế, khi đi tù sợ bị tịch thu, tôi đã dấu nó bằng cách khâu nó dính vào bên trong chiếc áo trấn thủ. Ở trong tù, chúng tôi thiếu thức ăn, một ngày nọ, mọi người đề nghị tôi bán chiếc nhẫn để mua thịt cá và thuốc lá. Để bù lại, anh bạn công giáo đền cho tôi tấm ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tôi nhận tấm ảnh với ý nghĩ đeo nó sẽ được may mắn. Hơn nữa, anh bạn còn giải thích thêm rằng khi cầu nguyện với ảnh Thánh Tâm, tôi sẽ được Đấng thiêng liêng bảo vệ. Điều này tôi cũng đã được biết qua khi đọc trong sách vở lúc còn tại nhà tù ở Toungoo. Nhận thấy rằng nếu bán chiếc nhẫn đi, tôi có thể giúp được các bạn và rồi tôi đã bán. Từ đó, tôi đeo tấm ảnh Thánh Tâm quanh cổ. Sau một thời gian, tôi bắt đầu cầu nguyện với Chúa Giêsu và lần chuỗi kính Đức Mẹ thay vì đọc kinh Phật.

Dần dần, tôi cảm thấy lời cầu nguyện với Đấng thiêng liêng của tôi đã được chấp nhận khiến tôi nghĩ rằng tất cả những khó khăn đau khổ tôi đang gánh chịu chính là những chuẩn bị cho tôi bước vào Giáo Hội Công Giáo. Tôi nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu chính là Con của Ngài và cả Chúa Thánh Thần nữa. Tôi tha thiết cầu nguyện rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ được trả tự do và tôi sẽ thong dong lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

Đối với người công giáo, tháng Năm là tháng kính Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Giêsu. Tôi quyết định thực hiện một tuần cửu nhật cầu nguyện đặc biệt trong tháng với ý nguyện xin Đức Mẹ trực tiếp can thiệp với Chúa cho chúng tôi được trả tự do. Tôi cầu nguyện tha thiết hơn, lần chuỗi nhiều hơn, đọc nhiều lần hơn tất cả những kinh mà tôi đã thuộc.
Vào ngày thứ tư và thứ năm trong tháng Năm, chúng tôi đã bắt liên lạc được với hai người
bạn do cấp chỉ huy của chúng tôi gửi đến. Vào lúc nửa đêm, họ liên lạc với chúng tôi bằng mật hiệu và trao cho chúng tôi một chương trình vượt ngục rồi họ trở về Toungoo đưa thêm lực lượng và vũ khí để phá nhà tù dẫn chúng tôi đi trốn.

Một tuần lễ sau đó, cũng vào lúc nửa đêm, lực lượng cướp tù đã phá tan cánh cửa nhà giam bằng một trái lựu đạn. Tiếng nổ phá tan bầu khí tĩnh mịch của đêm khuya, tiếp theo là tiếng súng nổ vang trời. Kết quả xảy ra là hai người trong lực lượng bị bắn chết, một người tù bị giết, hai người khác bị thương do lựu đạn, một số người khác nữa bị dân trong các làng lân cận giết khi đi trốn.

Chúng tôi được một nhóm sáu người trong lực lượng dẫn đi và vì không quen đường lối trong đêm khuya, chúng tôi lạc mất nhau. Nhóm của tôi còn bốn người trong đó có hai người bị thương.

Suốt ba đêm và hai ngày sau đó, đói mệt và chẳng biết mình đang ở đâu, chúng tôi lang thang trong rừng già dưới những cơn mưa rả rích. Đến ngày thứ ba chúng tôi bị lộ do một nhóm phụ nữ đang làm việc ngoài đồng. Họ kêu lính tới và chúng tôi lại một lần nữa, đầu hàng vô điều kiện.

Tưởng rằng họ sẽ giết chúng tôi ngay, nhưng không, họ đối xử với chúng tôi thật tử tế. Họ cho chúng tôi ăn uống, dẫn chúng tôi về làng - một người trong bọn còn cõng tôi đi nữa - cho chúng tôi vào một mái nhà bên cạnh nhà thờ của họ. Những người trong làng gồm cả ông Mục sư và vợ của các sĩ quan đến thăm, sửa soạn cho chúng tôi một nữa cơm thịnh soạn.

Sau hai ba ngày sống tại đó, họ đưa chúng tôi đến nhà thương thị trấn. Nhà thương này đã trở thành bản doanh của quân đội Karens. Ở đây chúng tôi gặp lại hai người trong số những người tù đã trốn và bị bắt lại. Kể lại chuyện vượt ngục với nhau và cuối cùng chúng tôi biết rằng tất cả các anh em trong lực lượng giải cứu đều bị bắn chết.

Một tin buồn nhất với tôi, đó là anh bạn công giáo cũng đã chết. Đối với mọi người trong tù, anh là một người đã khuyến khích, nâng đỡ mọi người trong đời sống thiêng liêng. Mặc dù anh không chủ trương vượt ngục, anh cũng đã bị bắn chết. Anh là một người rất can đảm, để trợ giúp mọi người, anh không hề nghĩ tới chính bản thân anh. Là một sĩ quan, anh can đảm bất chấp hiểm nguy. Anh đánh cờ rất giỏi, chơi bài rất khá, đồng thời anh còn là một người có óc hài hước, giúp anh em lúc nào cũng vui vẻ, tự tin trong mọi hoàn cảnh. Anh là một người sống đức tin, biết phó thác mọi sự trong Chúa và chưa bao giờ thấy anh than vãn. Tôi nghĩ rằng anh phải là người đầu tiên thành công trong cuộc vượt ngục vừa qua mới phải. Nhưng ai là người biết được ý Chúa?

Trong suốt những ngày vượt ngục lang thang trong rừng, tôi vẫn mang theo một cái túi nhỏ, trong đó có một quyển Kinh Thánh và một vài quyển sách đạo đức. Tôi đã cầu nguyện liên tục. Trong nhà thương có hai Mục sư đạo Baptist và đạo Anh giáo, tất cả đều là người Karens. Họ cho tôi những sách đạo đức, một quyển Kinh Thánh bằng tiếng Miến Điện bọc bao da rất đẹp. Những y tá săn sóc chúng tôi thật thân thiện và gần gũi.

Sau sáu tuần lễ, sức khỏe của chúng tôi đã dần dần hồi phục, những vết thương đã lành, họ di chuyển chúng tôi ra một căn nhà bên ngoài làng, căn nhà khang trang hơn nơi chúng tôi bị giam giữ trước khi vượt ngục. Nhưng vẫn chưa phải là tự do, số mạng của chúng tôi tùy thuộc vào những trận chiến thua được của họ.

Vào khoảng thời gian gần hết mùa mưa, chính quyền quyết định tấn công mạnh hơn, quân đội Karens chắc chắn phải rút lui. Trong trường hợp này, họ phải di chuyển chúng tôi vào các làng xa hơn trong rừng già. Chúng tôi có cảm tưởng họ đã quyết định về số phận của chúng tôi rồi.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải xin Chúa ban cho được tự do. Mặc dù chưa được rửa tội, tôi đã coi tôi là một người công giáo thật sự. Các bạn Kitô giáo của chúng tôi đều đã chết, kể cả người bạn công giáo là nguồn an ủi thiêng liêng đã dẫn đưa tôi đến với Chúa trong những ngày tù tội. Anh bạn theo đạo Anh giáo chết vì một mảnh lựu đạn. Anh bạn Baptist bị dân làng giết. Bây giờ, nếu chẳng may tôi bị chết, chắc trong lúc thập tử nhất sinh sẽ không còn ai giúp tôi được rửa tội.

Một ngày vào cuối tháng Tám, tôi quyết định thực hiện một tuần cửu nhật cầu nguyện với Thánh Tâm về việc được trả tự do. Sau sáu ngày cầu nguyện, một buổi trưa nọ, một người bạn Karen đến cho chúng tôi biết quân đội của chúng tôi đang tiến đánh rất mạnh vào các cơ sở của họ, vì thế họ phải rút lui và dẫn chúng tôi đi theo.

Họ đưa chúng tôi đến một ngọn đồi gần nhà thương và bỏ chúng tôi lại đó.

Sau nửa giờ đồng hồ, chúng tôi nghe được tiếng những người lính đầu tiên của quân đội đã tiến chiếm mục tiêu gần nơi chúng tôi bị giam giữ kêu gọi quân đội Karens đầu hàng và tên chúng tôi cũng được nhắc đến. Chúng tôi vui mừng đáp lại họ, chúng tôi gặp gỡ nhau trong niềm vui sướng hân hoan vì được giải cứu.

Chúng tôi yêu cầu quân đội đừng bắn vào làng. Gặp các y tá đang tìm cách trốn tránh, chúng tôi yêu cầu họ hãy trở về nhà thương nhắn với dân chúng ai về nhà nấy. Quân đội đối xử với họ tử tế đầy tình cảm.

Chúng tôi theo các đơn vị quân đội trở về Toungoo mất ba ngày đi bộ xuyên qua rừng già. Dọc đường, tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện và tạ ơn Thánh Tâm Chúa. Vào ngày cuối cùng của tuần cửu nhật chúng tôi đến Toungoo.

Đêm trước khi đến nơi, chúng tôi có được những giờ phút thật vui mừng. Các sĩ quan và vị chỉ huy cuộc hành quân cùng hoạt động trong phong trào đòi độc lập trước kia đã đến chào và chúc mừng chúng tôi. Mọi người thức trắng đêm hàn huyên tâm sự.

Tôi cho họ biết về quyết định theo đạo Công giáo và ước muốn đi truyền giáo của tôi. Không ai có ý kiến chống đối, tất cả đều lắng nghe với sự hiểu biết và thông cảm.

Ngay khi tới Toungoo, tôi đến tìm vị linh mục vẫn thường hay đến thăm anh bạn công giáo trong tù cách đó hai năm. Tôi kể với ông về cái chết của anh bạn công giáo nọ và tôi xin được rửa tội.

Vị linh mục khuyên tôi trước hết nên gặp một linh mục linh hướng, học hỏi thêm về giáo lý và rồi sau đó mới nên quyết định dứt khoát vào đạo hay không.

Thật là một đề nghị hữu lý, tôi mừng vui chấp nhận. Tôi xin cha một giấy giới thiệu đến một linh mục tại Rangoon.

Hai tháng sau ngày giải thoát, tôi được đón nhận vào Giáo hội với tên thánh là Augustinô. Không ai trong gia đình kể cả cha tôi, bà kế mẫu, các chị em tôi hay các bạn bè chống đối việc tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Thiên Chúa đã cho tôi thấy lòng thương của Ngài. Ngài đã ban cho tôi đầy ân sủng và Ngài đã giúp tôi hiểu được một phần nào ý định của Ngài. Từng bước một, Ngài đã hướng dẫn tôi đến với Ngài qua chương trình của Ngài, chứ không phải chương trình của tôi.

Tôi đã muốn gia nhập một Dòng tu, nhưng ý Chúa chưa muốn. Tất cả những gì xảy ra cho tôi trong ý Chúa, tôi sẵn sáng đón nhận.


(1) Người Công giáo coi Thánh Tâm Chúa như một biểu hiệu của tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa. Lòng tôn sùng Thánh Tâm bày tỏ ước muốn diễn tả tình yêu của con người đối với Ngài qua sự biết ơn, lòng thống hối vì những lần bội nghĩa vô ơn và sự phó thác.

(2) Lần chuỗi là cầu nguyện bằng tràng hạt hay xâu chuỗi của đạo Công giáo, là một phương pháp cầu nguyện đơn giản của người có đạo. Qua đó, họ suy niệm về đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô trong mười lăm câu cầu nguyện kết hợp với sự hiệp nhất thông công của Đức Mẹ Maria. Qua mỗi câu cầu nguyện, họ đọc một kinh Lạy Cha và mười kinh Kính Mừng.

Kinh Lạy Cha do chính Chúa dạy (Mt. 6,9-13)

Kinh Kính Mừng gồm có hai phần: Phần thứ nhất là lời Thiên Thần chào Đức Mẹ lúc truyền tin (Lc. 1,28); phần thứ hai là lời cầu khẩn xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta.

Để thu gọn lời cầu nguyện, người ta chia mười lăm câu cầu nguyện này thành ba phần, mỗi phần năm câu

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Đầu Năm Chúc TẾT Các Bạn

“Xin gửi đến Bạn lời cầu chúc vừa đủ, vừa đủ thôi...
Vừa đủ HẠNH PHÚC để tâm hồn Bạn luôn thanh cao
Vừa đủ THỬ THÁCH để Bạn được dũng mãnh
Vừa đủ MUỘN PHIỀN để Bạn có lòng nhân ái
Vừa đủ HY VỌNG để hạnh phúc mãi ngự trị nơi Bạn
Vừa đủ THẤT BẠI để giữ Bạn khiêm nhu
Vừa đủ THÀNH CÔNG để Bạn luôn kiên cường
Vừa đủ BẠN BÈ để giúp Bạn an vui
Vừa đủ VẬT CHẤT để Bạn được thảnh thơi
Vừa đủ NHIỆT TÌNH để Bạn có thể đi đến cùng các dự tính
Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan nơi Bạn những chán nản ngã lòng
Vừa đủ NGHỊ LỰC để cuộc sống Bạn mỗi ngày được tươi đẹp và hạnh phúc hơn
Và vừa đủ TÌNH YÊU để Bạn có thể thực hiện tất cả những hy vọng và ước mơ của Bạn!”
Sưu tầm

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Bữa Ăn của Ông Cọp

Tham quan một công viên chứa những động vật hoang dã bạn sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều cảnh xẩy ra rất gần gũi với thiên nhiên. Một nhóm các du khách đã ngạc nhiên khi được chứng kiến cảnh năm con hổ đói đã tấn công một con bò còn sống ở phía trước của chúng như một bữa ăn trưa.
Các du khách hoàn toàn bị sốc trong lúc theo dõi sự việc xẩy ra trên một chiếc xe buýt an toàn .
Một con bò còn sống đã được đổ xuống từ phía sau chiếc xe tải để phục vụ cung cho bầy hổ đói . Thay vì tại nơi hoang dã những con hổ mạnh mẽ này phải tự đi săn lấy thực phẩm nhưng tại trại nuôi dưỡng, điều này không cần thiết vì chủ nhân sẽ cung cấp cho chúng .
Một nhiếp ảnh gia không chuyên nghiệp tên là Chris Geddes , 31 tuổi, đã chụp được những hình ảnh nhân một chuyến đi đến Tiger Siberi Park, ở Harhin (Cáp Nhĩ Tân), Trung Quốc.


Ông nói: “Tôi đã nghe nói Siberian Tiger Park là một địa điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực nên tôi đã tham gia vào chuyến đi này”.
“Sau khi đi bộ một quãng ngắn xuyên qua các con thú truyền thống bị nhốt trong lồng và một số thú vật khác bị rào ở nơi rộng rãi hơn, chúng tôi đã được ngồi vào một trong sáu xe buýt cho các tour du lịch theo sự hướng dẫn của công viên.
“Vùng đất thiên nhiên này lan truyền qua nhiều km vuông với một con đường thật bụi bậm quanh co.

“Trên đường đi, chúng ta thấy sư tử và hổ ngủ trong bóng râm của thân cây bên cạnh đường. Sau 20 phút trên xe, chúng tôi đã nhìn thấy những chiếc xe jeeps khác chở nhân viên làm trong park này”.
“Rồi chúng tôi được chứng kiến 5 con hổ mạnh mẽ đang ở gần đó qua cửa kiếng của chiếc xe buýt”.
Cha của Chris, từ Ontario, Canada, cho biết nhân viên công viên ném thịt cho hổ và sau đó quăng ra 3 con gà sống và một con gà lôi .


Chris thêm vào: “Những người ngồi xem vô cùng thích thú khi nhìn thấy những hình ảnh này cho tới khi một chiếc xe tải chạy đến vùng đất bụi bậm”.
‘Tôi đã nhìn người bạn của mình với sự kinh hãi khi thấy một con bò đã trượt ra từ phía sau chiếc xe vận tải”.
‘Con bò, trông có vẻ không được khỏe, đã cố gắng chống đỡ sự tấn công đầu tiên từ bầy hổ đói .
‘Hai con hổ khác cùng tham gia để kết thúc cuộc đấu tranh. Tôi không thể tin vào mắt tôi. ”
Chris làm nghề bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho biết khi ông và bạn bè của ông sửa soạn rời khỏi sở thú, họ đã hỏi giá cả bao nhiêu cho một bữa ăn của những con thú này thì được cho biết “Gà thì chỉ có 3.50 £ bảng Anh, trong khi một con bò thì phải tốn 130 £ bảng Anh”.
ThuyVanUK