Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Ngày này năm xưa

Mời các bạn vào trang này xem Ngày Này Năm Xưa có gì ??? http://www.lessignets.com/signetsdiane/calendrier/index.htm

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Mang Theo Lời Kinh Mẹ Đọc Trong Đời

Trần Thu Miên, Đoản Văn

Là người Công Giáo từ thuở chào đời. Mẹ dạy đọc kinh khi chưa biết nói. Được ăn học cả thời niên thiếu ở tu viện khổ tu Châu Sơn, Đơn Dương, Tuyên Đức. Nhưng niềm tin của tôi đã có lúc lung lay tận gốc rễ. Đã có những giai đoạn trong cuộc đời, tôi sống như người chưa bao giờ biết Chúa. Tôi quên đi nhà thờ mỗi tuần, hay có đi cũng chỉ vì ánh mắt hay nụ cười giai nhân. Mặc dù trong cơn khốn khó gian nan, tôi vẫn cầu xin. Niềm tin những lúc như thế là niềm tin ích kỷ bởi vì tôi chỉ nghĩ đến tôi, chỉ cầu xin cho riêng mình.

Đức tin tôi lung lay xáo trộn trọn tuổi hai mươi vì đời đã cho tôi lo âu sợ hãi, hoang mang nghi ngờ, và chán chường tuyệt vọng. Đối diện với cuộc chiến ở quê hương, với cái chết của người quen, với xáo trộn xã hội, với bất công, và đe dọa làm tôi mất niềm tin vào cuộc đời. Rồi từ mất mát này đến mất mát nọ, tôi xa dần tôn giáo, xa dần những sinh hoạt đức tin tưởng như không bao giờ quên được.

Một buổi sáng chủ nhật ở Đà Lạt, lúc đó đang theo học năm đầu ban triết ở đại học, thức dậy trong cơn chán đời trầm trọng, tôi quyết định bỏ lễ. Sau đó, cả tuần áy náy bất an về việc bỏ lễ. Rồi một tuần, hai tuần, ba tuần trôi đi; Tâm hồn dần già chai lỳ. Việc bỏ đi lễ chủ nhật không còn làm tôi băn khoăn áy náy nữa. Sau này lớn lên, mới nhận thức rằng người ta phải mất nhiều thời gian, công sức để học làm những việc đạo đức, nhưng nếu bỏ ngỏ không tiếp tục thì chẳng bao lâu tâm hồn ta chai đá và việc làm đạo đức quen thuộc sẽ trở nên vô nghĩa nhàm chán.

Mùa giáng sinh cuối cùng trước khi rời quê hương, tôi đi lễ nhà thờ Con Gà với vài người bạn. Đến nhà thờ trễ. Đứng cuối nghe thánh ca. Nhưng tâm hồn không còn rung động như lúc hát hay nghe thánh ca trong những đêm giáng sinh ở đệ tử viện Châu Sơn Đơn nữa. Đó là lần đầu tiên, tôi đến nhà thờ với trái tim người vô đạo. Từ sau lễ giáng sinh đó, tôi bắt đầu khoảng đời không còn niềm tin, xa rời tôn giáo. Quê hương cũng chuyển mình vào mùa ly loạn, tàn khốc cực kỳ. Tin chiến tranh, tin động viên, tin về tham nhũng, tin về những mất mát, thua trận, chạy lan ra như những đợt sóng thô bạo đẩy xô vào lòng người đã ngập ứ những hoang mang, chán chường, nghi ngờ, mệt mỏi.

Theo sóng người tản cư, tôi đi không định hướng, không mục đích rõ ràng. Vẫn thầm đọc kinh trong những đêm di tản lênh đênh ngoài biển. Lúc đó tôi tưởng chuyến đi của mình đầy hãi hùng nguy hiểm. Sau này nghe chuyện vượt biên của người nhà, bạn bè, và người quen mới biết cuộc ra đi của mình chả có gì đáng nói. Nhưng nếu không có Chúa quan phòng tôi đã không tới bến bờ bình an, dù chuyến đi xuôi chảy dễ dàng.

Những ngày đầu tại Hoa Kỳ là thời gian hoang mang, buồn nản. Tuy thế, vì dư đầy vật chất so với quá khứ ở quê nhà, tôi xa rời tôn giáo. Trong những phút kinh hoàng ở quê hương hay trên đường di tản tôi đã cầu nguyện nhiều bao nhiêu thì nay giữa đời bình an no đủ, tôi càng ngày càng không còn cầu nguyện và sống đạo như xưa. Thỉnh thoảng những lúc tuyệt vọng hay cô đơn quá, tôi mới cầu nguyện. Có những khi bị cuốn lôi vào dòng đời điên loạn, ham vui, lo cơm áo, tương lai, tôi quên bẵng Chúa trong đời. Tưởng như đời sống chỉ cần công ăn việc làm vững vàng, bằng cấp, danh vọng, cửa nhà, vợ con là đủ. Nhu cầu vật chất và mộng ước trần gian đã nhiều lần đẩy xô tôi ra ngoài niềm tin tôn giáo.

Cũng may, tôi đã được nuôi dưỡng bằng lời kinh của mẹ tôi, người đàn bà chất phác quê mùa, nhưng niềm tin sắt đá, vô biên. Mẹ mù chữ, nhưng thuộc lòng kinh bổn. Mẹ không may mắn được cầm trên tay cuốn Thánh Kinh, nhưng thuộc nằm lòng những lời Kinh Thánh mẹ nghe đọc ở nhà thờ. Mẹ không hiểu Giáo Lý, không biết Thần Học, mù tịt về Giáo Luật, nhưng mẹ sống bắng đức tin Công Giáo và sống vì đức tin ấy mỗi ngày. Tôi đã nghe mẹ nói ngàn lần: “Con hãy nhớ, được lời lãi cả thế gian, mà chết mất linh hồn thì ích gì!” Có những lúc bất chợt nhớ mẹ, tôi nghe rõ trong hồn, giọng mẹ đọc kinh rề rề, thành khẩn. Còn nghe cả tiếng cầu xin thì thào trên môi mẹ. Không quên được giọng mẹ hát thánh ca sau những buổi kinh tối gia đình, nghe quê mùa, mộc mạc, nhưng sống động, tin yêu, thành kính. Nhiều lúc tôi nghĩ mẹ lẩm cẩm, chỉ biết tin và giữ đạo mù quáng. Nhưng sau này lớn lên, tôi mới nhận thức rằng, niềm tin chân thành đơn sơ là niềm tin vững mạnh, bền lâu.

Niềm tin tôn giáo trong tôi đã chuyển mình thay đổi theo tuổi đời. Khi bước vào tuổi ba mươi, tôi bắt đầu nhận ra đời sống thu nhỏ dần, và nhu cầu tâm linh cũng nảy mầm theo sự nhận thức mới về cuộc đời. Niềm tin tôn giáo trở lại mạnh mẽ hơn lúc bước vào tuổi bốn mươi. Tôn giáo càng ngày càng trở nên nhu cầu tâm linh cần thiết. Càng ngày tôi càng thấy mình bé nhỏ lại. Càng ngày càng thấy niềm tin chính là tình yêu. Và chỉ có niềm tin và tình yêu mới đem lại bình yên. Càng ngày càng nhớ và thương những lời kinh, tiếng hát quê mùa của mẹ. Càng ngày càng khám phá ra gia tài vô giá mẹ cho là những câu kinh những bài thánh ca mẹ dạy thuở ấu thơ.

Cảm ơn mẹ đưa con vào đời bằng những lời kinh nguyện đơn sơ. Xin cho con đi hết cuộc đời với trái tim của người biết cảm nhận được hồng ân Chúa qua nụ cười tiếng khóc trẻ thơ, qua vỗ về an ủi của người yêu, qua chia sẻ thân tình của bạn bè, qua lắng lo đùm bọc của gia đình. Và xin cho con luôn luôn nhìn thấy Chúa trong mọi hòan cảnh, nơi chốn cuộc đời.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Xưng Tội

Tôi có một chị bạn theo Phật giáo, chị X, một hôm chị nói với tôi: “Bên Công giáo các anh sướng qúa, các anh tha hồ phạm tội, rồi xưng tội, thế là hết tội, rồi phạm tội tiếp; dođó cac anh dễ phạm tội. Chúng tôi không tin ai có thể tha tội, hễ phạm tội thì phải đền tội, đời này hoặc đời sau.”

Tôi cám ơn chị X, bởi chị cho tôi cơ hội hiểu niềm tin của chị và đồng thời hiểu về chúng tôi hơn. Nếu không có người Công giáo làm gương mù, thì chị đã không có nhận xet như thế.

Chính cái ở ngoài tôi như cái gương, cho tôi thấy rõ những vêt bẩn trên mặt. Chính sự khac biệt, cho tôi cơ hội học hỏi. Nếu ai cũng như tôi thì có gì phải học?

Dù lời của chị X có ý miả mai, nhưng tôi không buồn. Thực tế, lời phê bình, nói thật, ich lợi cho chúng ta hơn những lời ngợi khen.

Trong thân phận là con người có giới hạn, và cố gắng tìm về chân lý, tôi muốn chia sẻ với chị X, và với những ai có ý nghĩ như chị:

- Nhận thưc về tội?

- Xưng tội?

- Có được tha thứ không?

- Tại sao xưng tội với Linh mục?

- Câu hỏi dành cho chị X?

1. Nhận thưc về tội

Khi người Công giáo tham dự Thánh Lễ, họ đọc Kinh Cáo Mình, có đoạn: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót…”

1.1. Tư tưởng: Nếu tôi nhìn một phụ nữ, và thèm muốn được ngủ với phụ nữ đó, mặc dù thực tế tôi chẳng bao giờ ngủ với nguòi đó, là tôi đã phạm tội tà dâm, một trọng tội, phải sa hỏa ngục đời đời, nghiã là không bao giờ có ngày ra khỏi đó.

Nếu tôi thấy một vật trong hãng và tôi có ý muốn lấy căp, là tôi đã phạm tội ăn căp, dù tay tôi chưa chạm đến vật đó.

Nếu tôi ganh tị vì có người được may mắn, tài giỏi hơn tôi; hoặc tôi có ý nghĩ khinh khi kẻ kém tôi, dù tôi chưa nói ra miệng, thì tôi đã phạm tội rồi.

1.2. Lời nói: Nếu tôi nói những lời vô ich, hoặc để trêu chọc một người nào đó, hoặc nói xấu người vắng mặt...

1.3. Việc làm: Nếu tôi không tuân giữ Luật Chúa, Luật Giáo hội, Luật lương tâm, như: li dị, phá thai; chỉ quan tâm, vơ vet những gì có lợi cho mình, cho gia đình, còn những ai bị thiệt thòi thì mặc họ…

1.4. Những điều thiếu sót: Nếu tôi có thể giúp người ngèo; hoặc ai cần sự giúp đỡ của tôi, nhưng tôi không giúp.Tôi không cầu nguyện, không làm gương sáng…Với ý thức về tội như thế, người Công giáo thấy cần phải xưng tội.

2.Xưng tội:

Muốn được tha thứ, hối nhân phải:

2.1 Xet mình: Phải xet cac tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sot, dựa vào 10 điều răn của Thiên Chúa:

thứ nhât: thờ phượng một Đưc Chúa Trời và kính mến Người trên hêt mọi sự.

thứ hai : chớ kêu tên Đưc Chúa Trời vô cớ.

thứ ba : giữ ngày Chúa Nhật.

thứ bốn : thảo kính cha mẹ.

thứ năm : chớ giêt người.

thứ sáu : chớ làm sự dâm dục.

thứ bảy : chớ lấy của người.

thứ tám : chớ làm chứng dối.

thứ chín : chớ muốn vợ chồng người.

thứ mười: chớ tham của người.

Và 6 điều răn của Hội Thánh:

thứ nhât: dự Lễ ngày Chúa nhật cùng cac ngày lễ buộc.

thứ hai : chớ làm việc xac ngày Chúa nhật cùng cac ngày lễ buộc.

thứ ba : xưng tội trong một năm it là một lần.

thứ bốn : chịu Mình Thánh Đưc Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh.

thứ năm : giữ chay những ngày Hội thánh buộc.

thứ sáu : kiêng thịt ngày Thứ sáu, cùng những ngày Hội Thánh dạy.

2.2 Ăn năn tội: Sau khi xét các tội đã phạm, hối nhân phải có lòng ăn năn, chê gét các tội, vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành.

2.3 Quyết chí chừa tội: Đã ăn năn, hối nhân còn phải thật lòng xa lánh tội, không phạm các tội đã phạm và các tội hối nhân chưa phạm bao giờ, nghĩa là tuyệt đối không phạm bất cứ tội nào.

Trong Kinh Lạy Cha: “..và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Qua câu này, Thiên Chúa chẳng những đòi buộc hối nhân có lòng từ bỏ tội lỗi, mà còn đòi buộc hối nhân phải tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, thì hối nhân mới được tha tội. Vídụ: một người nào đó xưng tội, nhưng trong lòng vẫn hận thù, thì xưng tội vô ích, vì còn hận thù là chưa từ bỏ tội lỗi.

Chúa Giêsu nói rõ trong dụ ngôn: “Nươc Trời như Vua kia tính sổ.Thuộc hạ Vua dẫn đến Vua một người mang nợ Vua 1000 lượng vàng.Vua đòi bán vợ, con, nhà cửa của y để trả nợ. Hắn qùy xuống và van xin: ‘Thưa ngài, xin rộng lòng thương xot tôi, hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết’. Vua động lòng thương, tha hêt nợ cho hắn. Bước ra ngoài, hắn gặp người bạn mắc nợ hắn vài chỉ vàng, hắn nắm áo người bạn và bảo: ‘Trả nợ cho tao’. Người bạn qùy xuống van xin: ‘Xin anh rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ cố gắng trả cho anh’. Nhưng hắn không chịu, hắn tống cổ kẻ thiếu nợ hắn vào ngục. Thấy việc như thế, bằng hữu rât buồn, trình lại với vua. Vua cho đòi hắn đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ac. Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như Ta đã thương xót ngươi sao?’ Vua bèn trao hắn cho lý hình tống vào ngục, cho đến ngày hắn trả hết nợ. Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ xử như thế, với những ai không tha thứ cho nhau. Mt 18:23-35

2.4 Kể rõ các tội: Hối nhân phải xưng các tội, không che dấu và không cố ý nói cho nhẹ bơt. Vídụ: một người phạm 10 tội, mà chỉ xưng có 9, còn một tội vì xấu hổ không xưng thì không hết tội, mà còn măc thêm tội dối trá. Trường hợp quên thì không kể.

2.5 Làm việc đền tội: Sau khi xưng tội, Linh mục đòi hối nhân làm một việc nào đó để đền tội. Vídụ: Tôi lấy cắp của ông A một ố tiền là 5,000 Mỹ kim, Linh mục buộc tôi phải trả lại số tiền cho ông A, nếu tôi không trả, thì tội của tôi chưa được tha. Gỉa dụ ông A đã qua đời, thì tôi phải trình lại với Linh mục. Nếu ngài nói, tôi phải trả số tiền đó cho các con của ông A, nhưng nếu tôi không làm, thì tội của tôi cũng chưa được tha; bởi không trả lại tiền, là tôi vẫn còn tham tiền của người, và cũng có nghĩa là tôi không thật lòng ăn năn và từ bỏ tội lỗi.

3. Có được tha thứ?

Hắn lấy tiền của cha hắn và bỏ nhà ra đi. Một thời gian sau, hắn tiêu hết tiền, hắn đói và đi ăn xin. Một hôm hắn gặp người bạn của cha hắn, hắn nói với ông:

- Cháu xấu hổ và ăn năn. Cháu muốn về nhà, nhưng không biết cha của cháu có tha thứ cho cháu không?

-- Cha cháu sẽ tha thứ, cháu cứ về đi. Bác biết không người cha nào không tha thứ cho con cái của mình, dù chúng có lỗi nặng đến đâu.

- Bác dò ý cha của cháu được không? Nếu cha của cháu tha thứ cho cháu, thì bác nói với cha cháu, treo một bong bóng màu hồng trước cổng nhà.

-- Bác sẽ làm theo ý của cháu.

Hôm sau, người con hoang đàng trở về, từ xa, hắn trông thấy không phải một bong bóng màu hồng, mà một rừng bong bóng màu hồng trên cổng, trên cành cây, trước nhà của cha hắn.

“Người nào trong các ông có 100 con chiên, bị mất một con, lại không để 99 con kia ngoài đồng, để đi tìm con chiên lạc? Tìm được, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè đến và nói: ‘Chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc’. Thật, tôi nói cho các ông biết, trên trời sẽ vui mừng vì một kẻ tội lỗi trở lại, hơn là 99 người ngay lành không cần sám hối, ăn năn.” Lc15:4-7

“Hễ ai xin thì nhận được. Ai tìm, sẽ thấy. Ai gõ, cửa sẽ mở cho. Có người nào, khi con mình xin bánh, lại cho hòn đá? Xin cá, lại cho con rắn? Anh em là kẻ xấu, còn biết cho con cái mình những thứ tôt lành, huống chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban của tôt lành cho những ai xin Người”. Mt 7:8-11

4. Tại sao xưng tội với Linh mục?

Thiên Chúa có toàn quyền quyết định việc tha tội cho chúng ta bằng cách Ngài muốn. Điều kiện đó, Chúa Giêsu đã nói rõ trong Sách Thánh:

Vào buổi chiều, nơi các môn đệ cư trú, các cửa đều đóng kín. Chúa Giêsu đến đứng giữa cac ông và nói: ‘Bình an cho anh em’. Nói xong Người cho cac ông xem tay và cạnh sườn Người. Các môn đệ vui mừng vì Chúa đã sống lại.

Chúa Giêsu: ‘Bình an cho anh em, như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em’. Nói xong, Chúa Giêsu thổi hơi trên các ông và bảo: ‘Anh em nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc.” John 20:19-23.

*

Phep Giải Tội ghi trên là nói trong trường hợp bình thường, nghiã là hối nhân có điều kiện gặp Linh mục. Trường hợp quân nhân ở mặt trận, hoặc hoàn cảnh không tìm được linh mục, nhưng nếu thật lòng ăn năn tội lỗi, chăc chắn Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.

5. Vài câu hỏi với chị X

- Có phải niềm tin Phật giáo, giup chị tránh phạm tội, nghiã là chị trong sạch, thánh thiện, không lầm lỗi?

- Có phải khi những đứa con của chị phạm lỗi, chị không tha thứ cho chúng, vì niềm tin Phật giáo đã phủ nhận sự tha thứ?

- Có phải khi chị làm điều sai quấy với cha mẹ của chị, hoặc người nào đó, khi xin lỗi họ, là chị xin lỗi ngoài miệng, nhưng thâm tâm của chị, chỉ muốn làm thêm nhiều điều sai quấy, để cho họ thêm buồn?

**

Có bao giờ một người thật sự ăn năn tội lỗi, lại muốn làm buồn lòng thêm, người mà mình xin lỗi không? Phép Giải Tội của người Công giáo không phải là duyên cớ làm cho họ dễ phạm tội, nhưng vì yếu đuối, vấp ngả, họ phải xưng tội lại.

Phép Giải Tội của người Công giáo là điều rât cần thiêt, giải thoát họ khỏi quyền lực của tội lỗi, của ma quỷ và giúp họ sống xứng với phẩm giá làm người, và làm con của Thiên Chúa. Và chỉ những ai cố gắng sống xứng với địa vị làm người, và làm con của Thiên Chúa, mới được hưởng hạnh phuc thiên đàng.

“Đức tin mà không có việc làm là đức tin chêt”.

***

Lạy THIÊN CHÚA là sự thật, là sự sống, là sự sáng, và là CHA của chúng con; xin thương xót và dìu dăt chúng con, trên bươc đường đi về cõi vĩnh phúc. Amen ■

Nguyễn Hy Vọng

TB: Khi viêt xong bài Xưng Tội, tình cờ tôi thấy trên NET, có bài viêt nói đến vấn đề xưng tội. Dođó tôi chụp lại đoạn văn đó dưới đây:

---

Tại Ðại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật Giáo trở lại Công Giáo. Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi đại ý như sau:

Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo. Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau:

- Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy tôi trở lại. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo, vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Ðối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, dĩ nhiên có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới những gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công Giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì./.